Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Thăm Waterloo – chiến trường xưa của Napoléon

Tạp Chí Giáo Dục

Là một địa danh nổi tiếng của Vương quốc Bỉ, Waterloo gắn liền với trận đánh kinh điển đặt đánh dấu chấm hết cho vương triều của Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte.
Du khách ngắm chiến trường xưa qua ống kính – Ảnh: G.Hoàng
Sau khi Napoléon trở lại nắm quyền vào năm 1815, các nước chống lại ông đã cùng nhau thành lập Liên minh Thứ bảy, gồm Anh, Nga, Áo và Phổ. Napoléon quyết định tấn công kẻ địch trước khi họ kịp kết hợp với nhau xâm lăng nước Pháp.
Chiến trường xưa thanh bình
Chuyến xe buýt từ Bruxelles đi về phía ngoại ô đã cập bến chừng 10 phút, nhưng tôi vẫn chưa tin đây là Waterloo. Bởi trong tưởng tượng của tôi, chiến trường xưa hẳn phải là một nơi có địa hình hiểm trở, nhưng khung cảnh hiện ra trước mắt hoàn toàn trái ngược.
Nằm cách thủ đô Bruxelles gần 20km, Waterloo là một thị trấn thanh bình, trù phú với những con đường nhựa phẳng phiu vắt ngang qua cánh đồng lúa mì mênh mông bát ngát. Xa xa là những nông trang của người Bỉ, thấp thoáng bóng dáng của những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi với kiến trúc đặc trưng vùng Wallonia.
Tôi sợ mình sẽ không tìm được dấu tích nào của trận đánh kinh điển khi xưa. Nhưng lo lắng đấy là thừa. Bởi ngày nay những ký ức của trận Waterloo vẫn được người Bỉ lưu giữ cẩn trọng trong một khu di tích được xây dựng cầu kỳ.
Thị trấn Waterloo nằm ở vùng Wallonia, Vương quốc Bỉ – Ảnh: G.Hoàng
Napoléon được nhớ đến như một thủ lĩnh quân sự tài ba trong các cuộc chiến tranh mà nước Pháp phải đối đầu với nhiều quân liên minh. Nhờ tài thao lược của Napoleon mà Quân đội Đế chế Pháp (La Grande Armée) thường giành thắng lợi trong những cuộc chiến này, ngay cả khi đối phương có ưu thế về quân số.
Nhưng khi nhắc tới sự nghiệp quân sự lừng lẫy ấy, lịch sử vẫn không bỏ qua thất bại của Napoleon trong trận đánh kinh điển diễn ra tại Waterloo. Đây là một trong những trận đánh nổi tiểng nhất và cũng là trận đặt dấu chấm hết cho “Cuộc chiến tranh Napoléon”.
Trận đánh quyết định
Tới chiến trường Waterloo, khách du lịch có thể tham gia các hoạt động phong phú của khu di tích. Lựa chọn đầu tiên không thể bỏ qua là leo 226 bậc thang để lên đỉnh “Đồi sư tử” (Butte du Lion).
Ngọn đồi nhân tạo cao 40m được đắp trong khoảng năm 1823-1826, tương truyền là nơi Hoàng tử Orange (sau này là vua Guillaume II) của Hà Lan bị thương trong trận đánh lịch sử Waterloo ngày ấy. Trên đỉnh đồi là tượng một con sư tử mặt hướng về nước Pháp.
Đứng trên đỉnh đồi, khách du lịch có thể khám phá toàn cảnh chiến trường xưa, nay là những cánh đồng lúa mạch trải dài, là làng mạc bình yên với những con đường quanh co uốn lượn.
Đồi Sư tử – Ảnh: G.Hoàng
Không ít người muốn tìm hiểu về chiến lược quân sự đã dành hàng giờ ngồi lại trên bậc đá dưới chân sư tử để nghiên cứu trận đồ của trận đánh kinh điển cách đây đúng 200 năm.
Trận Waterloo ngày ấy là trận đánh quyết định trong chiến dịch Waterloo 3 ngày (từ 16-19 tháng 6 năm 1815). Quân đội Anh dưới sự chỉ huy của Wellington bố trí dọc tuyến đường Bruxelles trên dốc núi Mont-Saint-Jean, đã chống trả nhiều đợt tấn công dữ dội của quân Pháp.
Sau đó quân Phổ kéo tới xuyên thủng cánh phải của Napoléon, đồng thời quân Anh cũng phản công liên tiếp khiến quân Pháp phải rút lui trong rối loạn. Liên quân sau đó tiến vào Pháp phục hồi ngôi vị cho Louis XVIII, buộc Napoléon phải thoái vị và bị lưu đày tới đảo Saint Hélène, nơi ông qua đời vào năm 1821.
Trận đồ của trận đánh lịch sử Waterloo – Ảnh: G.Hoàng
Tái hiện lại trận Waterloo – Ảnh: G.Hoàng
Sống lại chiến trường xưa
Ngoài lựa chọn leo lên ngọn “Đồi Sư tử” để ngắm toàn cảnh chiến trường xưa, khách du lịch cũng có thể lên một đoàn tàu để thăm thực địa chiến trường. Hoặc xem mô hình của trận chiến được thiết kế kỳ công, thăm bảo tàng sáp với những nhân vật chính của trận đánh Waterloo, rồi vào rạp xem những bộ phim lịch sử tái hiện sinh động lại trận chiến năm xưa…
Để tăng cường sức thu hút cho khu du lịch, vào hai ngày cuối tuần, ban quản lý khu di tích nỗ lực làm sống lại không khí thực của cuộc chiến năm xưa bằng cách sắp xếp cho khách du lịch cùng ăn cùng ở với một nhóm diễn xuất của khu du lịch Waterloo.
Bảo tàng tượng sáp các nhận vật chính trong trận đánh Waterloo – Ảnh: G.Hoàng
Trận Waterloo là một nốt nhạc trầm trong cuộc đời chinh chiến hiển hách của thiên tài quân sự Napoléon. Nhưng không chỉ với những người yêu thích khám phá lịch sử và quân sự, ai đến đây cũng đều muốn ghé thăm địa danh nổi tiếng này một chuyến.
Và không đơn giản là một chuyến khám phá, đó còn là nơi để người ta chiêm nghiệm về những cuộc chiến.  
G.HOÀNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)