Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thận trọng mua sắm qua “chợ mạng”

Tạp Chí Giáo Dục

Mua sắm online, thanh toán qua thẻ (còn gọi là tiêu dùng số) gần đây đã trở thành một xu hướng được nhiều người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng bởi tính tiện lợi, dễ dàng. Tuy nhiên, cùng với đó cũng xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo, những tranh chấp liên quan đến các kênh thương mại điện tử, tiêu dùng số…

Thận trọng mua sắm qua “chợ mạng”

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Chị Ngô Mỹ Uyên (nhân viên văn phòng, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) kể, từ sau dịch Covid-19 tới nay, chị có thói quen mua sắm online với sản phẩm quần áo, giày dép… và chỉ mua ở những cửa hàng, địa chỉ bán uy tín. Tuy vậy, theo chị Uyên, việc lộ thông tin vẫn xảy ra khi NTD tham gia các chương trình khuyến mãi hoặc làm thủ tục vay tiền để mua hàng…

Dẫn chứng, chị Uyên cho biết gần đây, chị liên tục nhận được cuộc gọi từ những số điện thoại “tự xưng” là nhân viên của các cửa hàng chị từng mua hàng online thông báo chị được trúng thưởng, được mua hàng giảm giá. “Nói là vậy nhưng thực chất đều là lừa đảo, đánh vào lòng tham của NTD nên tôi thường từ chối những phần quà như vậy”, chị Uyên nói.

Không may mắn như chị Uyên, chị Hà Thị Thanh (phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) gần đây đã bị mất oan hơn 11 triệu đồng vì mua phải hàng dỏm.

Theo lời kể của chị Thanh, chiều ngày 14-4, chị nhận được 2 thùng hàng giày, dép do nhân viên giao hàng của Công ty GHN chở đến giao. Số hàng hóa này trùng khớp với đơn hàng chị đặt trước đó nên chị không nghi ngờ gì. Liền sau đó, chị Thanh đã chuyển 11.193.000 đồng vào tài khoản cá nhân của nhân viên giao hàng thuộc Công ty CP GHN. Tuy nhiên, khi kiểm tra thùng hàng, chị Thanh tá hỏa phát hiện 24 đôi giày, dép đều là hàng kém chất lượng, giá trị chỉ vài trăm ngàn đồng.

Đáng chú ý, khi xem lại địa chỉ thì nơi đây không phải đại lý giày, dép mà chị Thanh đặt hàng trước đó. Chị xác minh thông tin địa chỉ và số điện thoại của chủ đơn hàng này thì đều là ảo. Biết mình bị lừa, chị Thanh đã trình báo cơ quan công an. Hiện, Công an phường Tân An đã lập biên bản, tạm giữ số hàng hóa nêu trên để điều tra, xác minh.

Trên thực tế, việc lộ thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại di động, tên tài khoản trên các mạng xã hội Facebook, Zalo… hiện khá phổ biến, dẫn đến dễ bị các đối tượng lừa đảo nhắm tới.

Thận trọng trong giao dịch, mua bán

Theo các chuyên gia, trước xu thế chuyển đổi số như hiện nay, mỗi người dân cần trở thành người tiêu dùng thông minh, chủ động cảnh giác, thận trọng để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.

Để bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro mà mua sắm trực tuyến có thể mang lại, NTD cần lưu ý trước khi mua sản phẩm nên tham khảo các đánh giá, bình luận về sản phẩm để có cái nhìn rõ ràng, chính xác hơn về sản phẩm định mua. Đồng thời, không nên chia sẻ thông tin cá nhân như số thẻ tín dụng, mật khẩu…

Ngoài ra, khi mua hàng cần kiểm tra kỹ địa chỉ website (hiện nhiều đối tượng mua tên miền có ký tự tương tự website thương mại điện tử uy tín để cài mã độc, phát tán virus hoặc đánh cắp thông tin cá nhân…).

Riêng với các shop, cửa hàng, hoặc app mua sắm trực tuyến, NTD nên thận trọng, kiểm tra hàng trước khi chuyển tiền. Trường hợp khi mua phải hàng kém chất lượng hoặc có dấu hiệu lừa đảo, NTD phải liên hệ cơ quan chức năng để được bảo vệ.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM cũng khuyến cáo, NTD nên chọn mua hàng từ những địa chỉ website, sàn thương mại điện tử uy tín, tin cậy, có chính sách bán hàng, trả hàng, bảo hành, khiếu nại, đầy đủ thông tin liên hệ. Đối với các kênh mua sắm qua mạng xã hội, NTD cần cẩn trọng, nâng cao cảnh giác; tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, mua bán cần có hóa đơn, chứng từ…

Theo Hải Ninh/SGGPO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)