Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Thân cò”…

Tạp Chí Giáo Dục

Toán đang bán rau cho khách hàng

Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng/Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo sèo mặt nước buổi đò đông”. Hình ảnh người vợ trong bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương cũng là hình ảnh của các chị – những người mẹ, người vợ mà tôi vẫn thường gặp ở cái chợ “chồm hổm” (hẻm Nguyễn Lâm, P.3, Q.Bình Thạnh) này…
Sở dĩ tôi gọi là chợ “chồm hổm” bởi người bán hàng không có chỗ ngồi đàng hoàng mà cứ phải ngồi chồm hổm. Chợ “chồm hổm” nhỏ lắm, vào giờ cao điểm cả kẻ bán lẫn người mua cũng chưa quá mười người. Thế nhưng tình người ở đây lại không nhỏ chút nào…
1. Người phụ nữ đầu tiên mà tôi gặp là chị Hạnh – chị bán đủ thứ từ hành tỏi, rau củ cho đến cá thịt. Chưa tới 5 giờ sáng mỗi ngày, chị đẩy xe ra chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) lấy hàng rồi đem về chợ “chồm hổm” bán. Với trên 1 triệu đồng tiền vốn, mỗi ngày chị cũng kiếm được gần 1 trăm ngàn đồng tiền lãi. Sau khi trừ đi các khoản như tiền ăn, tiền thuê nhà, cũng còn lại gần 70 ngàn đồng. “Như vậy là mỗi tháng chị còn hơn 2 triệu đồng gửi về quê”, chị Hạnh khoe. Hơn 2 triệu đó được dùng để nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học, một ông chồng nay ốm mai đau và một bà mẹ chồng ở cái tuổi “gần đất xa trời”.
Chị Hạnh rời làng quê Hưng Yên vào TP.HCM buôn thúng bán bưng cũng đã gần chục năm trời. Một mình chị lăn lộn, ăn đói mặc rét nơi xứ người để đổi lấy cuộc sống tạm no ấm cho 5 người ở quê nhà.
Gần một năm trước, đứa con trai đầu của chị thi rớt đại học lại không chịu ở quê làm ruộng nên khăn gói vào TP.HCM. Lúc đầu, nó ra chợ bán hàng với chị nhưng cũng chỉ được “ba bảy hai mốt ngày” là chán nên ở nhà. Ở nhà chán, nó nói với chị là thích đi học lái xe. Thế là chị Hạnh phải vay của người này mấy trăm, mượn của người kia mấy chục… để đủ 3 triệu cho nó đi học. “Bây giờ thì học xong rồi nhưng chưa xin được việc, lại nằm nhà. Con với cái, đúng là của nợ”, chị Hạnh ngao ngán.
2. Mấy bữa nay chị Thu không đi bán hàng, chợ “chồm hổm” đã thưa người lại càng vắng hơn. Chị Thu bán trái cây ở đây cũng được 3 năm rồi. Chị thường bán từ 6 giờ đến 10 giờ sáng là dọn về, thời gian còn lại thì đi làm ô sin theo giờ. Bởi vậy thu nhập của chị cũng khá, gần 4 triệu/tháng. Song tỷ lệ nghịch với thu nhập là sức khỏe của chị ngày một kém. Mới 42 tuổi mà ai cũng nghĩ chị là U60.
“Sao mấy bữa nay không thấy chị Thu vậy?”, nghe tôi hỏi, vừa làm cá cho khách, chị Hạnh vừa trả lời: “Không biết ở quê xảy ra chuyện gì mà hôm bữa nó phải tức tốc đi máy bay về”.
Chị Thu là người Thái Bình, mới hơn 40 tuổi mà có tới 4 mặt con, ông chồng thì nát rượu. Bao nhiêu tiền chị gửi về đều bị chồng nướng hết vào quán rượu. Bởi vậy 4 đứa con đứa nào cũng nheo nhóc, đi học thì phải nợ tiền học phí, sách vở thì quyển có quyển không…
Cũng đã có thời gian chị bỏ Sài Gòn về quê để tiện chăm sóc con cái nhưng “6 cái tàu há mồm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nắng thì hạn, mưa thì lụt nên thiếu đói triền miên” và chị Thu lại phải trở vào Sài Gòn.
“Hình như năm nay là năm hạn của cái Thu nên xui tận mạng. Từ tết đến giờ không biết làm được mấy đồng mà phải mua vé máy bay về quê tới hai lần. Lần trước là mẹ chồng hấp hối, lần này không biết là ai nữa…”, chị Hạnh nói.
3. Toán (quê Nam Định) là người nhỏ tuổi nhất ở cái chợ “chồm hổm” này. Năm nay Toán mới 30 tuổi, vậy nhưng cũng đã có 2 đứa con rồi – một đứa học lớp 1, một đứa học lớp 3.
“Từ khi hai vợ chồng vào đây thì giao con cho ông bà nội nuôi, tháng tháng gửi tiền về. Đi xa nhớ con lắm nhưng ở nhà chẳng biết lấy gì mà ăn”, Toán tâm sự.
Hai vợ chồng Toán thuê một căn nhà bé tẹo ở khu vực chợ Trường Đai giáp ranh giữa Q.Gò Vấp và Q.12. Khoảng 4 giờ sáng, Toán ra chợ lấy rau rồi đạp xe từ Gò Vấp qua đây bán. Còn chồng Toán thì làm đủ thứ nghề, lúc thì chạy xe ôm, khi lại làm phụ hồ. Ấy vậy mà thu nhập cũng chẳng đáng là bao, hai vợ chồng cứ phải “bóp mồm, bóp miệng” để có tiền gửi về quê…
“Những hôm trời mưa, đâu có bán được hàng. Thế là phải đem rau về, coi như ngày hôm đó hai vợ chồng ăn rau trừ cơm”, Toán chua chát kể lại.
Khổ là vậy nhưng Toán, chị Hạnh và cả chị Thu chưa bao giờ đầu hàng. Bởi trong suy nghĩ của những người phụ nữ trình độ văn hóa lớp 3 trường làng thì lo cho chồng no đủ, cho con được đến trường là trách nhiệm, bổn phận của người vợ, người mẹ…
Bài & ảnh: Minh Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)