Nhiều người chọn mua mỹ phẩm qua mạng nói chung hay qua Facebook nói riêng, khi nhận sản phẩm phát hiện là hàng giả nhưng không thể đòi lại tiền.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết trong tháng 10 đã nhận được đơn khiếu nại của người tiêu dùng Ph.H.Tr về việc mua 3 sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc trên Facebook với tổng trị giá 450.000 đồng, nhưng khi nhận hàng thì phát hiện là hàng giả. Người mua hàng sau đó không thể liên hệ được với người bán.
Thực tế, trường hợp trên không phải là cá biệt. Chị Hồng Ngọc ở Q.3 (TP.HCM) kể đầu năm nay chị lên mạng tìm mua bộ mỹ phẩm của một nhãn hàng Nhật nổi tiếng. Sau khi tìm hiểu nhiều nơi khác nhau, chị chấp nhận trả hơn 2 triệu đồng cho một “cửa hàng chuyên bán hàng xách tay lâu năm có uy tín”. Nhận hàng, sử dụng gần một nửa lượng sản phẩm thì tình cờ có đồng nghiệp khoe mới được người nhà từ Nhật về tặng bộ mỹ phẩm cùng loại của chị. Mang hàng ra so sánh, chị Ngọc hoảng hồn khi biết sản phẩm của mình chỉ là hàng nhái cao cấp. “Mẫu mã, bao bì gần giống hàng thật, nhưng xài gần một nửa mà không thấy tác dụng gì, trong khi trước đó mình xài hàng thử có một tuần là đã thấy da tươi sáng hơn. Cũng may hàng nhái này chưa có tác dụng phụ lên da, nhưng tốn nhiều tiền lại như không”, chị Ngọc chia sẻ.
Phong trào mua bán mỹ phẩm của các nhãn hiệu nổi tiếng từ Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… qua mạng rộ lên trong thời gian qua, đặc biệt khi Facebook trở thành một công cụ giao tiếp và bán hàng tiện lợi. Đánh từ khóa “mỹ phẩm xách tay” qua Google, chỉ 0,48 giây đã có ngay hơn 1 triệu kết quả. Trong đó hầu hết các cửa hàng online hay trang web, Facebook cá nhân… đều khẳng định “chỉ bán hàng xách tay chính hãng, không bán hàng giả”, thậm chí còn cam kết hoàn tiền và bồi thường cho người mua nếu phát hiện đó là hàng giả. Tuy nhiên, đại diện một nhà phân phối mỹ phẩm tại VN cho biết với nhiều người dùng, để phân biệt được mỹ phẩm thật và giả khó như… lên trời. “Bởi hiện nay công nghệ làm giả đã phát triển mạnh nên bao bì, hình dáng đều gần như hàng thật. Chỉ khi sử dụng hoặc có hàng thật để so sánh thì may ra mới phát hiện được”, vị này nói.
Cần tỉnh táo
Thực tế, việc bán hàng trên mạng luôn có lợi thế hơn các cửa hàng là cập nhật thường xuyên về các loại mỹ phẩm. Đặc biệt, các trang mạng dễ dàng lấy hình thật từ trang web của các hãng để quảng bá, nên hình ảnh minh họa luôn bắt mắt; đồng thời đi kèm đó là hướng dẫn sử dụng thật chi tiết và những bài đánh giá khen ngợi từ người sử dụng, nhất là từ những người nổi tiếng… Vì vậy, nếu không tỉnh táo, người dùng rất dễ bị cuốn theo những hình ảnh và các lời khen ngợi đó để mua hàng, mà quên mất có thể da của mình không phù hợp với loại mỹ phẩm này…
Trước tình trạng dễ bị mua phải hàng nhái, hàng giả qua mạng, đặc biệt mua hàng qua Facebook, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ về giá cả và nguồn gốc sản phẩm; tham khảo kỹ từ nhiều nguồn và lựa chọn nơi uy tín để giao dịch… “Khi xảy ra tranh chấp mà không thể liên hệ với người bán, người tiêu dùng nên để lại đánh giá (feedback) trên các trang Facebook bán hàng, trong đó nêu rõ vụ việc của mình để cảnh báo cho những người dùng khác”, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo.
Tại Hội thảo về tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giữa khu vực ASEAN và Hàn Quốc, do Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp Ban Thư ký ASEAN và Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng đi cùng với sự phát triển và đóng góp tích cực, thị trường thương mại điện tử cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế và rào cản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng, nổi bật là tình trạng lừa đảo qua mạng. Vì vậy, cơ quan quản lý các nước đã đưa ra nhiều mô hình để giải quyết khiếu nại nhanh chóng cho người dùng, các công cụ nhằm phát hiện và ngăn chặn các loại hình lừa đảo trực tuyến… Trong đó, cần thiết ban hành và hoàn thiện quy định pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử; xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng xuyên biên giới…
|
Thảo Vy (TNO)
Bình luận (0)