Sự kiện giáo dụcTin tức

Tham vấn tâm lý học đường: Cần nhưng chưa có

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Mỹ, cứ 1.000 học sinh thì có một chuyên gia chăm sóc tâm lý, còn ở Việt Nam, vấn đề này còn rất xa lạ. Số trường của Việt Nam có phòng tư vấn tâm lý có thể nói chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, nhu cầu được tư vấn tâm lý trong học sinh, sinh viên ngày càng trở nên bức thiết.
Áp lực học tập
Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh trường học tại Hà Nội do Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện ban ngày Mai Hương và Trường ĐH Melbourne (Úc) được thực hiện từ 21.960 thanh thiếu niên Hà Nội cho thấy: gần 20% số học sinh trong độ tuổi vị thành niên gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần trong đó 3,7% có rối loạn hành vi. Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, có 3 nguyên nhân tác động đến tình trạng trên. Nguyên nhân đầu tiên là từ xã hội. Sự học ở Việt Nam được xã hội đề cao và trở thành như một đạo lý, một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt. Chính vì vậy, người nông dân luôn ước mơ và khát khao là con cháu họ phải thoát khỏi cuộc sống cơ cực. Điều này đã tạo áp lực đối với học sinh phổ thông. Mỗi năm chỉ 30% thí sinh dự thi được vào ĐH, CĐ. PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cho rằng đây là cánh cửa “quá hẹp”, nên học sinh phổ thông luôn căng thẳng trong suốt thời gian học tập và lo lắng cho số phận của mình trước các kỳ thi ĐH. Báo cáo của ông Trần Văn Vũ, Phó viện trưởng Khoa 3 (thuộc Bệnh viện Tâm thần trung ương I) mỗi năm bệnh viện đón gần 4.000 bệnh nhân trong đó 30% là đối tượng học sinh, sinh viên. Thời điểm bệnh nhân nhập viện đông nhất là sau mỗi lần tuyển sinh ĐH.
Nguyên nhân thứ hai được ông Loan đề cập đến đó là từ nhà trường. Nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả Lê Thị Kim Dung, Lã Thị Bưởi, Đinh Đăng Hòe cho thấy gần 100% học sinh phải học thêm, trong đó 17% học sinh phải học thêm trên 5 giờ/ngày; 85% số học sinh luôn căng thẳng tâm thần do áp lực của việc học tập; 61% trẻ luôn căng thẳng do áp lực của các kỳ thi, kiểm tra ra quá nhiều; 65% học sinh luôn gặp khó khăn trong học tập do khối lượng nội dung quá lớn của các môn học. Nguyên nhân thứ 3 là từ phía gia đình. Cha mẹ là một tác nhân góp phần cho “chiếc cặp” của học sinh ngày một nặng thêm. Ngoài ra, những đổ vỡ trong gia đình cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của học sinh hiện nay.
Như vậy, cả ba nguyên nhân trên được PGS.TS Nguyễn Hồi Loan chỉ ra tập trung xoay quanh vấn đề học tập của học sinh, sinh viên. Trong khi đó, cho đến nay, tại các trường từ phổ thông lên đến đại học hầu như chưa có phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên. Đây là một vấn đề cần quan tâm. Cũng có thể nói rằng, các cấp quản lý của ngành giáo dục chưa thực sự lưu tâm đến vấn đề này. Năm học mới 2009 – 2010 là năm thứ 2 ngành giáo dục phát động phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã được chú trọng. Nhưng giáo dục kỹ năng sống chắc chắn phải gắn với vấn đề tâm lý của học sinh lại chưa được đề cập đến. Các đại biểu tham gia hội thảo quốc tế nhu cầu định hướng và đào tạo tâm lý học đường tại Việt Nam do Viện Khoa học xã hội, một số trường ĐH có khoa tâm lý, một số trường ĐH Mỹ tổ chức trong hai ngày 3 đến 4-8 đều rất thắc mắc khi một hội thảo về tâm lý học đường lớn như thế lại không có một quan chức nào của Bộ GD-ĐT tham gia.
Can thiệp tâm lý đối với học sinh: không bao giờ là quá sớm
Câu hỏi thường được đặt ra nhiều nhất đối với các nhà tâm lý là: khi nào thì cần can thiệp tâm lý đối với học sinh, sinh viên? Lứa tuổi nào là phù hợp? Theo GS.TS Kristi Hagans (chuyên gia tâm lý học đường đến từ Mỹ) thì càng sớm chừng nào tốt chừng đó. Rất khó để đưa ra câu trả lời ở lứa tuổi nào thì cần tham vấn tâm lý. Theo GS. Kristi có 3 yếu tố để hình thành khả năng vượt khó của trẻ: thứ nhất là trẻ cần phải có một quan hệ hỗ trợ tích cực. Người này không nhất thiết là phụ huynh của trẻ mà quan trọng là họ đã vượt qua được khó khăn và sẽ là tấm gương cho trẻ học tập. Yếu tố thứ hai là phải tìm được những điểm mạnh của trẻ để phát huy và yếu tố cuối cùng chính là giúp trẻ tìm ra được những mục tiêu cho tương lai.
Đứng từ góc độ thực tế, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, trường được thành lập từ năm 1989 nhưng phải 10 năm sau, trường mới nghĩ ra vấn đề này. Phòng tư vấn tâm lý hướng nghiệp của trường đã hoạt động được 6 năm nay nhưng hoạt động tốt cũng mới chỉ được 2 năm nay do đội ngũ cán bộ còn yếu. Trường có 1.000 học sinh nhưng có 4 chuyên gia tâm lý. Sở dĩ Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng chú trọng vấn đề tâm lý học sinh do môi trường nhà trường khá đặc biệt. Khác với tất cả các trường ngoài công lập khác của Hà Nội, Trường Đinh Tiên Hoàng không tuyển đầu vào nhưng phải chuẩn đầu ra. Hàng năm trường có khoảng 20% học sinh vào trường đạo đức yếu và 60% học sinh vào trường học lực kém. Nhưng khi ra trường, chỉ còn 1 – 2% học sinh có học lực đạo đức yếu và hàng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường khoảng 90 – 95%. Kết quả này có được theo ông Lâm đó do một phần từ hoạt động của Phòng tư vấn tâm lý hướng nghiệp của trường. Học sinh của trường thường gặp phải vấn đề về tâm lý như khó khăn học đường; khó khăn về gia đình, khó khăn tâm lý đơn thuần, biểu hiện về tinh thần, giới tính…
Tư vấn tâm lý học đường là một hoạt động cần thiết và vô cùng quan trọng. Trong số 250 học sinh cuối THCS và THPT của TP Nam Định được hỏi thì có tới 84,7% cho rằng các hoạt động trợ giúp tâm lý học đường là rất cần thiết và có 69% cho biết nếu có các hoạt động này ở trường thì họ sẽ tham gia.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)