Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thần đồng hay rối loạn phát triển?

Tạp Chí Giáo Dục

Vượt trội các bạn cùng trang lứa chưa hẳn đã là thần đồng (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: H.Tr

Nhiều ông bố, bà mẹ khi thấy con mới 2 – 3 tuổi nhưng đã biết đọc, biết viết, biết làm toán, chơi nhạc nên vội nghĩ rằng con mình là thần đồng. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý thì đấy có thể là rối loạn Asperger. Asperger là một rối loạn phát triển lan tỏa, thuộc dạng nhẹ và có khả năng sinh hoạt cao nhất.
Nhược điểm của rối loạn Asperger
Khi mắc chứng rối loạn Asperger, trẻ gặp khó khăn trong việc tạo các mối quan hệ bạn bè cùng trang lứa và chỉ thích chơi với trẻ lớn tuổi. Không chỉ có vậy, trẻ còn gặp khó khăn trong việc hiểu các luật chơi khi chơi với bạn, có thể chậm nói. Trẻ có nhiều vốn từ nhưng lại gặp khó khăn trong giao tiếp, trẻ thường học thuộc lòng nhiều hơn là tìm hiểu ý nghĩa, có những câu nói nghe rất ngây thơ, đôi khi trẻ rất thích nói một mình, thường hay lặp lại một câu hỏi hay một lời nói nào đó.
Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc sử dụng cử chỉ để diễn đạt (nét mặt, điệu bộ, dáng điệu…). Trẻ thường rất nhạy cảm khi bị người khác phê bình. Trẻ có những sở thích rất đặc biệt và thường tập trung say mê vào các sở thích đó. Thường thì trẻ chỉ biết đến sở thích của chính mình, ít quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh.
Có những cử chỉ rất vụng về và đôi khi trẻ tỏ ra rất bối rối khi có một sự thay đổi nào đó.
Trẻ giao tiếp bằng mắt khá kém, thường tránh nhìn vào mắt của người khác mà chỉ liếc nhìn. Đôi lúc trẻ có cái nhìn chằm chằm.
Đôi khi trẻ mắc chứng Asperger bị rối loạn cảm nhận của giác quan. Trẻ có thể thích thú khi nhìn thấy một hình ảnh, nghe một âm thanh hoặc rất sợ hãi và phản ứng dữ dội với một hình ảnh, âm thanh nào đó. Trẻ có thể thích thú đặc biệt đến một món ăn nào đó hoặc từ chối không ăn.
Ưu điểm của chứng Asperger
Rối loạn Asperger được ghi nhận vào năm 1944 bởi một bác sĩ Nhi khoa người Áo tên là Hans Asperger. Từ đó, có rất nhiều tác giả đã mô tả rối loạn này và người ta cũng đã ghi nhận tỷ lệ mắc khá cao. Nó chiếm tỷ lệ khoảng 20-25/10.000 trẻ, thường gặp nhiều ở trẻ nam. Trẻ bị rối loạn Asperger có nhiều hành vi giống trẻ tự kỷ. Song trẻ bị rối loạn Asperger có những kỹ năng nhận thức, tương tác xã hội cũng như kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn. Rối loạn Asperger thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 2-3 tuổi và có thể sẽ tồn tại suốt cuộc đời của trẻ.
Những đứa trẻ Asperger thường có những sở thích rất đặc biệt về mặt tri thức. Ngay từ trước khi đi học, trẻ có khả năng trong một lĩnh vực như: toán học, khả năng đọc sách, học thuộc lòng bài thơ, một câu chuyện, nghiên cứu về lịch sử, địa lý…
Trẻ Asperger có trí nhớ rất phi thường, khả năng tự tìm tòi học hỏi nghiên cứu những lĩnh vực mà trẻ thích thú. Nhiều trẻ sẽ thay đổi sở thích khi lớn lên, nhưng cũng có trẻ vẫn giữ nguyên sở thích cho đến tuổi trưởng thành.
Nếu trẻ sống trong môi trường được nâng đỡ hoàn toàn và có những biện pháp can thiệp giáo dục phù hợp thì trẻ sẽ học hành rất tốt và hoàn toàn có khả năng trở thành những chuyên gia hàng đầu về những lĩnh vực mà trẻ đặc biệt yêu thích.
Tuy nhiên việc xác định bệnh là rất cần thiết để có các phương pháp can thiệp tâm lý cũng như các phương pháp giáo dục phù hợp.
Chẩn đoán bệnh thường dựa vào các biểu hiện của trẻ ở gia đình, nhà trường và nơi khám bệnh. Trẻ phải được thăm khám, quan sát và làm các test chẩn đoán của các nhà chuyên môn. Đặc biệt là phải có thời gian dài theo dõi để có thể đưa ra một chẩn đoán chính xác. Vì vậy, khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện bất thường không giống với những đứa trẻ cùng trang lứa thì cha mẹ nên cho trẻ đến khám tâm lý. Điều này có thể giúp trẻ phát huy tốt những khả năng đặc biệt của mình và hạn chế tối đa những khiếm khuyết.
BS.TL Đặng Ngọc Thanh

Bình luận (0)