Chủ trương xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” ra đời đã đi vào đời sống giáo dục ở các trường học. Song một thực tế cho thấy, bên cạnh những mặt được thì khi thực hiện chủ trương này đã tồn tại những hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến cái uy của người thầy nói riêng, của người làm giáo dục nói chung, đặc biệt là ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giáo dục.
Từ quan điểm nhà trường là môi trường thân thiện, tạo điều kiện tối đa cho học sinh học tập nên bầu không khí giao tiếp của thầy trò cởi mở thân thiện hơn trước đây, các em có cơ hội giãi bày những tâm tư, tình cảm, thắc mắc và kể cả sự không hài lòng của mình về thầy cô, ban giám hiệu. Các em mạnh dạn phản biện ngay trong học tập và trong sinh hoạt.
Tuy nhiên, cũng từ quan điểm nhà trường thân thiện dẫn đến giáo viên có tư tưởng không muốn làm mích lòng học sinh, không muốn để các em phản ánh hay có những biểu hiện thái quá, phản ứng lại mình nên họ thường thủ tiêu ý thức đấu tranh với cái sai của các em. Mà cái sai của học sinh thì đa dạng, nhiều kiểu. Khi giáo viên không mạnh dạn chỉ ra cái sai, phê phán cái sai… nên học sinh không sợ, lờn mặt thầy cô, thậm chí có nhiều biểu hiện rất vô lễ, song thầy cô “giả câm giả điếc” làm ngơ, không dám phê bình, trừng phạt. Bởi lẽ, trong cơ chế thành tích hiện nay thì giáo viên có sử dụng biện pháp gì đối với học sinh vi phạm nội quy của nhà trường, vi phạm đạo đức học sinh trong quá trình dạy học thì khi xếp loại hai mặt cuối học kì, cuối năm không dám xếp học sinh đạo đức trung bình chứ chưa dám nói là yếu; còn học tập thì các em có học hay không thì cũng được vớt điểm lên, cùng lắm là cho thi lại, mà thi lại bây giờ như là “cái phao” để rồi hầu hết đều lên lớp…
Xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhưng phải xây dựng trên tinh thần thân thiện mà nghiêm túc để thầy ra thầy, trò ra trò có thế thì trường mới ra trường. Muốn vậy thì không gì hơn cần mạnh dạn phá bỏ bệnh thành tích, đề cao vai trò, quyền hành của người thầy trong nhà trường. Thầy thân thiện với trò nhưng phải có giới hạn, mức độ, chừng mực nào đó cho phép, phải giữ mình và thật nghiêm túc trong mối quan hệ thầy – trò, trò phải “tôn sư trọng đạo”; cương quyết không để xảy ra việc lạm dụng về sự thân thiện, hay thân thiện quá trớn của trò với thầy theo kiểu “cá mè một lứa” dẫn đến hiện tượng thầy bất lực với trò, trò bất kính thầy như hiện nay thì dạy làm sao được.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)