Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thận trọng với bột ngọt giả

Tạp Chí Giáo Dục

Rất nhiều loại bột ngọt của các thương hiệu lớn như Vedan, Miwon, A-One… gần đây bị làm giả khá tinh vi và bày bán tràn ngập thị trường.
Theo cơ quan chức năng, các mặt hàng giả bột ngọt này phần lớn nhập lậu từ Trung Quốc. Tại các tỉnh, thành phía Bắc, bột ngọt lậu hiện đang xâm nhập rất sâu rộng vào thị trường và đây là nguồn nguyên liệu hết sức thuận lợi cho các đối tượng sử dụng để sản xuất hàng giả các thương hiệu lớn.
“Hô biến” bột ngọt Trung Quốc thành hàng Việt Nam
Vừa qua, Công an TP Đà Nẵng đã bắt và xử lý vụ án sản xuất bột ngọt giả mang thương hiệu A-One, tịch thu 547 gói trọng lượng 454 g. Trước đó, lực lượng bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng cũng đã tịch thu gần 100 kg bột ngọt giả A-One.
Công an TP Trà Vinh cũng bắt một vụ sản xuất bột ngọt giả, thu giữ 16.000 túi bao bì các loại của Vedan và 1.800 túi bao bì các loại của Miwon. Phần lớn bột ngọt giả được phát hiện có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu. Loại bột ngọt này được đóng trong bao 25 kg, bên ngoài ghi toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt và pháp nhân nhập khẩu chịu trách nhiệm.
Mới đây, Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Bình Tân qua kiểm tra kho chứa hàng thuộc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Việt Nhật An (1111 quốc lộ 1A, phường Bình Trị Đông A) đã phát hiện hơn 62,5 tấn bột ngọt Trung Quốc không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm. Tương tự, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã tổ chức tiêu hủy hơn 21 tấn bột ngọt lậu Trung Quốc không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Máy ép bao bì bột ngọt giả được các cơ quan chức năng thu giữ tại cơ sở sản xuất hàng giả. Ảnh: BÌNH MINH
Bột ngọt giả: 1 lời 1
Các đầu nậu chuyên cung cấp loại bột ngọt này cho biết giá khoảng 750.000 đồng/bao 25 kg, còn “áo” tức vỏ bao bì giả nhãn hiệu Vedan, Miwon… loại 400 g hay 454 g (khối lượng tịnh ghi trên bao bì), bán số lượng từ 1.000 cái trở lên, giá 1.000 đồng/cái. Loại bao bì giả này cũng được sản xuất tại Trung Quốc và chuyển lậu qua Việt Nam. Tính sơ bộ, một bao bột ngọt 25 kg thường có thể đóng được 64-65 gói 400 g và nếu tự sang chiết sản xuất giả tại nhà và đem bỏ mối tại chợ thì có thể kiếm lợi ít nhất 7.000-8.000 đồng/gói.
Tại Hà Nội, chợ Đồng Xuân được xem là nơi bán bột ngọt giả Miwon, Vedan với số lượng nhiều và công khai nhất. Đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp những mặt hàng thực phẩm, hàng khô, quần áo… cho khoảng 90% các tiệm tạp hóa, cửa hàng buôn bán nhỏ, lẻ tại Hà Nội và các huyện ngoại thành. Những loại hàng này chủ yếu phục vụ đối tượng là người dân ngoại thành, người thu nhập thấp.
Bác Trần Thị Tuyết Lan, cán bộ hưu trí ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, lo lắng: “Nhà tôi vẫn hay dùng các loại bột ngọt như Vedan, Miwon nhưng nếu cứ tình trạng hàng giả như thế này thì thật sự chúng tôi rất hoang mang, lo sợ”.
Với “quy trình” sản xuất bột ngọt giả vô cùng đơn giản, với chiếc cân loại 2 kg, 5 kg dùng để cân trọng lượng sản phẩm sau khi đã pha chế và đóng gói cùng chiếc máy ép nhựa và những “sản phẩm” bột ngọt không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc cung cấp bởi các đầu nậu, đối tượng sản xuất giả đổ bột ngọt ra thau, chậu rồi dùng muỗng xúc vào từng bao bì giả của các sản phẩm như A-One, Vedan, Miwon… và dùng máy hàn miệng túi, dập “date” trước khi bán ra thị trường để kiếm lời bất chính. Những bao bột ngọt Trung Quốc với hạn sử dụng chỉ ba năm nhưng khi sản xuất thành những gói bột ngọt A-One, Vedan, Miwon… thì “date” được ghi thoải mái đến năm năm.
Phát hiện nhiều vụ sản xuất bột ngọt giả
Đội CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận 12 đã kiểm tra căn nhà không số (khu phố 4, phường An Phú Đông, quận 12) phát hiện vụ sản xuất giả bột ngọt, nước rửa chén, bột giặt. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 223 gói bột giặt giả nhãn hiệu Omo, 132 bịch bột ngọt giả và 55 chai nước rửa chén giả nhãn hiệu Sunlight. Lực lượng chức năng còn tạm giữ hơn 18.000 vỏ bao bì và 492 vỏ chai của các nhãn hiệu như Omo, Sunlight… Bước đầu, ông Nguyễn Xuân Truyền – chủ lò sản xuất bột ngọt giả khai nhận đã mua bột ngọt xá, bao bì ở Chợ Lớn (quận 5) về sản xuất bột ngọt giả các nhãn hiệu lớn nổi tiếng rồi đem bán ở quận Thủ Đức, quận 9…
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong năm 2012 đơn vị đã phát hiện hơn 20 vụ buôn bán bột ngọt nhập lậu từ Trung Quốc cũng như các sản phẩm thành phẩm giả mạo nhãn hiệu bột ngọt thương hiệu tại các quận, huyện như Bình Thạnh, Nhà Bè, 12… Theo một cán bộ quản lý thị trường, các đối tượng làm giả kiếm lời khá cao từ việc giá nguyên liệu đầu vào rẻ (do nhập lậu, kém chất lượng), sau đó “lên đời” sản phẩm có thương hiệu để bán giá cao.
(Nguồn: Tuoitre)
BÌNH MINH (Pháp Luật TP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)