Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thận trọng khi dùng thảo dược ngâm rượu

Tạp Chí Giáo Dục

nh mang tính minh ha. Ảnh: I.T

Đã từ lâu trong dân gian thường truyền miệng về các loại rượu ngâm có tác dụng chữa bệnh, bồi bổ cơ thể mang lại hiệu quả cao. Chính vì vậy mà, mặc dù chưa được kiểm chứng về công dụng, hay không được các nhà khoa học hay các lương y, bác sĩ khuyến cáo nên dùng, nhưng vẫn có không ít người dân đã tự ý ngâm, pha trộn các loại rượu với thảo dược, cây cỏ, quả, côn trùng, thậm chí cả với các con động vật loại nhỏ… để uống.

Trên thực tế thì đúng là có rất nhiều những bài thuốc dân gian quý từ rượu ngâm có tác dụng bồi bổ cơ thể cũng như chữa bệnh, nhưng chúng phải được pha trộn và ngâm theo đúng chỉ dẫn hướng dẫn từ các lương y, bác sĩ, thầy thuốc, bởi nếu ngâm rượu thuốc không tuân thủ quy trình, công thức thì sẽ dẫn tới… phản tác dụng, khi tiền mất tật mang, thậm chí có khi còn trả giá đắt bằng chính mạng sống của người sử dụng loại rượu ngâm theo kiểu tùy tiện đó.

Cách đây 3 năm, vào tháng 10-2017, vụ ngộ độc rượu ngâm quả cà gai, cũng như một số loại thảo dược khô xảy ra tại Thái Bình làm 7 người uống loại rượu ngâm này phải vào khoa chống độc của bệnh viện cấp cứu với các triệu chứng ngộ độc là: bứt rứt, mặt nóng bừng, lơ mơ, có lúc co giật, ảo giác, vật vã… Dẫu vụ ngộ độc không có ai bị thiệt mạng, nhưng nó đã gióng lên hồi chuông báo động cho những ai có thói quen ngâm và uống rượu tùy tiện với các loại cây cỏ, quả, thảo dược…

Những năm gần đây, trên cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ ngộ độc rượu, trong đó số vụ ngộ độc liên quan tới rượu ngâm: hoa, quả, thảo dược, côn trùng, động – thực vật chiếm phần lớn. Chẳng nói đâu xa, ngay như ông chú họ tôi năm nay ngoài 50 tuổi, vốn có thân hình gầy gò, và gần đây không biết nghe ai nói về món rượu thuốc bồi bổ cơ thể nên đã bắt vợ mua sắm các loại nguyên vật liệu để ngâm một bình rượu lớn. Trong bình rượu ngâm ấy, ông cho vào đó bao nhiêu là thứ, từ rắn, rết, bìm bịp, sâm, quả táo mèo… cho tới các loại côn trùng là bò cạp, ngô công, mối chúa…! Nói chung là bình rượu ngâm thuộc dạng tạp phí lù từ cây cỏ, thảo dược, con, quả… Sau 6 tháng ngâm, bình “rượu quý” được khui nắp và bắt đầu sử dụng. Theo truyền miệng của người dân là trước mỗi bữa ăn, uống vài chén sẽ có tác dụng bồi bổ cơ thể, làm cho cơ thể khỏe mạnh, gân cốt săn chắc lên… và ông đã thực hiện theo. Điều oái oăm thay, ngay buổi đầu tiên khui bình rượu, ông và 2 người bạn hàng xóm được mời uống đã gặp phải tình trạng nôn nao, chóng mặt, có người còn lơ mơ khó thở, nổi mề đay khắp thân thể… Cả 3 người đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu, để rồi sau cả tuần nằm viện điều trị chống, giải độc tình trạng sức khỏe mới được phục hồi. Sau đó, bình rượu ngâm hỗn hợp với số tiền đầu tư mấy triệu đồng ông đã không còn dám sử dụng nữa, mà mang đổ đi để phòng tránh hậu họa, vì nhỡ tiếc mang cho ai, họ uống lại rước họa vào thân thì khổ…

Từ thực trạng ngộ độc rượu nói chung cũng như ngộ độc rượu ngâm các loại thảo dược, động, thực vật, côn trùng… nói riêng đã, đang ở mức báo động trong những năm gần đây, mọi người dân có nhu cầu ngâm rượu để chữa bệnh hay để bồi bổ cơ thể, trước khi tiến hành ngâm hãy tham khảo lời khuyên từ thầy thuốc, lương y, bác sĩ và làm theo công thức, sự chỉ dẫn của những người có chuyên môn khoa học, chứ đừng tùy tiện ngâm rượu theo ý mình, theo sự chỉ dẫn truyền miệng của hàng xóm, nhất là các “lang băm” để tránh hậu họa cho bản thân, gia đình, cộng đồng…

Nguyn Th Hi (Đại học Văn hóa)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)