Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thận trọng khi nhập khẩu đường, muối, trứng

Tạp Chí Giáo Dục

Việc Bộ Công Thương vừa qua công bố cho nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng nông sản như muối, đường, trứng… sẽ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, tại buổi họp báo tổ chức chiều qua (10/8), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, các bộ, ngành đã tính toán thời điểm, mức hạn ngạch… thận trọng để không gây ảnh hưởng tới sản xuất trong nước.

Cấp hạn ngạch nhập khẩu theo cam kết WTO
Hàng năm, mỗi khi Bộ Công Thương công bố việc cho nhập khẩu các mặt hàng nông sản như muối, đường, trứng… thì dư luận trong nước lại bày tỏ lo ngại việc này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước. Năm nay, trong bối cảnh sản xuất trong nước đang khó khăn, doanh nghiệp đang phải đối mặt với vấn đề hàng tồn kho… sau khi Bộ Công Thương công bố cho nhập 102.000 tấn muối, 70.000 tấn đường, 40.000 tá trứng gia cầm… theo hạn ngạch thuế quan thì lo ngại trên lại tăng lên. Tính riêng mặt hàng đường, tồn kho đến 15/7 đã là gần 240.000 tấn.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, chúng ta đã đàm phán để giành được quyền bảo hộ đối với một số mặt hàng nông sản trong nước, tức là áp thuế nhập khẩu rất cao với một số mặt hàng như đường, muối… Các mặt hàng này hiện bị áp thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch lên tới 80% nhưng trong hạn ngạch nếu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN thì thuế suất chỉ có 5%. Theo quy định của WTO, nếu giành được quyền áp thuế nhập khẩu cao với một số mặt hàng cần bảo hộ thì hàng năm chúng ta cũng phải cấp hạn ngạch cho nhập khẩu một số lượng nhất định đối với các mặt hàng trên. Nếu không công bố hạn ngạch nhập khẩu thì sẽ vi phạm các quy định của WTO.
Trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu muối chất lượng cao nên vẫn phải nhập khẩu. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Hơn nữa, việc cho nhập khẩu theo hạn ngạch với một số lượng nhất định cũng là cần thiết đối với sản xuất trong nước. Như với mặt hàng muối, mặc dù sản xuất muối có thể đáp ứng về số lượng nhưng chất lượng muối sản xuất trong nước vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cho một số lĩnh vực sản xuất như hóa chất, chế biến thực phẩm, dược phẩm. “Nước mắm các bà nội trợ sử dụng sau một thời gian bị biến đổi chất, bị đóng cặn, có một nguyên nhân là do chất lượng muối trong chế biến nước mắm không đáp ứng được yêu cầu”, Thứ trưởng Biên nêu ví dụ.
Từ thực tế đó, ông Biên cho biết, Bộ Công Thương chịu sức ép rất lớn từ phía các nhà sản xuất trong nước khi cho nhập khẩu muối, đường để đảm bảo chất lượng. Nếu không cho doanh nghiệp sản xuất trong nước nhập thì họ sẽ phải nhập ngoài hạn ngạch với mức thuế rất cao, ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như sản xuất trong nước. “Để quyết định cấp hạn ngạch nhập khẩu, hàng năm, các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đều phải cân nhắc rất kỹ về thời điểm cấp hạn ngạch, đối tượng được cấp hạn ngạch… để không gây tác động không tốt tới sản xuất trong nước”, Thứ trưởng Biên khẳng định.
Trong bối cảnh chăn nuôi trong nước khó khăn, có ý kiến cho rằng, việc cấp hạn ngạch cho nhập khẩu trứng sẽ gây khó khăn rất lớn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, bà Diệu Hà, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương khẳng định, cũng như với mặt hàng đường, muối thì chúng ta phải cấp hạn ngạch nhập khẩu theo cam kết WTO. Nhưng thực tế, từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nào đề nghị được nhập khẩu trứng.
Khó triển khai đấu thầu hạn ngạch
Do việc cấp hạn ngạch nhập khẩu là bắt buộc theo quy định của WTO nên có ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương nên tổ chức đấu thầu quyền nhập khẩu theo hạn ngạch để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp này được nhập theo hạn ngạch với mức thuế ưu đãi nhưng doanh nghiệp khác lại không được nhập. 
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cũng đã cân nhắc về phương thức đấu thầu nhưng phương thức này vẫn còn nhiều bất cập. “Việc cho mua bán hoặc đấu thầu hạn ngạch chưa phù hợp với quy mô kinh tế Việt Nam, trình độ của doanh nghiệp Việt Nam. Như với việc nhập khẩu đường, Vinamilk kỳ vọng được phân giao hạn ngạch, nhưng nếu đấu thầu thì sẽ khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài do được tiếp cận vốn vay giá rẻ (tín dụng vay USD chỉ 2 – 3%) do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất ưu thế khi đấu thầu. Cũng không thể chỉ cho doanh nghiệp trong nước đấu thầu mà không cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia vì theo quy định của WTO thì không được phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Vì thế, đối với các chỉ tiêu hạn ngạch nhập khẩu, dựa trên cơ sở đề nghị cho được nhập khẩu của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xét cho đối tượng nào được cấp quyền nhập khẩu theo hạn ngạch.
Ông Biên cho biết, năm nay, việc cấp hạn ngạch được xác định là ưu tiên cho các doanh nghiệp có nhu cầu dùng hàng hóa nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, đối với mặt hàng đường, được phép nhập khẩu là doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát. Từ năm ngoái, Bộ Công Thương đã không cấp hạn ngạch nhập đường để can thiệp lưu thông trong nước. Đối với mặt hàng muối, 3 đối tượng được ưu tiên nhập khẩu là các doanh nghiệp thuộc ngành hàng dược phẩm, y tế, hóa chất. Các nhà máy chế biến thực phẩm như mỳ chính, mỳ ăn liền, nước chấm, nước mắm, các loại gia vị… cũng được ưu tiên nhập khẩu theo hạn ngạch. Các đối tượng này cần những loại muối chất lượng cao mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng khuyến cáo, từ nay đến 2018, các mức thuế bảo hộ cũng sẽ giảm dần nên các ngành sản xuất trong nước đang được bảo hộ cao như muối và đường… vẫn cần nâng cao sức cạnh tranh. Như vậy, sẽ không còn tình trạng nhiều doanh nghiệp phải trông chờ vào việc được cấp hạn ngạch nhập khẩu như hiện nay.
Thu Hường 
Theo Báo Tin Tức

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)