Quanh năm suốt tháng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chỉ đến ngày con báo tin đậu đại học, những ông cha, bà mẹ mới có dịp bước chân ra khỏi lũy tre làng. Và ở nơi phố thị, họ lại “phơi” mặt ra đường để kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi con thành tài…
Bài 1: “Tha phương cầu chữ” cho con
Bác Lê Chí Cường cần mẫn vá xe kiếm tiền nuôi con ăn học thành tài |
Họ chỉ có “nguồn vốn” duy nhất là sức lao động. Công việc của họ là buôn gánh bán bưng, lao động nặng nhọc và không quản ngại vất vả, tủi nhục để kiếm tiền nuôi chữ cho con.
Từ tiệm sửa xe lề đường của cha…
Giới sinh viên làng ĐH Thủ Đức đã quá quen với tiệm sửa xe nằm gần bến xe buýt của cha con bác Lê Chí Cường (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Không giống như những tiệm sửa xe khác, tiệm của bác Cường có thợ phụ là hai “bông hoa” nhưng tay nghề cũng không kém các đấng mày râu. Đó là hai cô con gái của bác, họ mới ngoài 20 tuổi…
Lúc chúng tôi tới, bác Cường đang hì hục sửa xe cho một khách hàng. Vừa nghỉ tay bác liền chỉ hai cô con gái cũng đang cặm cụi sửa xe cho khách và nói: “Đứa này thứ hai, đứa kia thứ ba, cả hai đều là sinh viên. Cuối năm nay hai chị em nó sẽ ra trường. Các con ngoan lại chăm chỉ nên vợ chồng tôi cũng nhẹ gánh. Đứa lớn nhất ra trường rồi, nay đang làm tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, đợt vừa rồi thi tay nghề nó đứng thứ nhì đấy”.
Đang kể, bỗng giọng bác chùng xuống đầy lo toan: “Hai đứa nữa năm nay cũng thi đại học. Tôi chẳng dám nghĩ đến những điều xa xôi, chỉ hết lòng vì con cái. Dù đói cũng phải cho chúng nó đi học, không làm được thầy thì cũng làm được thợ”.
Được biết, vợ chồng bác Cường có 6 người con. Gần 10 năm trước, vợ chồng bác rời quê vào TP.HCM làm đủ thứ nghề nuôi con ăn học. Ba năm gần đây, bác gái hồi hương để nuôi ba đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học ở quê nhà. Còn bác Cường ở lại Sài Gòn làm lụng nuôi 3 cô con gái lớn lúc này đang là sinh viên. Để tiết kiệm, bốn cha con phải ở trong gian nhà thuê vừa chật chội vừa dột nát.
Về công việc, sau khi làm đủ thứ nghề, cuối cùng bác Cường quyết định mở một tiệm sửa xe. Gọi là tiệm cho oai chứ thực ra chỉ có mấy thứ đồ nghề lặt vặt. Ngày nắng cũng như mưa, bác Cường cần mẫn sửa xe cho những cô cậu sinh viên của làng ĐH Thủ Đức này. Còn hai cô con gái của bác, những lúc không lên giảng đường lại ra đây phụ cha. Vắt cạn sức ra để làm việc nhưng cuộc sống của cha con bác Cường vẫn không thoát khỏi cảnh khó khăn. Họ phải chắt chiu từng đồng để lo cái ăn cái mặc, tiền học hành và trên hết là chi viện về quê.
… đến quán cà phê vỉa hè của mẹ
Vợ chồng cô Thuấn (Thái Bình) vào Sài Gòn đã gần 10 năm nay. Cô bán cà phêở vỉa hè trước cổng Trường ĐH KHXH-NV, còn chồng làm bảo vệ ở một siêu thị. Sở dĩ vợ chồng cô phải tha phương là để kiếm tiền nuôi con ăn học. Con trai lớn của cô Thuấn vừa ra trường, con thứ hai chuẩn bị thi ĐH. “Cứ tưởng đứa lớn ra trường sẽ nuôi được em để nhẹ gánh cho cha mẹ, nào ngờ nó vẫn chưa tìm được việc làm, lại tiếp tục “ăn bám” cha mẹ…”, cô Thuấn tâm sự.
Sống ở nơi đất khách quê người, họ hàng không có nên vợ chồng cô phải làm việc cật lực mới đủ ăn. Hơn 5 giờ sáng mỗi ngày, trong khi nhiều người còn chưa ngủ dậy, cô Thuấn đã cùng chồng chở cái thùng xốp đựng đá, mấy cái giỏ đựng nước, cà phê và vài chai nước ngọt tới trước cổng trường. “Phải tới sớm để phục vụ “thượng đế” là những cô cậu sinh viên ghiền cà phêtrước khi họ vào lớp”, cô Thuấn cho biết. Hơn 7 giờ, chồng cô đi làm, hai đứa con trai thay nhau phụ mẹ bán hàng.
Trưa. Dưới cái nắng gay gắt nơi hè phố, cô ngồi dựa vào bờ tường mở hộp cơm ra ăn. Hộp cơm khô khốc, một con cá bé tẹo và vài lát dưa leo, phần nào nói lên sự khó khăn của gia đình cô. Gần đó, cậu con trai cô cứ nhấp nhỏm bưng hộp cơm lên rồi lại đặt xuống. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chàng trai lấy tay quẹt vội những giọt mồ hôi và nói: “Em phải “canh me” công an”. Rồi đau khổ kể lại những lần dọn không kịp, bị công an thu mất hàng. “Những lần như vậy, không chỉ mất lời mà vốn cũng mất luôn. Biết vậy nhưng ngày hôm sau vẫn cứ phải chường mặt ra để bán hàng, bởi không bán thì lấy gì mà sống”, vừa rệu rạo nhai những hạt cơm khô cứng cô Thuấn vừa nói.
Cách quán cà phêcủa cô Thuấn không xa là chú Tiến chạy xe ôm (Yên Bái). Cả gia đình chú Tiến vào Sài Gòn và trọ ở quận 9. Mỗi ngày, chú dậy từ lúc 4 giờ sáng phụ vợ dọn hàng trước khi đi làm. Vợ chú bán đồ ăn sáng cho học sinh trước cổng một trường tiểu học gần nhà trọ.
Họ có hai con, con gái lớn vừa tốt nghiệp Khoa Kinh tế – ĐH Quốc gia TP.HCM, đứa nhỏ đang là học sinh.
Ngồi đăm chiêu, với dáng người thô ráp, đen bóng chắc nịch của dân lao động, chú Tiến chậm rãi nói như tự phân trần với chính mình: “Khổ lắm. Chạy xe ôm đi sớm về trễ, mưa nắng dãi dầu lại nguy hiểm nhưng thu nhập thì thất thường. Nhưng vẫn phải chạy để có tiền cho con ăn học đến nơi đến chốn. Có học thì mới có việc làm, rồi mới bớt khổ và có điều kiện giúp lại cha mẹ. Chứ như mình, lo cái ăn cái mặc cho gia đình chưa xong, chạy bữa trưa thiếu bữa tối, rồi tiền học tiền hành cho con nên làm gì còn dư mà lo cho cha cho mẹ. Thương cha thương mẹ song cũng đành chịu. Vào đây cả chục năm mà chưa năm nào về quê ăn tết. Về quê tốn kém lắm”…
Công Việt – Ngô Huệ
Bình luận (0)