Thủy thủ tàu Hải Âu trắng SAR 412 luôn là điểm tựa bình yên cho ngư dân |
Đối với nghề biển trước đây, lằn ranh sinh tử thật mong manh, tai ương bất trắc luôn là điều mỗi ngư dân phải đối mặt. Nhưng người dân đi biển bây giờ không còn phải nơm nớp nỗi lo như xưa, khi đã có điều kiện đóng tàu to vươn khơi xa và biết chắc chắn rằng đằng sau họ vẫn luôn có bóng dáng đội cứu hộ, cứu nạn trên biển!
Điểm tựa giữa trùng khơi
Những ngư dân bị nạn trên biển được tàu SAR 412 cứu hộ về Đà Nẵng Thông điệp của SAR 412 luôn là tín hiệu bình yên, mỗi năm cứu được hàng trăm ngư dân bị nạn trên biển. |
Vùng biển bãi ngang ở miền Trung ban cho con người nhiều tôm cá để nuôi sống gia đình. Nhưng cũng chính trên miền biển ấy, sau mỗi mùa biển động đều có những ánh mắt thất thần mong chờ người thân. Tôi từng gặp ngư dân Khổng Thế, quê huyện Hoài Nhơn (Bình Định) trong lần ông được đội cứu hộ, cứu nạn tàu SAR 247 cứu sống, lai dắt tàu cập bờ biển Đà Nẵng. Ông Thế bảo rằng: “Cả cuộc đời làm nghề biển, biết là đối mặt hiểm nguy nhưng chưa lần nào phải lênh đênh như thế khi tàu bị hỏng máy. Cả 5 anh em không ai nghĩ giữa đêm khuya như thế lại có thể sống sót trở về. Nếu không có đội cứu hộ cứu nạn kịp thời chắc tôi không thể trở về với gia đình, vợ con. Anh em tàu SAR là những người đã hồi sinh tôi lần thứ hai”. Một câu chuyện khác của một người thuyền trưởng tàu nước ngoài cũng xúc động không kém. Đó là vị thuyền trưởng mang tên Xát-tơ-gi Tu-hin-đra Nát (58 tuổi, quốc tịch Ấn Độ), thuyền trưởng tàu Hanjin California (quốc tịch Liberia). Ông đã lên cơn đau tim đột ngột khi con tàu của ông đang trên hải trình từ Trung Quốc đi Singapore, cách Đà Nẵng khoảng 160 hải lý. Không có nhiều những lời nói hoa mỹ, chỉ cái nắm tay và cái ôm thật chặt những người vượt sóng cứu mạng mình cũng đủ để nói lên tất cả. Ông Xát-tơ-gi Tu-hin-đra Nát cất giọng nghèn nghẹn: “Tôi không dám nghĩ mình có thể sống tiếp. Nhưng điều đó đã thành hiện thực. Sự sống của tôi là của anh em chiến sĩ tàu SAR 274”. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp ngư dân cận kề sinh tử trên biển khơi được tàu SAR 274 cứu nạn, trở về an toàn. Anh Nguyễn Văn Hòa, thuyền trưởng tàu SAR 274 bấm đốt ngón tay, năm 2015, 13 lần anh em thực hiện cứu hộ, cứu nạn, giành giật mạng sống cho 83 ngư dân. 83 ngư dân với hàng trăm mảnh đời đằng sau họ thấp thỏm, âu lo và dõi theo họ trong mỗi chuyến hải trình mưu sinh.
Mệnh lệnh từ trái tim
Anh Nguyễn Văn Hòa bảo rằng, nghề cứu hộ, cứu nạn trên biển không chỉ là cái nghề, không chỉ hành động vì trách nhiệm được giao mà trong tâm thức mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tàu SAR 274, việc cứu người còn là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim! Bất kể nắng mưa, gió bão, bất kể đêm hay ngày, chỉ cần nhận được tín hiệu hỗ trợ, cuộc hội ý ngắn để nhận định tình hình thời tiết lập tức được triệu tập. “Làm nghề này, anh em luôn trong tâm thế sẵn sàng ra biển bất kể thời gian”, anh Hòa nói. Hỏi anh cái khó nhất của nghề là gì? Anh Hòa cười hiền: “Thời tiết là vấn đề số một! Dẫu vậy, trước một mệnh lệnh cứu người, mình phải cùng anh em tìm mọi cách tốt nhất để kịp thời cứu người gặp nạn”. Ngồi cạnh thuyền trưởng, anh Nguyễn Minh Hường, thuyền phó SAR 724 kể: “Có nhiều khi sóng to gió lớn, để tiếp cận được tàu bị nạn rất khó khăn. Sóng liên tục va đập và xô ngã anh em. Những lúc như thế, anh em đều động viên nhau cố gắng hết mình để tiếp cận cứu người bị nạn nhanh nhất có thể. Bởi sau nhiều giờ ngâm mình trong nước, hầu hết họ đều đã đuối sức”.
Chia tay những thủy thủ trên những con tàu cứu hộ, cứu nạn, chúng tôi thấy yên tâm hơn cho những ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bởi đằng sau họ vẫn luôn hiện hữu những đôi bàn tay sẵn sàng chìa ra trước sóng gió biển khơi! |
Trong quãng thời gian 15 năm làm nghề cứu hộ, anh Hòa bảo, kỉ niệm thì nhiều vô kể. Mỗi chuyến đưa người bị nạn cập bờ thành công là niềm vui nhân lên gấp bội. “Lần cứu nạn tàu Sông Thương bị chìm vào tháng 12-2014 làm mình nhớ mãi. Nhận được tin báo khi tàu Sông Thương cách Đà Nẵng hơn 50 hải lý. Mình đã cùng anh em lên tàu SAR 27-01 đi cứu nạn. Khi tiếp cận hiện trường thì tàu bị nạn đã chìm. 28 thuyền viên buộc phải rời tàu bằng phao cá nhân, sóng đánh trôi dạt trên biển trong thời tiết lạnh. Cứu được các anh an toàn, tụi mình nhìn nhau rơi nước mắt. Nhớ nhất là cái nắm tay của anh thuyền trưởng tàu Sông Thương, Nguyễn Hồng Hải với câu nói theo mình suốt trên những hải trình: “Các anh đã sinh ra chúng tôi lần thứ hai”, anh Hòa kể lại.
Ngoài tàu SAR 742, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) còn có nhiều tàu khác thực hiện nhiệm vụ này. SAR 412 là một ví dụ điển hình khác. Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn, trưởng tàu SAR 412 kể rằng, nhiệm vụ trên biển khó khăn gấp bội phần. Nhưng mũi tàu và anh em thủy thủ vẫn luôn hướng về phía người cần giúp đỡ. “Hơn 10 năm làm nghề, điều gì anh nhớ nhất?” – tôi hỏi. Anh Sơn cất giọng trầm ấm: “Đó là hình ảnh lá cờ Tổ quốc của ngư dân Bình Định quyết cắm trên mũi tàu cá BĐ 95569TS trước khi tàu chìm vào tháng 2-2015”. Chính hình ảnh thiêng liêng ấy đã thôi thúc anh cùng đồng đội nhanh chóng cứu hộ, cứu nạn.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)