Có thể với họ việc lao động nặng nhọc hoặc phải hơn thua, giành giật cũng chỉ vì mục đích cao cả là kiếm tiền nuôi con ăn học thành người.
1. Chiều xuống chầm chậm ở xóm trọ (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) cô Hồng vừa chải tóc cho con gái vừa ngồi hóng mát ở cửa phòng. Như một thói quen, cô vừa chải tóc vừa hát những câu hát ru như thuở Kiều (sinh viên Trường Cao đẳng Bách Việt) còn bé. Giọng hát như lời tự thán, nghe đến nao nao: “Cha mẹ giàu thì con thong thả, cha mẹ nghèo con vất vả gian nan…”. Đó là khoảng thời gian bình yên nhất trong ngày của hai mẹ con Kiều…
Trời vừa sẩm tối. Kiều kề sát mặt vào bếp lò thổi phù phù mấy cái rồi lui ra. Bếp lò bén lửa le lói, những đụn khói trắng ngùn ngụt bay lên. Vừa giụi mắt, Kiều vừa nhoẻn miệng cười, ánh mắt tìm kiếm ở chúng tôi sự chia sẻ để kể về đấng sinh thành: “Quê em ở Đức Phổ – Quảng Ngãi, người dân ở đấy nghèo lắm. Gia đình em cũng vậy nên việc nuôi con ăn học là rất khó khăn. Hơn mười năm trước, mẹ em vào Sài Gòn bán hủ tiếu. Cách đây gần ba năm, khi em vào đây học thì ba cũng vào luôn. Ba chạy xe ôm, ông thường đón khách ở Bến xe Miền Đông. Hiện tại ở quê vẫn còn hai em đang sống với ngoại, hằng tháng ba mẹ đều gửi tiền về…”.
Khoảng 5 giờ sáng, cô Hồng cùng với chiếc xe hủ tiếu rong ruổi khắp nơi |
Sắp tới, em gái Kiều sẽ vào Sài Gòn thi đại học. “Nơi đất khách quê người, nước sông gạo chợ, để lo cho các con ăn học đã làm đôi vai gầy của ba mẹ lại càng gầy hơn”, Kiều nói với chúng tôi mà như nói với mình.
Một ngày của gia đình Kiều bắt đầu lúc 3 giờ sáng. Cả nhà lục đục đun đun nấu nấu. Đến 5 giờ sáng, cô Hồng – mẹ của Kiều đẩy xe hủ tiếu ra khỏi xóm trọ, bắt đầu một ngày vất vả khi mọi người vẫn chìm trong giấc ngủ say nồng. Cùng thời điểm này chú Châu – ba của Kiều cũng bắt đầu ngày mới của một người chạy xe ôm. Riêng Kiều, cùng lúc mẹ đi bán hàng là em ra chợ mua thịt, rau, hành về chế biến chuẩn bị cho ngày mai. Đến 7 giờ thì đi học…
Kiều tâm sự “Ba mẹ em lớn tuổi rồi, mẹ thì càng ngày càng gầy, ba dạo này hay đau lắm. Lâu nay em vừa học vừa tranh thủ làm thêm để kiếm thêm tiền phụ giúp ba mẹ. Trước kia, em chạy bàn cho quán lẩu trên đường Kha Vạn Cân, thời gian gần đây thì phụ bán quán cơm ở gần nhà”…
2. Hình ảnh người cha nghèo quê Quảng Ngãi qua lời kể của Thu Quyên – cử nhân ngành văn học bỗng trở nên vĩ đại nhưng gần gũi.
“Khoảng 6 năm trước, khi chị Hai đậu đại học, ba em theo chị vào Sài Gòn. Hai cha con thuê nhà trọ ở Q.9 để chị tiện việc tới trường. Lúc đó, ban ngày ba làm thợ nề cho một công trình xây dựng, nhưng đêm xuống lại ra ngã tư chạy xe ôm. Rồi em đậu đại học ở Sài Gòn. Gồng gánh cơm áo, gồng gánh cái chữ, cái tình cho con trông ba già hẳn đi. Ở trong này, ba vừa là cha, vừa là mẹ đối với em và chị Hai”, Thu Quyên kể.
Có lúc thấy ba cực quá, Quyên định nghỉ học để phụ giúp nhưng ba nói: “Đời ba khổ rồi, con phải học hành đến nơi đến chốn mới mong sướng hơn”. Nghe ba nói mà chị em Quyên ứa nước mắt và chỉ biết cố gắng học hành chăm chỉ.
“Bây giờ em và chị Hai đã ra trường và đi làm, gánh nặng trên vai ba cũng nhẹ đi phần nào”, Quyên tâm sự.
Sau khi ra trường, để tiện đi làm Quyên chuyển lên ở cùng người chị họ tại Q.Bình Thạnh. Nhưng cuối tuần, Quyên lại về Q.9 ở với ba. Quyên tâm sự với ba rất nhiều việc, từ những vui buồn vất vả trong công việc cho đến bạn bè, tình cảm. Quyên tìm thấy ở ba một sự chia sẻ, động viên.
3. Chồng bỏ đi theo người phụ nữ khác để lại cho chị Thêu (Nga Sơn – Thanh Hóa) ba đứa con, đứa lớn nhất năm nay đang học lớp 11, đứa út mới mấy tuổi và bà mẹ già. Không đành lòng để con thất học, chị đã vào TP.HCM làm ôsin. Với mức lương 1 triệu đồng/ tháng, chị không tiêu pha đồng nào hết, đến ngày lĩnh lương, chị gửi trọn số tiền ấy về quê cho con ăn học.
Ngoài việc giặt đồ, chợ búa cơm nước, quét dọn nhà cửa, chị Thêu còn phải chăm cháu nhỏ hơn 1 tuổi. “Đêm hôm cháu bé trở chứng là chị phải thức trắng đêm. Nhưng đau nhất là mỗi lần cho cháu bú (bú bình), chăm cháu ăn chị lại khóc vì nhớ con. Con của chị cũng chỉ lớn hơn cháu bé này 2-3 tuổi nhưng lại phải xa mẹ, xa bố. Những lần đứa con lớn gọi điện vào chị chỉ biết khóc thầm, chị nghẹn ngào nghe tiếng con trẻ qua điện thoại. Xa con, nỗi nhớ quay quắt, công việc nặng nhọc, lắm lúc mấy đứa em chủ nhà cư xử không đúng khiến chị cảm thấy bị sỉ nhục. Ấy vậy mà chị còn phải gánh chịu điều tiếng ở quê. Ngay cả người thân của chị, cũng có nhiều người không tin chị đi làm ôsin. Họ cứ nghĩ chị sa ngã, buông thả nên nhìn chị với ánh mắt miệt thị. Chị đau đớn, nhục nhã lắm nhưng nghĩ đến ba đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học là chị lại có động lực”, anh Nguyễn Văn Tiệm (Q.9) – ông chủ của chị Thêu cho biết.
Công Việt – Ngô Huệ
Bình luận (0)