TVV đang tư vấn cho HS. Ảnh: Anh Khôi
|
Những ngộ nhận về công tác tham vấn học đường sẽ gây khó khăn cho tham vấn viên (TVV) trong quá trình làm việc, thậm chí là đi lệch với yêu cầu của công tác tư vấn tâm lý.
Theo ThS. Lê Thị Mai Liên, giảng viên bộ môn tâm lý Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), đặc thù môi trường làm việc của người làm công tác tham vấn học đường là thường phải tiếp xúc với nhiều mối quan hệ. Họ làm việc trực tiếp với học sinh (HS) nhưng lại bao hàm luôn các quan hệ liên quan như giáo viên (GV), phụ huynh, ban giám hiệu (BGH) hay cả những bộ phận khác trong nhà trường. Và trong bối cảnh nguồn nhân lực phụ trách tham vấn học đường chủ yếu là GV hay cán bộ kiêm nhiệm không được đào tạo bài bản như hiện nay thì việc ngộ nhận về hình ảnh là điều rất dễ xảy ra.
TVV không phải người toàn năng
Trong quan niệm của nhiều HS, TVV thường phải là GV, cán bộ phụ trách Đoàn – Hội hay thậm chí là cán bộ kỷ luật, trợ lý của BGH. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi đa phần TVV hiện nay đều không phải là người chuyên trách mà chỉ làm công tác kiêm nhiệm. Nghĩa là, tư vấn học đường chỉ là một trong số những phần việc họ làm trong quá trình công tác tại trường. Theo ThS. Mai Liên, điều này sẽ gây khó khăn cho TVV trong quá trình tiếp cận HS bởi hình ảnh đó không đủ để các em tin tưởng chia sẻ những tâm tư, tình cảm vướng mắc từ bản thân. Các em sợ những vấn đề trong quá trình tham vấn sẽ bị để ý hoặc trở thành “ấn tượng xấu”, qua đó GV và nhà trường theo dõi.
Theo ThS. Mai Liên, một hình tượng khác mà nhiều TVV xây dựng trong suy nghĩ của HS là một chuyên gia… cái gì cũng biết, thậm chí là một người để các em có thể phụ thuộc kiểu như bố mẹ. Điều này tuy có khiến cho HS dễ cởi mở, sẵn sàng chia sẻ trong quá trình tham vấn nhưng lại khiến cho các em thụ động, không tự đưa ra hướng giải quyết cho mình hay thậm chí là ỷ lại vào lời khuyên của TVV. Chính vì vậy, trong quá trình tham vấn, hướng giải quyết vấn đề của TVV không phải theo kiểu “em nên làm thế này hay em nên giải quyết theo hướng kia”… mà nên gợi mở vấn đề, tình huống để HS tự phát huy, tìm cách giải quyết cho bản thân mình. “Do đó, hình tượng mà một TVV xây dựng trong mối quan hệ với HS là “người lớn đáng tin cậy” hay “nhà chuyên môn đáng tin cậy”, để những điều các em chia sẻ sẽ được bảo mật tuyệt đối”, ThS. Mai Liên nói.
Quyền tham vấn cần được tôn trọng
ThS. Mai Liên cho biết, nhiều GV thường có suy nghĩ rằng tham vấn học đường sẽ khiến HS thay đổi hành vi, thái độ, khiến các em từ một HS chưa ngoan sẽ thành HS ngoan, dễ bảo, học giỏi. Sự suy nghĩ này khiến cho nhiều GV khi gặp phải một HS chưa ngoan trong lớp sẽ… mời xuống phòng tham vấn gặp… TVV. Điều này vô tình vi phạm quyền tự chủ và tự quyết của HS về việc đề xuất dịch vụ tham vấn. Nhiều em khi xuống phòng tham vấn không hiểu lý do mình xuống đây và tỏ vẻ bất hợp tác vì không có nhu cầu. Trong những tình huống này, TVV cần tiếp nhận than phiền, yêu cầu từ GV nhưng phải làm cho họ hiểu rằng: Điều họ mong muốn hoàn toàn nằm ngoài khả năng của một đứa trẻ và chức năng của một người tham vấn học đường. Quá trình tham vấn có thể sẽ khiến HS thay đổi nhưng là sự thay đổi theo hướng khác, thời gian nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhận thức, cách suy nghĩ của từng đối tượng HS. Bên cạnh đó, tuy HS bị ép buộc nhưng TVV nên tạo không khí cởi mở, sự tin tưởng để tìm hiểu nguyên nhân, sự việc đằng sau hành vi của các em, qua đó giúp các em tìm ra hướng giải quyết cho mình.
TVV không phải là giám sát kỷ luật
Một số lãnh đạo trường học tuy rất tích cực trong công tác bồi dưỡng cán bộ tham vấn học đường nhưng lại có cách phối hợp theo kiểu: Đề nghị theo dõi tình hình HS và báo cáo lại cho BGH biết các hành vi của những em có dấu hiệu không-bình-thường để nhà trường kịp thời có sự điều chỉnh. Tuy đây hoàn toàn xuất phát từ suy nghĩ tốt nhưng nếu thực hiện theo yêu cầu này, TVV đã hoàn toàn đi ngược với nguyên tắc bảo mật thông tin về tham vấn tâm lý, không lấy được lòng tin của HS và vô tình trở thành giám sát kỷ luật của nhà trường. “Sẽ chẳng HS nào tìm đến TVV để rồi sau đó lại nhận được sự nhắc nhở, theo dõi từ GV chủ nhiệm hay BGH. Đây cũng là hình ảnh sai lệch không đáng có, gây khó khăn cho quá trình làm việc sau này, thậm chí là dẫn đến stress. Vì vậy, TVV cần giải thích cho BGH về những nguyên tắc bảo mật của nghề tham vấn để họ hiểu và tôn trọng chuyện riêng tư của mỗi HS”, ThS. Mai Liên khẳng định.
Không can thiệp quá sâu chuyện gia đình
ThS. Mai Liên cho biết: “Theo kinh nghiệm của những ca tư vấn học đường, 70% các vấn đề về HS xuất phát từ chính gia đình các em. Một số TVV khi tìm được nguyên nhân từ chính gia đình các em sẽ ngay lập tức tìm cách liên hệ với phụ huynh. Điều này sẽ dẫn đến hai trường hợp: Gia đình hợp tác hoặc phản đối chuyện người khác quan tâm đến vấn đề của họ. Trong một số trường hợp bị phản đối, HS nhiều khi còn bị hiệu ứng ngược từ phía gia đình như trách phạt, đánh mắng vì dám tiết lộ chuyện nhà cho người ngoài”.
“Tâm lý nhiều người Việt Nam vẫn cho rằng “đèn nhà ai nấy sáng” nên họ rất khó chấp nhận con mình đem chuyện nhà đi kể và tìm sự trợ giúp từ người khác. Do đó, trước khi tìm mối liên hệ với gia đình, TVV nên hỏi trước ý kiến của HS để kịp thời ngăn những tình huống xấu có thể xảy ra. Nếu các em phản đối, TVV nên chấp nhận sự giúp đỡ HS chỉ dừng lại ở mức độ chia sẻ, thấu hiểu cảm xúc”, ThS. Mai Liên chia sẻ.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Rất nhiều TVV trong quá trình tiếp xúc với phụ huynh đã nhận ra vấn đề của họ lại chính là chuyện mình đã từng trải qua trong quá khứ dẫn đến sự hồi tưởng tiêu cực trong cảm xúc. Với những tình huống này, TVV cần giữ tâm thế ổn định về mặt cảm xúc, chia sẻ vấn đề và giúp phụ huynh tìm ra hướng giải quyết. Trường hợp khó hơn có thể tìm sự trợ giúp từ người khác để hỗ trợ cho công việc của mình”, ThS. Mai Liên nói. |
Bình luận (0)