Trước hết, hãy xác định vì sao Thúc ông kiện con ra công đường? Theo Kim Vân Kiều Truyện, lý do chính là do Thúc sinh không nghe lời cha “Mày cưỡng lời tao thì tao nhất định phải đi kiện để đuổi nó đi” (Nễ bất thính ngã, ngã định yếu cáo nễ thoái liễu). Các cụ Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh dịch mấy chữ nễ bất thính ngã là mày cưỡng lời tao nghe như nhẹ đi mà phải là mày không nghe lời tao. Cái tội của Thúc sinh là con mà không nghe lời bố. Nhưng lời bố có nội dung gì? Đó là dứt khoát bắt Thúy Kiều phải về lại lầu xanh. Điều nàyở Kim Vân Kiều Truyện, Thúc sinh đã “cãi lí với cha”, trong khi đó, Nguyễn Du cho một Thúc sinh không dùng lí lẽ cãi cha mà lấy tình nài kêu… Thúc sinh đã nhận lỗi một cách tội nghiệp, nào là tội đã nhiều, nào là trót… dại, nào ai nỡ và xin tấm lòng bao dung của cha. Tại sao Thúc ông không xót thương, mở lòng tha thứ? Xin tạm dừng ở đây, đoạn sau bàn tiếp, bởi cụ Nguyễn chỉ nêu vấn đề rồi chuyển mạch qua tả ông quan xử kiện.
Nội dung xử của quan có ba giai đoạn, rõ ràng minh bạch: Quan quyết định bản án. Quan khảo tra tội phạm. Quyết định cuối cùng của phiên.
Đối với việc quan quyết định bản án: Nguyễn Du chỉ nói đến mặt sắt (cái mặt đen như sắt, thiết diện). Cái mặt ấy chỉ có công minh chính trực, cứ y luật pháp mà thực hiện. Sau câu thơ: Trông lên mặt sắt đen xì là lời kết tội nghiêm khắc, nặng nề… Quan mắng Thúc sinh. Nào là dại nết chơi bời, nào là làm bạn với kẻ hoa thải lương thừa chỉ biết lừa gạt đàn ông bằng mượn màu son phấn. Như vậy, mới vào quan đã phủ đầu khẳng định tội lỗi của Thúc sinh. Sau điều khẳng định ấy là phân xử ngay. Quan chỉ cho Kiều chọn một trong hai hình phạt, một là chịu đánh đập trước cửa công, hai là trở về với lầu xanh. Thúy Kiều được quyền chọn một trong hai hình phạt ấy.
Quan khảo tra tội phạm: Quan lập tức ra lệnh cứ phép gia hình! Thúy Kiều bị đánh đập tơi bời. Một vấn đề được đặt ra là quan không cần hỏi tra gì cả, cứ cho Kiều chịu phép gia hình. Có còn gì đáng bàn không? Có ý kiến cho rằng như vậy quan làm đúng. Thúy Kiều là gái lầu xanh, chuyện đã rõ. Kiều quyến rũ một chàng trai đã có vợ đèo bòng gió trăng. Ý kiến này xem bề ngoài đúng như vậy. Nhưng cũng có ý kiến phản bác: Quan làm trái luật: gái đã tòng lương sao bắt trở lại lầu xanh? Điều hệ trọng hơn là con gái lầu xanh ấy là người thế nào quan phủ chưa hề để tâm. Phải đến lúc Thúc khóc lóc kể lể, quan mới biết Thúy Kiều biết làm thơ. Nội dung xử án từ chuyện tình duyên lăng nhăng lại xử qua chuyện biết làm thơ hay không? Cái cung cách ấy quá lạ lùng! Càng lạ lùng hơn nữa là những lời phán xét buổi xử án.
Quyết định cuối cùng của phiên xử án: Không những quan tha tội cho Thúy Kiều mà ngược lại ca ngợi mối tình của hai người. Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn. Và, quan quyết định: Tổ chức đám cưới cho hai người.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)