Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Thận trọng khi chọn ĐH là “ưu tiên số 1”

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy chỉ tăng 4,5% thì chỉ tiêu đào tạo CĐ hệ chính quy năm 2009 tăng 13,5%. Hệ đào tạo CĐ vừa làm vừa học, liên thông cũng tăng 23% so với năm ngoái.

> Những ngành học thiếu người thừa việc

Như vậy, với 256.552 chỉ tiêu tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2009, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ hệ chính quy năm 2009 đã gần tương đương với 245.835 chỉ tiêu. Nếu cộng thêm cả chỉ tiêu của hệ đào tạo cao đẳng vừa làm vừa học, liên thông là 110.000 chỉ tiêu thì hệ CĐ đã “nuốt chửng” hệ ĐH.

Mất dần niềm tin vào hệ ĐH?

Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008 thực sự đã làm không ít trường ĐH “mất thể diện”, đặc biệt là những trường ĐH mới mở. Chẳng hạn như tháng 9/2008, trường ĐH Nguyễn Trãi đã được phép tuyển sinh khóa đầu tiên lên đến 800 chỉ tiêu cho bốn ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng và kế toán nhưng thực tế chỉ tuyển được… 16 sinh viên.

Trường ĐH Hà Hoa Tiên đã qua hai mùa tuyển sinh, mỗi năm quy mô tuyển cả hai hệ ĐH và CĐ là hơn 1.000 chỉ tiêu nhưng theo ban giám hiệu nhà trường, hiện chỉ có khoảng gần 500 SV theo học. Đặc biệt, năm 2008, trường được giao 800 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ tuyển được… 86 sinh viên.

Khi phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009 đối với gần 400 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc, Bộ GD-ĐT tỏ ra thận trọng và đã cắt giảm không thương tiếc chỉ tiêu của một số trường ĐH như trường ĐH Nguyễn Trãi đăng ký 800 chỉ tiêu nhưng chỉ được duyệt 400; ĐH Hà Hoa Tiên đề xuất 800 chỉ tiêu, được duyệt 500.

ĐH Kinh tế TPHCM đề xuất tuyển mới 5.000 chỉ tiêu nhưng chỉ được duyệt 4.800; ĐH Mở TPHCM đề xuất 5.500, được duyệt chỉ 4.000 chỉ tiêu; Viện ĐH Mở Hà Nội đề xuất 3.000, được duyệt 2.700…

Tổng cộng trong năm 2009 có trên 40 trường ĐH, CĐ thuộc 4 nhóm trường bị điều chỉnh giảm hoặc không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh, gồm: trường đã tuyển vượt 20% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008, năng lực đào tạo quá tải; gặp khó khăn trong tuyển sinh và cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu đào tạo. Việc mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu của các trường ĐH như năm nay cũng là một việc chưa có tiền lệ trong tuyển sinh.

Sự mạnh tay này xuất phát từ cuộc “tống tiến công” của Bộ vào hệ thống ĐH trong năm 2008. Với hàng loạt các cuộc thanh tra và kiểm tra được tiến hành đều khắp trên diện rộng, đã có nhiều sự thật giật mình về hệ thống này đã được chính thức đưa ra ánh sáng Bộ đã có nhiều công bố phải khẩn trương chấn chỉnh lại hoạt động của hệ thống này.

Khuyến cáo của lãnh đạo Bộ

Đối với việc lựa chọn trường của thí sinh, trăn trở lớn nhất của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long là các thí sinh đã biết chọn trường vừa sức chưa? Việc lựa chọn trường không vừa sức của thí sinh khi tập trung thi vào các trường ĐH trong nhiều năm qua đã tạo nên những áp lực lớn cho hệ thống này. Các trường ĐH cũng vì thế mà được thành lập hàng loạt để đáp ứng nhu cầu học tập của thí sinh. Nhưng thực tế đã cho thấy, số lượng, chất lượng đào tạo ở nhiều trường ĐH mới mở đều thua xa nhiều trường CĐ.

CĐ vốn là một lựa chọn không mấy hứng thú của đại bộ phận thí sinh, mặc dù, cơ hội vào những trường này thường dễ hơn nhiều so với ĐH khi tỷ lệ chọi thi CĐ thường chỉ ở mức 1 chọi 2, 3. Cơ hội việc làm của đầu ra các trường C Đ cũng không phải không kém phần hấp dẫn. Một số trường CĐ như CĐ Giao thông, CĐ Xây dựng, số sinh viên tốt nghiệp có việc làm thường lên đến 80%…

Tuy nhiên, như theo nhận xét của Thứ trưởng Bành Tiến Long thì chúng ta không có quyền ép buộc thí sinh phải chọn trường nào thi hay chỉ được nộp một bộ hồ sơ dự thi, phải thi vào C Đ thay vì thi vào ĐH… tất cả phải do sự lựa chọn của các em.

Nhưng rõ ràng, trước khi quyết định chọn dự thi vào ĐH là ưu tiên số 1, trong khi hệ thống này đang trong tình trạng “trăm hoa đua nở” như hiện nay, thí sinh cần phải rất thận trọng. Như khuyến cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì, sự chưa thận trọng của người học trong việc chọn lựa kỹ đã dẫn đến tốc độ phát triển những trường chất lượng chưa cao nhanh hơn!

Từ năm 2009, ngành giáo dục thực hiện 3 công khai. Đó là: Công khai cam kết chất lượng đào tạo, mỗi trường phải nói rõ sinh viên ra trường làm được việc gì? làm ở đâu? Công khai nguồn lực về cơ sở vật chất, đặc biệt là giáo viên. Mỗi một khoa phải có một bảng có ảnh của tất cả giảng viên của khoa, phân loại giảng viên cũ, giảng viên thỉnh giảng để sinh viên có thể kiểm soát được.Công khai về thu, chi tài chính của đơn vị. Cùng với thông tin về điểm chuẩn, ngành học… các thí sinh cần nghiên cứu những thông tin này kỹ trước khi chọn trường.

 Mai Minh (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)