Nhiều ngươì nghĩ cao dán sẽ giúp trẻ hạ nhiệt tốt mà không bị tác dụng phụ như uống thuốc. Thực ra, cao dán hạ sốt không thay thế được thuốc, thậm chí có thể gây hại.
Thấy bé Bông, 8 tháng tuổi, bị sốt, chị Thoa (Lĩnh Nam, Hà Nội) liền lấy cao dán hạ sốt dán vào trán cho bé. Sau 8 giờ, chị bóc cao dán ra, sờ trán con thấy mát hơn nên rất an tâm.
Lợi bất cập hại
Tuy nhiên, đến nửa đêm, bé Bông có dấu hiệu sốt nặng hơn, cặp nhiệt độ gần 40 độ C. Chị lại bóc tiếp miếng nữa dán cho con. Ba giờ sau, bé Bông có biểu hiện khó thở, mệt lả. Gia đình mới vội vã đưa vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết bé bị sốt cao là triệu chứng của viêm phổi. Gia đình không đưa đến bác sĩ mà chỉ dùng cao dán hạ sốt khiến bệnh tình của bé càng nặng.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khẳng định: “Chưa một công trình nghiên cứu khoa học nào có giá trị chứng minh cao dán hạ sốt có thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt ở trẻ em”. Cao dán được dùng thông dụng tại Việt Nam là loại hạ nhiệt bằng cách bốc hơi, thoát nhiệt qua da. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Dũng, việc các nhà sản xuất khuyến cáo dán cho trẻ trong vòng 6 – 8 giờ cũng rất nguy hiểm vì khi dán, một khoảng da không được trao đổi khí ra bên ngoài, lỗ chân lông bít lại sẽ làm nhiệt độ của cơ thể tăng lên. Hơn nữa, thành phần của cao dán hạ sốt thường chứa menthol, loại tinh dầu không được khuyến khích dùng cho trẻ vì da trẻ nhạy cảm có thể bị kích ứng. Thậm chí, với những trẻ sơ sinh bị dị ứng với tinh dầu này có thể bị ảnh hưởng chức năng hô hấp.
Hiện các cao dán hạ sốt được chia làm hai nhóm: nhóm một hạ sốt theo cơ chế vật lý bốc hơi có chứa các loại tinh dầu menthol. Quá trình bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt giống như lau mát bằng nước ấm cho trẻ. Nhóm này được nhiều phụ huynh ưa chuộng, sử dụng rộng rãi và có bán tại các hiệu thuốc trên toàn quốc. Nhóm thứ hai chứa các thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc các kháng viêm không steroid ở dạng bào chế thấm qua da. Nhóm này ít có ở thị trường Việt Nam.
Hiện các cao dán hạ sốt được chia làm hai nhóm: nhóm một hạ sốt theo cơ chế vật lý bốc hơi có chứa các loại tinh dầu menthol. Quá trình bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt giống như lau mát bằng nước ấm cho trẻ. Nhóm này được nhiều phụ huynh ưa chuộng, sử dụng rộng rãi và có bán tại các hiệu thuốc trên toàn quốc. Nhóm thứ hai chứa các thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc các kháng viêm không steroid ở dạng bào chế thấm qua da. Nhóm này ít có ở thị trường Việt Nam.
Không nên hạ sốt bằng chườm lạnh
Theo tiến sĩ Dũng, hiện Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo không nên sử dụng các biện pháp chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ. Đặc biệt, đối với trẻ bị sốt do viêm phổi, các biện pháp chườm lạnh nói chung sẽ làm tăng sử dụng ôxy khiến bệnh phổi nặng hơn. Chườm lạnh hạ sốt bằng đá tuyệt đối không được sử dụng vì sẽ gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các bậc cha mẹ không phải tốn tiền mua cao dán hạ sốt cho trẻ. Đối với trẻ, khi bị sốt, cách tốt nhất là cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ để tránh bệnh nặng thêm, gây biến chứng. Trong khi chờ trẻ hạ sốt, có thể dùng khăn nhúng vào nước ấm (thấp hơn nhiệt độ cơ thể của trẻ là 2 độ C). Khăn vắt hơi ráo và nước phải luôn ấm trong suốt quá trình lau mát cho trẻ. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng khăn ấm đắp lên trán sẽ không có tác dụng mà phải đặt khăn vào các vị trí sau: hai khăn ở hai hõm nách, hai khăn ở hai bên bẹn, một khăn lau khắp cơ thể trẻ. Cha mẹ cần thay khăn sau 2 – 3 phút và đo nhiệt độ cơ thể trẻ ở nách sau 15 – 30 phút. Nếu thấy nhiệt độ trẻ hạ xuống dưới 38,5 độ C thì có thể ngừng lau mát bằng khăn ấm.
Theo Báo Đất Việt
Bình luận (0)