Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Thần kinh” vì trắng đêm học thi

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù học đêm có thể tạo cảm giác hiệu quả nhưng thức trắng đêm bằng cà phê, nước chè đặc, ngủ không nổi thì dậy học… đã khiến nhiều sĩ tử phải đối phó với chứng đau đầu, mệt mỏi, học không vào trong giai đoạn nước rút thay vì sẵn sàng thi cử.

Ngày ngủ 2 tiếng

Hơn nửa tháng nay, bạn Nguyễn Thị Luyến ( quê Lào Cai ) đã xuống Hà Nội ôn luyện tại trung tâm ngoại ngữ – tin học và BDKT của trường ĐH SPHN 1. Với quyết tâm thi đỗ đại học, ngày nào Luyến cũng dành toàn bộ quỹ thời gian cho việc ôn luyện và gần như trắng đêm. “Thời gian học ở trung tâm luyện thi cấp tốc là cả ngày, em phải dành chủ yếu buổi tối để tự học nên chỉ ngủ được có 2 -3 tiếng 1 ngày thôi”, Luyến cho biết. Nguyễn Thanh Huyền (chị của Luyến, sinh viên năm cuối ĐH KHXH & NV) tâm sự: “Mình cũng ngày trước ôn thi cũng vậy, toàn thức đêm học đến 4, 5h sáng. Thời gian cận ngày thi rất quan trọng nên phải tập trung thôi, hơn nữa học lúc đó rất yên tĩnh và hiệu quả”.

Tránh “thần kinh”, xin đừng trắng đêm

Không đi ôn luyện ở trung tâm như Luyến, Nguyễn T. Thúy (quê Hoài Đức, Hà Nội) nhưng lịch học của Thuý cũng tập trung vào buổi đêm: sáng ngủ, chiều đọc sách, đêm thức học đến 4- 5h sáng. “ Ban ngày và chiều tối ồn ào lắm, em không thể tập trung để học được. Học ban đêm không bị phân tâm với rất dễ vào, hơn nữa đồng hồ sinh học của em cũng thay đổi từ đầu năm lớp 12 rồi”, Thuý cười nói.

Không như Luyến và Thuý, Hoàng Linh (quê Ninh Bình) lại không ngủ nổi vì lo lắng: “Thời gian ôn thi, không ngày nào em ngủ đúng giờ, đủ giấc. Dù nhiều đêm học không vào vì buồn ngủ nhưng buông sách thì lại trằn trọc, đành phải dùng cà phê hòa đặc để tỉnh táo”.

Ngày ngủ chỉ vỏn vẹn 2 tiếng đã quá quen thuộc với mỗi sĩ tử trong mùa thi đại học. “Thua thầy 1 vạn không bằng kém bạn 1 ly”, thấy bạn học mình cũng phải học chính là suy nghĩ đã ăn sâu trong đầu khiến các sĩ tử luôn “chong đèn” chờ ngày “cá chép vượt vũ môn”. Không thể phủ nhận việc ôn thi ban đêm với nhiều học sinh mang lại rất nhiều hiệu quả do không gian yên tĩnh, độ tập trung cao, nhưng hệ quả của nó chính là vấn đề sức khỏe suy nhược không đảm bảo cho những ngày thi.

Nguy cơ “thần kinh” cận kề

Con người sinh ra đã được rèn thức ngày, ngủ đêm, lâu dần tạo thành nhịp sinh học của cơ thể. Khi ngủ, vỏ não bị ức chế gần như hoàn toàn giúp cho các tế bào thần kinh (nơ ron) hồi phục chức năng của nó sau những giờ phút lao động mệt mỏi.

Theo TS. Cao Văn Tuân, Bệnh viện tâm thần Trung Ương I, cho biết : “khi hoạt động của thần kinh trung ương bị rối loạn giữa hưng phấn và ức chế sẽ gây ra các triệu chứng suy nhược thần kinh như: mệt mỏi dai dẳng, không hồi phục (kể cả sau khi đã nghỉ ngơi), đau đầu âm ỉ, cảm giác căng nặng đầu. Với các biểu hiện như thay đổi tính tình, trí nhớ giảm, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng lao động chân tay và đặc biệt là lao động trí óc, nếu nặng gây mất hứng thú làm việc và hoạt động xã hội, lúc đầu còn kiểm soát được nhưng dần dần sẽ thành vô ý thức, có thể phải điều trị nội trú tại bệnh viện”.

Có thể thấy, các em học sinh trong giai đoạn thi ĐH, CĐ gặp rất nhiều áp lực và tâm lý lo lắng nên ảnh hưởng rất lớn đến bộ não. Giấc ngủ rất quan trọng trong quá trình nghỉ ngơi, các học sinh phải ngủ đủ, ngủ sâu trong 6 tiếng (vào ban đêm), bởi vì khi ngủ là lúc các tế bào thần kinh thải độc ra khỏi cơ thể; phục hồi khả năng sau một ngày học tập căng thẳng và tế bào thần kinh có điều kiện dinh dưỡng tốt hơn. Nhưng do tâm lý không học thì sợ thiếu kiến thức, không tự tin khi đi thi, nên học sinh hiện nay thường thức khuya triền miên để ôn do đó mà não bộ hoạt động quá tải, hệ thần kinh bị ức chế. “Em nhiều lúc không muốn học vì học nhiều mà không tiếp thu được nhiều nhưng có hôm vẫn học đến sáng, học xong lại quên. Bây giờ chỉ muốn thi cho xong thôi để khỏi phải ôn luyện gì”, Linh chia sẻ.

“Theo quy luật ban đêm lượng costezon thường ở trạng thái nghỉ, sinh ra ít nhất để bù đắp cho ban ngày hoạt động mệt mỏi. Thức đêm sẽ gây ra rối loạn quá trình sản sinh costezon. Nếu học sinh vì ôn thi mà thiếu ngủ kéo dài, cộng với áp lực học tập sẽ dẫn đến stress hoặc nguy hiểm hơn nữa là bị trầm cảm, những phản ứng suy nghĩ tiêu cực không tự chủ, kiểm soát được thần kinh, bởi vì cán cân hoạt động thần kinh bị chênh lệch”, ông Tuân giải thích.
Lạm dụng chất kích thích như chè, cà phê, thuốc lá…mà các sĩ tử đều căng thẳng, suy giảm trí nhớ, do vỏ não bị tác động phải hoạt động quá tải. Vì uống cà phê quá nhiều, ngủ ít nên Luyến đã phải tìm đến bệnh viện, do bị suy nhược thần kinh. “Em lúc nào cũng thấy đau đầu, cáu gắt, mệt mỏi, học không vào”, Luyến tâm sự.
* Tiếp theo: Giải pháp cho giai đoạn ôn thi nước rút

Thanh Huyền
(Dân trí) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)