Y tế - Văn hóaThư giãn

Thấm thía tấm chân tình của Trương Tuyết Mai

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà thơ – nhạc sĩ Trương Tuyết Mai vừa gửi đến bạn đọc thi phẩm mới, với tựa đề "Gập ghềnh khúc đau" (NXB Hội Nhà văn, 2020).

Cũng vẫn những bài thơ ngắn nhưng hàm súc, kiệm lời mà ý tứ khoan thai, tựa đề tập thơ cũng như một tự sự mà cũng là những giãi bày của người thơ. Cho mình mà cũng để cho người. Sự chiêm nghiệm, nếm trải, và cả những niềm vui òa vỡ, những nỗi đau tình, đau đời lắm khi cũng cần tỏ bày, chia sẻ. "Đau tình ta khóc trong mơ/ đau đời ta hóa lơ ngơ giữa đời" (Đau).

Phải đau nhường nào, từng ở tâm thế nào mới thốt lên đắng đót: "Em không là gì hết sao anh nỡ nặng lời/ chỉ cỏ dại khô khát chết rồi mà vẫn thèm mưa" (Thèm mưa).

Bìa tập thơ “Gập ghềnh khúc đau”

Trong tình yêu, nhiều khi vô tư cũng là sự quên mình: "Biết không thể xanh hơn được nữa/ Lá buông mình vô tư rơi" (Vô tư). Bởi đơn giản, tình yêu đắm say thường không so đo, tính toán: "Người đó yêu tôi như là yêu thôi/ yêu như là yêu – trút cạn một đời" (Yêu như là yêu).

Thường, văn chương diễn tả gối đẫm nước mắt. Nhưng với Trương Tuyết Mai: "Chỉ có những giấc mơ vẫn còn đẫm trên đó/ Ta sợ bất chợt gió ập vào cuốn bay đi" (Gối không nước mắt). Hẳn rằng đã từng, mà cũng không cần rơi lệ hoặc nước mắt đã khô. Chỉ còn đẫm những giấc mơ trên gối, một cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo của Trương Tuyết Mai.

Và đây, một trong những bài thơ đẹp nhất, hay nhất của Trương Tuyết Mai: "Xin nhẹ bước thôi coi chừng lá vỡ/ Dẫu lá đã khô nhưng tình không nỡ/ Nghe tiếng lá vỡ mà xao xác lòng/ Nghe tiếng lá vỡ hồn bỗng trống không" (Lá vỡ). Cảm giác như tình không nỡ mà còn là tình không vỡ. Những cấp độ sau hình ảnh lá vỡ phải chăng là lời đoan định tình không vỡ, tình mãi còn, mà sao lòng xao xác? Ai dám nói tình mất hay còn? Nghe như còn mà lại là cảm giác yên ắng đến trống rỗng. Chỉ còn nghe lá tự rạn vỡ trước khi có bước chân người…

Trương Tuyết Mai đa cảm, thương những kiếp hoa đã tàn thì rơi rụng. Song khi còn hương sắc, hãy là phụng hiến: "Ước gì gói được hương hoa ấy/ Gửi đến cho người ngàn dặm xa" (Ước).

Với nhiều người, lắm khi đường đời đã bước qua nhau, không chạm, không gặp. Còn Trương Tuyết Mai "ta đã âm thầm trượt qua nhau" (Trượt). Nghĩa là đã từng chạm, song rồi trôi đi, trượt đi, không giữ được. Đã từng có những khoảnh khắc đẹp trong không gian Hà Nội, thiếu nữ ngợp trong tình yêu "anh chạy tìm em cháy cả trưa hè" (Tìm em). Đến khi ngoảnh lại đã quá nửa đời, câu thơ bàng bạc niềm nuối tiếc: "Ta đi mót lại tình xưa/ Gom từng mảnh vỡ dẫu chưa nguyên lành/ Dù trong dù đục cũng đành/ Chút tình gom nhặt cũng thành tơ duyên" (Chút tình gom nhặt).

Giữa những khúc đau, dẫu tựa vào bóng, tựa vào mơ nhưng vẫn chọn cách sống đẹp và tiếp tục yêu. "Tim tôi có một góc khuất/ Vừa đủ người ấy náu mình/ Góc nhỏ nhưng luôn tỏa sáng/ Dịu dàng ấm áp hồn tôi" (Có một góc khuất). Nhà thơ tự dặn lòng "Dù dòng trong hay đục/ Vẫn là cuội trắng ngời" (Viên cuội trắng).

Tập thơ khép lại với lời tự sự chân thành. "Ta là ngọn đèn cạn dầu lụn bấc/ Chẳng còn gì cũng mong cháy hết mình/ Dẫu không đủ sưởi trái tim cũng ấm được bàn tay" (Lời ngọn đèn).

Để càng thêm thấm thía tấm chân tình của Trương Tuyết Mai nhạc sĩ – nhà thơ. 

Theo Nguyễn Hoàng Hoa/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)