Hội nhậpThế giới 24h

Tham vọng bán dẫn của Ấn Độ

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang nỗ lực biến nước này thành một đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua chip toàn cầu.

Theo trang tin Bloomberg hôm 23-7, chính quyền Thủ tướng Modi hồi tháng 2 đã phê duyệt khoản đầu tư trị giá 15,2 tỉ USD để xây dựng các nhà máy chế tạo chất bán dẫn trong nước. 

Trong số này, có đề xuất của Tập đoàn Tata Group xây dựng cơ sở sản xuất chip lớn đầu tiên của Ấn Độ. Khoản đầu tư này cũng bao gồm các đơn vị lắp ráp và một nhà máy đóng gói sản phẩm được phát triển cùng với các công ty từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. 

Tập đoàn Tata cho biết họ đặt mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Ấn Độ đạt 110 tỉ USD vào năm 2030, đáp ứng 10% nhu cầu toàn cầu.

Các chuyên gia nhận định quyết định trên phù hợp với kế hoạch đầy tham vọng của Ấn Độ nhằm xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn nội địa toàn diện. Đây được xem là ưu tiên chiến lược sau khi ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cho thấy Ấn Độ quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu. 

Nước này cũng hy vọng tận dụng cơ hội từ các công ty nước ngoài đang tìm kiếm trung tâm sản xuất thay thế trong bối căng thẳng thương mại và địa chính trị khiến chuỗi cung ứng rút khỏi Trung Quốc, quốc gia từ lâu dẫn đầu ngành sản xuất chip.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất của Công ty Công nghệ Lava International Limited ở Noida, bang Uttar Pradesh - Ấn Độ Ảnh: REUTERS

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất của Công ty Công nghệ Lava International Limited ở Noida, bang Uttar Pradesh – Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw tự tin tuyên bố nước này sẽ thuộc nhóm 5 quốc gia hàng đầu về sản xuất chất bán dẫn trong 5 năm tới. 

Trong khi đó, ông Anurag Awasthi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Bán dẫn Ấn Độ, chỉ ra các thế mạnh của nước này là nhu cầu nội địa lớn, lợi thế về nhân khẩu và năng lực thiết kế. Theo ông, ba khía cạnh này đang và sẽ là động lực thu hút cả đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Karthik Nachiappan, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore, nhận định Ấn Độ đang dốc toàn lực vào lĩnh vực vi mạch thay vì chỉ tập trung vào một mảng của ngành công nghiệp này.

"Ấn Độ đang cố xây dựng toàn bộ hệ sinh thái chip từ nghiên cứu, phát triển, thiết kế, sản xuất và chế tạo chip, đồng thời cố gắng đào tạo nhân lực có thể thúc đẩy sáng kiến này" – ông Nachiappan nói.

Tuy nhiên, ông Nachiappan cho rằng tiến trình này vẫn đang ở giai đoạn đầu và có thể sẽ mất nhiều thập kỷ để Ấn Độ đạt được vị thế như các quốc gia khác. Chuyên gia này lập luận những hạn chế trong nước, như đất đai, năng lượng, nguồn cung cấp nước…, cũng như các vấn đề thể chế, như thuế quan cao, sẽ đe dọa tham vọng sản xuất chip của Ấn Độ.

Theo Xuân Mai/NLĐO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)