Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thận trọng khi uống viên sủi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thuốc dạng viên sủi có nhiều tiện dụng nhưng cũng có một số lưu ý phải thận trọng. Đã từng có cụ già bị cảm dùng thuốc trị cảm paracetamol dạng viên sủi và thuốc bổ sung vitamin C cũng dạng viên sủi, sau đó huyết áp tăng vọt, phải nhập viện cấp cứu.

Viên nén sủi bọt (gọi tắt viên sủi) là thuốc viên đặc biệt, bởi khác với viên nén thông thường, ta không thể bỏ viên sủi vào miệng và chiêu nước uống, mà phải hoà tan vào ly với lượng nước thích hợp, đợi sủi hết bọt mới sử dụng. Thuốc thường dùng dạng viên sủi hiện nay là thuốc trị cảm cúm và thuốc bổ (bổ sung vitamin và chất khoáng).

Dạng thuốc sủi bọt có thể gây một số bất lợi, thậm chí tác hại đối với người bệnh nếu dùng không đúng cách. Ảnh: G.Alexis
Vài lợi thế của viên sủi
Thích hợp cho người bệnh khó nuốt: nhất là trẻ em và người cao tuổi. Trẻ em khoảng từ 2 – 3 tuổi rất khó uống thuốc loại viên nhưng nếu có viên sủi tạo dung dịch có mùi vị thơm ngon sẽ hấp dẫn trẻ hơn. Còn người cao tuổi, do khó khăn trong việc nuốt, sẽ dễ uống với dung dịch tạo từ viên sủi.
Nhanh hấp thu vào máu: do viên sủi đã hoà tan sẵn, uống với lượng nước nhiều, nên đến dạ dày nhanh. Đặc biệt hấp thu nhanh vào máu, cho tác dụng. Cũng vì vậy mà viên sủi được xem là tăng “sinh khả dụng” (tức làm tăng nhanh độ hấp thu, kể cả tác dụng) của thuốc. Người ta đã làm thí nghiệm và thấy viên sủi cimetidin trị đau dạ dày khi uống có tác dụng trung hoà axít dịch vị gấp mười lần so với viên cimetidin thông thường.
Giảm kích ứng gây hại niêm mạc dạ dày từ một số dược chất, như aspirin, do dược chất pha loãng với nhiều nước trước khi uống (viên nén aspirin thông thường uống sẽ rã và tập trung tại một chỗ, gây hại dạ dày).
Không tốt với người cao huyết áp, suy thận…
Bên cạnh một số lợi thế như nói trên, dạng thuốc sủi bọt cũng có thể gây một số bất lợi, thậm chí tác hại cho người bệnh nếu dùng không đúng cách. Dễ thấy nhất là viên sủi có thể gây hại cho người bệnh tăng huyết áp và đang dùng thuốc kiểm soát tăng huyết áp.
Không để viên sủi bị ẩm
Viên sủi cần được tồn trữ, bảo quản trong điều kiện tránh ẩm. Đây là một khó khăn không nhỏ trong điều kiện khí hậu có độ ẩm cao ở nước ta. Nếu bảo quản không tốt, viên sủi sẽ hút ẩm và phản ứng hoá học giữa các tá dược rã sinh khí sẽ âm thầm xảy ra (giữa chất kiềm và axít hữu cơ), làm chất lượng thuốc thay đổi. Có nhiều dược chất bị biến chất, không còn tác dụng, thậm chí gây hại. Vì vậy, cần giữ viên sủi ở nơi khô ráo, chưa dùng thì không mở lọ đựng hoặc bóc vỏ nhôm bao kín viên thuốc. Cũng cần giữ thuốc tránh xa tầm tay của trẻ.
Để bào chế viên sủi, trong thành phần của thuốc luôn có tá dược rã sinh khí, gồm lượng khá lớn muối kiềm (natri carbonat hoặc natri bicarbonat) và axít hữu cơ (như axít citric). Khi bỏ viên sủi vào trong nước, phản ứng hoá học sẽ xảy ra: muối kiềm tác dụng với axít hữu cơ, phóng thích khí CO2, gây sủi bọt. Như vậy, trong viên sủi luôn chứa muối kiềm, tức chứa natri, sẽ gây tăng huyết áp ở người có sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối (kiêng muối thực chất là kiêng natri). Người ta quy định thuốc viên sủi phải ghi rõ trên bao bì lượng natri chứa trong mỗi viên là bao nhiêu (thông thường mỗi viên chứa từ 274 đến 460mg natri). Người cao tuổi do khó nuốt thường chọn dùng thuốc viên sủi, nhưng nếu bị tăng huyết áp, xin tuyệt đối không dùng thuốc dạng này. Ngoài ra, người bị suy thận cũng không nên dùng dạng thuốc viên sủi.
Không sử dụng viên sủi để giải khát
Một tác hại nữa dễ gặp của dạng thuốc viên sủi là do khi hoà tan trong nước, thuốc tạo thành dung dịch có mùi vị thơm ngon nên hấp dẫn nhiều người dùng như nước giải khát và dùng nhiều một cách quá đáng.
Dược phẩm thường dùng dạng viên sủi là thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng, gọi chung là thuốc bổ. Đặc biệt, viên sủi bán trên thị trường thường chứa vitamin C liều cao (mỗi viên chứa 1.000mg vitamin C). Loại này rất được ưa chuộng và nhiều người đã dùng hàng ngày như nước giải khát, bất kể liều lượng. Điều này rất không nên bởi uống nhiều vitamin C có khả năng gây tiêu chảy, loét đường tiêu hoá và có nguy cơ bị sỏi thận (sỏi oxalat). Mỗi ngày chỉ cần bổ sung vitamin C từ 60 – 100mg là đủ. Với viên sủi vitamin C 1000mg, liều dùng an toàn chỉ nên một viên/ngày.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
Giảng viên chính bộ môn dược, đại học Y dược TP.HCM
SGTT

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)