Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tham vấn tâm lý học đường: Tự phát, lẻ tẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Lương Văn Can đang trao đổi bài. Ảnh: N.Hùng

Gần như 100% các trường phổ thông ở nước ta hiện nay “trắng” dịch vụ tâm lý học đường tại chỗ. Rất ít trường học vận dụng khoa học tâm lý giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tâm lý học đường gần đây đã bắt đầu được chú ý, tuy nhiên để hoạt động này thực sự hiệu quả và trở nên chuyên nghiệp, cần vượt qua hai thử thách lớn là nguồn lực con người và tài chính.
Thả nổi!
Tự phát, lẻ tẻ là nhận định của nhiều chuyên gia về lĩnh vực tâm lý học đường ở các trường phổ thông hiện nay tại hội thảo khoa học quốc tế về “Tâm lý học đường lần thứ 3” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 26-7. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hiểu biết và sự tiếp nhận tâm lý học đường ở nước ta còn nhiều hạn chế. Giáo viên phổ thông khi gặp học sinh chưa ngoan chỉ nghĩ ngay đến biện pháp giáo dục mà ít chú tâm các biện pháp của tâm lý học. Những trường hợp mắc các rối nhiễu tâm lý nặng như trầm cảm, loạn thần… thường được chỉ định đến gặp bác sĩ tâm thần thay vì chuyên gia tâm lý. Mọi người hiếm khi chủ động tìm đến dịch vụ tâm lý, số ít chỉ tham gia tư vấn trực tuyến, qua điện thoại. Trong khi đó tại trường học, những vấn đề về tâm lý ở học sinh như bạo lực học đường, tự tử, trộm cướp, giết người… ngày càng gia tăng. “Vậy mà gần như 100% trường phổ thông ở nước ta hiện nay không cung cấp dịch vụ tâm lý học đường tại chỗ. Một số mô hình thí điểm được triển khai nhờ sự hỗ trợ không thường xuyên của các nhà tâm lý học đường đến từ các trường ĐH.Rất ít trường học vận dụng khoa học tâm lý giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” – TS. Nguyễn Tùng Lâm và TS. Nguyễn Ngọc Diệp (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Hà Nội) cùng nêu thực trạng. Cũng theo hai TS này, hiện đã có một số đơn vị tư nhân và tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý học đường, riêng các cơ quan Nhà nước vẫn chưa có chính sách chỉ đạo hữu hiệu tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay hoạt động tâm lý học đường đang bị thả nổi (ảnh minh họa). Ảnh: Như Hùng

Trong bối cảnh như vậy, hoạt động tâm lý học đường mới dừng lại ở mức độ nghiệp dư. TS. Nguyễn Thị Bích Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) phân tích rõ nguyên nhân, do thiếu định hướng và đầu tư từ cấp quản lý Nhà nước nên ngay từ đầu, hoạt động tâm lý học đường đã bị thả nổi, tự phát dẫn đến tình trạng mỗi trường một kiểu. Hầu hết nhắm đến việc tăng cường các giải pháp giáo dục học sinh hơn là quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các đối tượng đa dạng. Vì thiếu kinh nghiệm nên ban giám hiệu các trường lúng túng trong quản lý, triển khai nội dung hoạt động. Nơi thì ban giám hiệu phó mặc mọi hoạt động cho chuyên viên, nơi thì chỉ đạo nội dung hoạt động theo kinh nghiệm chủ quan dẫn đến hiệu quả kém.
Bắt đầu từ… số không!
Từ thực tiễn, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc phát triển mô hình tâm lý học đường ở nước ta hiện nay dường như phải bắt đầu từ… con số không. Hai thử thách lớn cần phải vượt qua là vấn đề nguồn lực con người và tài chính. Đối với các trường tư thục, tùy năng lực từng trường nên cho phép lập văn phòng tâm lý học đường với một số biên chế nhân sự nhất định. Nhưng với các trường công lập, mô hình này chưa thể hiện thực hóa khi các sở GD-ĐT chưa quy định biên chế tiền lương cho một ê-kíp làm tâm lý học đường.
Thực tế, việc không có định biên cho nhân sự hoạt động tâm lý học đường buộc các trường phải linh động sử dụng các khoản kinh phí khác để ký hợp đồng, trả lương. Phía chuyên viên, chưa được tạo điều kiện đầy đủ nên hoạt động chưa toàn tâm toàn ý. Đã vậy, vấn đề định biên nhân sự cho mảng tâm lý học đường còn vướng phải khó khăn khan hiếm nguồn tuyển. Đến nay, trên cả nước, duy chỉ có Sở GD-ĐT TP.HCM tham mưu cho UBND TP để định một biên chế làm tâm lý học đường cho mỗi trường THPT nhưng các trường ĐH sư phạm lại chưa cung cấp nổi nhân sự. TS. Nguyễn Thị Bích Hồng cũng chỉ ra rằng, chính từ khó khăn do thiếu nguồn đào tạo mà các trường phải thu nhận những chuyên viên thuộc đa lĩnh vực, chỉ được đào tạo ngắn hạn về công tác tham vấn tâm lý.
“Khi có được biên chế, kinh phí làm tâm lý học đường ở các trường phổ thông rồi, các trường ĐH phải đào tạo khẩn cấp để cung cấp đủ nhân lực tâm lý học đường. Nếu thiếu kế hoạch chặt chẽ, các trường ĐH sẽ không đáp ứng nổi” – TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Mê Tâm
 
Nhu cầu tham vấn tâm lý của SV cũng rất cao
Ông Đỗ Tất Thiên (Trường ĐH Quy Nhơn) đã khảo sát và cho biết, đa phần SV thường xuyên gặp phải những vấn đề khó giải quyết trong cuộc sống. Nhu cầu chia sẻ và chăm sóc sức khỏe tâm trí của các em cũng rất cao, chiếm đến 96% số em được khảo sát. Do đó, hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường với đội ngũ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản là giải pháp tối ưu giúp các em giải tỏa những nhu cầu đó.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)