Nhiều CLB, trung tâm thể thao, spa tại TP.HCM đang đua nhau dạy môn múa bụng.
“Ngực-bụng hít bật ra. Ngực-bụng hít bật ra…”- cô giáo Hương Sen (Trung tâm dạy múa bụng Sài Gòn, Tân Bình) vừa hô to vừa uốn người làm mẫu cho học viên đẩy cơ bụng từ trên xuống vùng dưới thắt lưng, cuốn hút hàng chục ánh mắt thán phục của các học viên.
“Sốt” học múa bụng
Cô giáo Sen và học viên múa bụng theo điệu nhạc huyền bí – Ảnh: Võ Hương |
Tối 14-1, các suất học múa bụng tại CLB Nhất dáng nhì da (Phú Nhuận) chật cứng người. Có lớp 21 học viên nhưng cũng có lớp trên 25 học viên chen nhau trong căn phòng tập, chỉ cần đưa ngang tay qua một bên đã đụng nhau. Thời gian dạy mỗi suất học múa bụng là 1 giờ, có ba suất liên tục trong buổi tối, không có thời gian cách nhau giữa các suất dạy. Có suất học viên phải chờ suất trước tập trễ đến 15 phút sau mới được vào tập.
Lớp chúng tôi do cô giáo Thu Hà phụ trách. Vào bài, cô giáo vặn to nhạc, hướng dẫn các học viên múa từng động tác. Tuy nhiên do lớp quá đông, người mới vào liên tục nên dường như cô giáo kham không xuể việc hướng dẫn động tác cho từng người. Cô phải phân lớp thành hai nhóm nhỏ – cũ và mới, học ở hai phòng nhỏ.
Cứ 10-15 phút, cô giáo lại phải chạy qua chạy lại hai phòng nhỏ để hướng dẫn học viên. Nói là học 1 giờ nhưng thời gian thực tế chúng tôi học được ba, bốn động tác chỉ chừng 30 phút. Thành ra khi ráp nhạc vào bài múa, nhiều người múa theo cô giáo trông cứng nhắc, thậm chí múa sai.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các lớp học tại nhiều trung tâm, người mới vào nhiều mà người nghỉ cũng không ít. Một số bạn không kiên trì, khi học đến các động tác múa đòi hỏi đúng kỹ thuật thấy khó sẽ bỏ tập. Theo một số học viên từng học, họ nghỉ học vì thấy múa bụng không hấp dẫn như quảng cáo và cũng không nhỏ bụng ngay như mong đợi, học phí cao, chi phí đầu tư cho quần áo phụ kiện trong khi học cũng khá đắt…
Mức học phí múa bụng hiện nay khá cao. Nếu tính giờ học lẻ 50.000-55.000 đồng/giờ. Học theo khóa thì tùy theo trung tâm có lớp 350.000 đồng/8 giờ, 500.000 đồng/12 giờ hoặc 590.000 đồng/24 giờ… Cá biệt có trung tâm thu gần 10 triệu đồng/năm nhưng mỗi tuần chỉ có hai giờ dạy môn học này.
Múa bụng không đồng nghĩa tiêu mỡ bụng
Theo bác sĩ Tô Minh Châu (Hội Y học thể thao), múa bụng là bộ môn nghệ thuật. Người tập có thể giữ được vóc dáng chứ không phải là một môn tập thể dục để giảm cân, giảm mỡ bụng. Vì muốn giảm cân phải tập đầy đủ các nhóm cơ lớn của cả cơ thể chứ không chỉ tập một vài nhóm cơ như cơ hông, cơ bụng mà giảm cân được.
Nguyên tắc giảm cân đúng là phải tập qua ba giai đoạn: giai đoạn 1 là tập tăng khối lượng cơ bắp, giai đoạn 2 là dùng chính khối lượng cơ bắp đó để tiêu hao năng lượng, đốt lớp mỡ thừa của cơ thể và giai đoạn 3 là giai đoạn giữ cân.
Môn múa bụng sẽ có hiệu quả ở giai đoạn 3. Nếu giảm cân bằng những biện pháp tập không đồng đều, tập đến kiệt sức, toát mồ hôi nhễ nhại chỉ làm teo cơ, không thể đốt cháy được lượng mỡ thừa, do đó việc làm ốm như vậy chỉ làm mất nước của cơ thể.
Độ tuổi đỉnh cao để rèn luyện bộ môn này từ 16-25 tuổi. Tập phải tùy theo thể trạng và tạng người. Mỗi tạng người sẽ có sự bắt đầu khác nhau, không nên ép người lớn tuổi, cứng xương, to béo phải lắc cho dẻo.
Đây là bộ môn cần lưu ý giai đoạn làm nguội. Lúc tập lưu lượng máu tăng 30-40 lần so với bình thường. Chú ý kéo giãn, xả cơ những nhóm cơ chính để lấy đi chất thải và phòng tránh cứng cơ sau tập; sau đó phục hồi bằng nước uống, dinh dưỡng cho cơ theo nguyên tắc càng tập cơ càng săn chắc. Tập xong thấy thoải mái, đi lại nhanh nhẹn, dẻo người thì gọi là tập khỏe. Tập mồ hôi đổ nhiều, tập chưa đúng dễ bị teo cơ. Thận trọng khi sử dụng các động tác yoga để khởi động hay thư giãn cuối buổi vì không phù hợp.
Lưu ý những chấn thương có thể gặp khi tập không đúng kỹ thuật môn múa bụng: bị xóc hông, khó thở cấp tính, buốt óc khi tập quá sức, đau lưng dai dẳng, đau cơ, quá tải một nhóm cơ vì tập trung vào nhóm cơ này quá nhiều. Đặc biệt có thể bị “gãy mệt” do ưỡn quá nhiều. Khi tập ưỡn quá nhiều đặt áp lực lên cung sau của cung đốt sống, lâu ngày sinh ra bệnh gãy mệt một bên, tập lâu sinh ra bệnh gãy mệt cả hai bên đốt sống dẫn đến xẹp đĩa đệm và trượt đốt sống.
Những người không nên tập múa bụng: phụ nữ lớn tuổi, bị thần kinh tọa, người có cột sống quá ưỡn, trượt đốt sống, tim mạch, bụng quá to (hạn chế hô hấp và yếu cơ lưng bụng, tiêu thụ oxy nhiều dễ bị ngộp, kiệt sức).
Theo Võ Hương / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)