Sự kiện giáo dụcTin tức

“Thần dược” mùa thi?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhiều học sinh (HS), chuyện đau bụng, cảm nắng, sổ mũi… mà dùng thuốc đã là “chuyện muôn năm cũ” từ lâu rồi. Hiện nay, đối với nhiều HS, nhất là HS khối 12 thì với những ngày thi đầy bất trắc phía trước, các loại thuốc bổ mắt, an thần, bổ não… được nhiều bạn chọn lựa như những viên “linh đan” để củng cố sự tự tin.
Kéo chiếc tủ kính đang chứa ngổn ngang nhiều lọai thuốc sặc sỡ sắc màu, chị Thủy bán tiệm thuốc K.A (đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp) vừa lấy vỉ Magnesi-B6 đưa cho hai bạn nữ sinh vừa nói: “Mỗi ngày chị bán cho khoảng 20 bạn học trò với đủ các loại thuốc về thần kinh. Thông dụng nhất vẫn là các loại Vitamin B có tác dụng tăng cường trí nhớ, chống căng thẳng. Thậm chí có bạn còn mua luôn cả hoạt huyết dưỡng não, loại thuốc đông y chỉ dành cho người cao tuổi…”. C.T.N.A. (lớp 12 Trường THPT N.C.T, Q. Gò Vấp), một trong hai bạn nữ sinh nhìn tôi, thở gấp: “Năm nay các kì thi hơi căng, nhất là phải vượt qua kì thi tốt nghiệp cấp 3 rồi đại học khiến mình cứ như ngồi trên đống lửa, nhồi nhét cả ngày lẫn đêm mà chữ chẳng chịu vào nên cứ phải mua thuốc uống!”.
Theo nhiều chuyên gia tâm lí, bác sĩ… thời tiết sau Tết có nhiều thay đổi bất thường nên các bạn thường mắc chứng bệnh cảm nhẹ hoặc bứt rứt khó chịu trong người là chuyện bình thường. Hơn nữa do những áp lực của nhiều đợt thi và sự kì vọng quá nhiều của gia đình cũng khiến các bạn dễ mắc những chứng… bệnh ảo. Từ đó nhu cầu tìm đến thuốc gia tăng và có thể gây nên những tác hại không đáng có về thể chất khi lạm dụng quá mức cần thiết này. Theo TS-DS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y dược TP.HCM thì: “Cho tới nay, chưa có loại dược phẩm nào tạo ra trí nhớ, trí thông minh. Việc dùng thuốc sai không những không được việc mà ngược lại còn gây tổn hại đến sức khoẻ, thần kinh”. Trí não của một người chỉ hoạt động có hiệu quả liên tục trong vòng 45 phút đến 1 giờ, sau đó cần được nghỉ giải lao hoặc chuyển sang hoạt động chân tay độ 15 – 20 phút rồi mới hoạt động trở lại. Mỗi ngày nên ngủ đủ giấc từ 6 – 8 giờ. Giấc ngủ trưa cũng rất quan trọng. Dù bận mấy, chỉ cần ngủ được khoảng 30 phút sẽ giúp cho tinh thần sảng khoái trở lại và tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn nhiều. Còn BS. Trương Trọng Hoàng, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM cho biết: Các loại vitamin rất cần thiết và không thể thiếu đối với đời sống của cơ thể con người. Đặc biệt với các bạn đang học hành thi cử thì khi thiếu vitamin B1 sẽ dẫn đến việc chuyển hóa đường bị giảm gây chứng mỏi mệt. Thế nhưng Magnesi-B6 hầu như không phải là thứ thuốc giảm thiểu những căng thẳng. Uống nhiều có thể gây ra những tác dụng phụ khó chịu, thậm chí nguy hiểm như: tiêu chảy, đau bụng, chống chỉ định với người suy thận nặng… Trong khi đó uống vitamin C liều cao trong thời gian kéo dài có thể gây đục thủy tinh thể… Ngoài ra khi cảm thấy quá căng thẳng, không thể học hành được các em nên thư giãn, chơi thể thao… nếu nặng hơn thì nên tới bệnh viện chuyên khoa gặp bác sĩ. Tuyệt đối không tự uống thuốc!
Huỳnh Sang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)