Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thận trọng với trà thảo dược không rõ nguồn gốc

Tạp Chí Giáo Dục

Người tiêu dùng nên thận trọng với những loại thảo dược không rõ nguồn gốc. Ảnh: T.Hải
Uống trà, uống nước lá chè xanh là thói quen lâu đời có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn thận với các loại trà thảo dược mới lạ không rõ nguồn gốc đang lưu thông tràn lan trên thị trường.
Vị thuốc từ lá cây
Nếu người miền Nam có thói quen dùng trà thì người miền Trung lại thích uống nước được nấu từ lá cây chè xanh. Đây là loại nước uống mang tính truyền thống được khoa học chứng minh có lợi cho sức khỏe trong việc giải nhiệt và chữa một số bệnh về đường ruột, tim mạch. Ngoài nước trà, người miền Bắc còn dùng nụ vối để nấu nước uống, nhất là vào mùa nắng nóng. Cũng giống như chè xanh, tất cả các bộ phận của cây vối như lá, hoa, nụ đều nấu được nước để uống và cả làm thuốc. Theo đông y, cây vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon tiêu hóa tốt. Đặc biệt là chất đắng có trong lá giúp kích thích tiết ra nhiều dịch tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc ruột và có tính kháng khuẩn cao.
Một loại thảo dược khác rất phổ biến mà được mọi người dùng để làm trà là các bộ phận của cây sen. Theo kinh nghiệm dân gian trà tâm sen có tác dụng an thần, chữa được triệu chứng mất ngủ dài ngày. Bên cạnh đó, tâm sen còn có tác dụng cầm máu và hạ huyết áp ở những người cao tuổi. Gần đây lá sen cũng được dùng dưới dạng tươi và dạng khô để sắc nước uống có tác dụng giảm mỡ máu, mất ngủ, sốt xuất huyết và ho ra máu. Mặc dù được du nhập từ nước ngoài về nhưng gần đây cây sa kê đã được trồng phổ biến nhiều nơi ở Nam bộ. Lương y Nguyễn Công Đức – Khoa Y học cổ truyền Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết lá sa kê có tác dụng lợi tiểu, kháng sinh, tiêu viêm, lá sa kê kết hợp với một số vị thuốc khác sẽ chữa trị được các bệnh như: Huyết áp, tiểu đường, gút, sỏi thận… Cũng với sa kê, gần đây cây trinh nữ hoàng cung và cây lược vàng cũng được “lên ngôi” nhờ có những tác dụng cho sức khỏe khi được nấu thành nước uống. TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm – Trường ĐH Dược Hà Nội đã có nhiều công trình nghiên cứu về lá cây trinh nữ hoàng cung và khẳng định, trinh nữ hoàng cung là một cây thuốc quý trong dân gian giúp chữa được một số bệnh về khối u, tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của đông y, khi uống nước lá sa kê cần theo dõi để tránh những biến chứng có thể xảy ra. Nước uống thường được đóng vào chai cho vào tủ lạnh là cách bảo quản lâu ngày, nhưng trước khi uống nên pha với một ít nước ấm để tránh rối loạn tiêu hóa hoặc nguy cơ tiêu chảy.
Coi chừng “con dao hai lưỡi”
Cũng theo lương y Nguyễn Công Đức, không phải lá cây nào cũng chữa được bệnh mà phải có sự phối hợp với một số vị thuốc thì trà thảo dược mới phát huy được tác dụng của nó. Đó là điều người tiêu dùng nên chú ý tránh có sự ngộ nhận một chiều. Nên coi lá cây thảo dược là một phương cách điều trị hỗ trợ bên cạnh các phương pháp điều trị chính thống chứ không nên thần tượng hóa. Một số thảo dược trồng không đúng quy trình thì không có tác dụng chữa bệnh, đó là chưa nói đến sự nhầm lẫn thường xuyên với các loại thảo dược dại có hình dáng tương tự nhau.
Lương y Nguyễn Công Đức cho biết, khi huyết áp cao thì dùng lá sa kê vàng vừa mới rụng. Trước khi dùng các lá thảo dược nên hỏi ý kiến tham khảo của BS chuyên khoa. Dù là lá thuốc dân gian cũng dùng đúng và đủ liều lượng không nên lạm dụng một cách vô tội vạ thiếu cơ sở khoa học và chưa có sự chỉ dẫn cặn kẽ của thầy thuốc. Đặc biệt là phụ nữ mang thai thì hạn chế và không nên sử dụng các loại nước được nấu từ các loại thảo dược như lá sa kê, trinh nữ hoàng cung và kể cả trà xanh. Các loại trà thảo dược chỉ có tác dụng tốt đối với chị em phụ nữ sau khi sinh để giúp tiêu hóa và giảm béo.
Từ những lợi ích có thật của các loại thảo dược đối với sức khỏe con người nên hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại trà mang danh hiệu thảo dược để thu hút người tiêu dùng. Đã có thời gian rộ lên phong trào uống trà cúc đóng hộp, trà đen đóng gói nhưng thực chất là những sản phẩm được tinh luyện và bào chế được tẩm ướp hương liệu của các loại thảo dược. Gần đây, trên thị trường xuất hiện trà dây thảo dược, do lạ và được truyền nhau có tác dụng giải nhiệt, giúp ăn ngon ngủ êm trị cả đau dạ dày nên được làm quà biếu cho người thân và bạn bè. Tuy nhiên, do không có địa chỉ sản xuất cụ thể nên người tiêu dùng cũng đã cẩn thận hơn. Một số loại chè ngọt Sa Pa, cỏ ngọt Sa Pa bán cho khách du lịch ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu được quảng bá là loại trà Nhật có tác dụng chữa bệnh béo phì và tiểu đường có tác dụng tốt. Thế nhưng, gần đây các cơ quan chức năng đưa ra khuyến cáo người dân không được dùng vì đây là cây do một công ty nước ngoài đưa vào trồng xuất khẩu nhưng lại không thu mua. Điều đáng nói hơn là loại cây này có chứa nhiều độc tố và chính đại diện của công ty nước ngoài cho biết là loại cây dùng để làm thuốc chống mốc trên tường nhà.
Quang Phan
“Không nên tùy tiện dùng trà thảo dược, nhất là khi chưa biết rõ nguồn gốc và tác dụng của nó đối với sức khỏe con người. Có như vậy, chúng ta mới tránh được việc mua lầm các thức uống vô bổ và có khi độc hại cho sức khỏe và cả tính mạng con người” – lương y Nguyễn Công Đức khuyến cáo! 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)