Tuần qua chúng ta lại phải chứng kiến thêm một câu chuyện quá quen thuộc, đó là câu chuyện một nhóm nữ học sinh đánh đập, lột áo bạn (Tuổi Trẻ
25-11). Sự kiện này đã quen thuộc bởi những hành vi bạo hành như thế từng xuất hiện cách đây không lâu và cũng nhận được sự quan tâm, lo lắng rất lớn từ công luận.
Tại sao hiện tượng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn? Câu trả lời ở đây là bởi sau bao nhiêu sự kiện có liên quan đến bạo lực học đường thì ngành giáo dục nói riêng và xã hội cũng như gia đình hình như vẫn chưa có những hành động thích hợp để ngăn ngừa. Tức những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường vẫn còn như cũ, chưa được giải quyết thấu đáo.
Quả vậy, theo chúng tôi, sự phản ứng của ngành giáo dục trước nạn bạo lực trong học sinh như ra các văn bản chỉ thị, nhắc nhở các trường tăng cường ngăn chặn bạo lực… không phải là những cách thức căn bản và quan trọng trong việc ngăn ngừa vấn nạn này.
Phản ứng như thế nào là thích hợp? Theo chúng tôi, một trong những việc cần làm ngay đó là ngành giáo dục phải tiến hành đồng loạt công tác tham vấn học đường ở tất cả cấp học từ tiểu học đến cao đẳng – đại học.
Chúng ta đều biết học sinh ở tất cả cấp học đang phải chịu rất nhiều áp lực. Áp lực về nội dung chương trình (phải tiêu hóa một lượng kiến thức quá lớn), áp lực từ phía phụ huynh (phải đạt thành tích cao trong học tập)…
Những áp lực này chỉ có thể được giải tỏa nếu các em nhận được tham vấn đầy đủ và khoa học từ nhà trường. Học sinh cũng là độ tuổi chưa biết đầy đủ cách ứng xử và đối phó với những áp lực, bất đồng và mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội nên rất cần sự tư vấn từ phía các nhà tham vấn chuyên nghiệp.
Một điều lưu ý là chúng ta cần tránh ảo tưởng rằng mở một vài lớp học dạy về kỹ năng sống trong vài tuần cho các em học sinh thì các em có được kỹ năng sống. Một quá trình giáo dục lâu dài mới hình thành kỹ năng sống chứ không thể thu nhận trong một thời gian ngắn được. Do đó, luôn cần có hoạt động tham vấn trong suốt giai đoạn học đường của các em.
Tham vấn là quan trọng không phải chỉ nhằm giải quyết những khúc mắc về tâm lý mà là mọi vấn đề từ học hành, định hướng nghề nghiệp, cách ra quyết định, cách xử lý áp lực và các cách thức ứng xử trước những tình huống không mong muốn. Do đó nhà tham vấn vừa là nhà tâm lý, vừa là nhà giáo dục, vừa là phụ huynh, vừa là người bạn đồng hành của các em học sinh.
Nếu ngành giáo dục không tìm cách khắc phục khó khăn để tăng cường hoạt động tham vấn học đường thì vấn nạn bạo lực trong học sinh chắc chắn sẽ không giảm trong tương lai.
LÊ MINH TIẾN (thạc sĩ xã hội học)
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)