Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thận trọng với trái cây bị “phù phép”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc chọn lựa trái cây
Thông tin về việc các vựa trái cây sử dụng hóa chất độc hại để ủ chín các loại trái cây trước khi tung ra thị trường khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang. Trái cây là loại thực phẩm thông dụng đối với nhiều gia đình, nên các loại hóa chất này nếu tích tụ lâu dần trong cơ thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người sử dụng.
Mít, chuối, xoài, sầu riêng, chôm chôm… đẹp mã bày bán nhan nhản trên thị trường đều rất có thể đã bị “phù phép” bằng hóa chất để thúc chín nhanh, vàng và đẹp. Để bảo vệ sức khỏe của chính mình, người tiêu dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn trái cây.
Xem thường sức khỏe
Theo kinh nghiệm dân gian, muốn ủ chín trái cây người ta thường dùng đất đèn để dú. Đất đèn sẽ tạo ra khí axetilen, kích thích trực tiếp vào quá trình chín của trái. Theo các chuyên gia hóa học, đất đèn không gây độc. Tuy nhiên, sử dụng đất đèn quá trình ủ chín thường kéo dài, trái chín không đều.
Một vựa chuối trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú, TP.HCM), nải nào cũng vàng rực, 10 quả như 1. Khi được hỏi chuối được ủ chín bằng cách nào, một thanh niên –  chủ của vựa chuối trên không ngần ngại cho biết: “Chuối được dú bằng khí đá, chất này vẫn được các vựa trái cây sử dụng”. Hỏi rằng, chất này có độc không? Người này trả lời: “Chắc chắn là không độc. Vì tôi đã bán ở đây cả ba bốn năm rồi mà không thấy ai phàn nàn gì”.
Khi ra chợ Kim Biên (Q.5) – chợ hóa chất lớn nhất tại TP.HCM hỏi mua khí đá và các loại hóa chất để về ủ chín hoa quả thì đều nhận được câu trả lời là không có. Trên thực tế theo như lời người thanh niên chủ vựa chuối trên đường Lê Trọng Tấn thì “Chỉ có người quen mua mới được thôi, chỉ cần bỏ ra vài ngàn đồng là đã có một tuýp nhỏ…”. Đối với các loại trái cây khác như mít, sầu riêng, xoài… được bày bán khắp nơi trên các tuyến đường trong thành phố, bất kể mùa nào, tháng nào thì thực chất đều có thể đã bị “phù phép” qua các loại hóa chất.

Trái cây đẹp mã có nguy cơ được tiêm hóa chất để bảo quản và làm “đẹp” cao!.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM thì các loại hóa chất thường được sử dụng để thúc chín trái cây là Ethrel và Ethephon với hoạt chất chính là ethylene, có tác dụng kích thích sinh trưởng thực vật. Đặc biệt giúp kích thích quá trình chín của các loại quả sau khi đã thu hoạch. Chỉ trong khoảng thời gian từ 1-2 ngày, trái sẽ chín đồng loạt và đều màu. Ở Việt Nam những nghiên cứu về các loại hóa chất thúc chín hoa quả vẫn chưa được phổ biến, chưa cho phép sử dụng Ethephon và Ethrel để thúc chín trái cây dù bản thân các loại hóa chất này nếu được sử dụng có liều lượng sẽ an toàn với người sử dụng. Tuy nhiên, không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hóa chất để ép chín trái cây ngoài những phương pháp truyền thống như ủ bằng đất đèn, bằng hương…
Người tiêu dùng nên thận trọng
Theo ThS. hóa học Châu Nguyễn Duy Khiêm (ĐHKHTN TP.HCM) thì Ethephon và Ethrel là chất dùng để kích thích mủ cao su, khi được tiếp xúc với nước sẽ sinh ra khí etilen có tác dụng làm chín trái cây. Hai loại hóa chất này nếu được sử dụng trong một liều lượng thấp hơn 1% thì khả năng gây độc là rất ít. Nhưng nếu thường xuyên tiếp xúc và đi vào cơ thể thì có thể gây kích ứng mắt và ăn mòn da. Đồng thời gây ngộ độc cho người sử dụng.
Còn TS. Võ Mai – Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, đối với chuối, nếu chín tự nhiên sẽ có màu vàng đậm và héo cuống, mùi thơm rất nồng, ăn ngọt. Còn chuối được thúc chín bằng thuốc thì có màu vàng bóng, rất bắt mắt, dù thế phần cuống lại xanh, khi bẻ quả chuối thì lõi ruột có màu đen, ăn phần đầu sượng. Sầu riêng thì chín cây có thể dùng tay tách múi được, có mùi thơm rất đặc trưng, gai rất mở. Mít chín tự nhiên vỏ sần sùi, có màu đen, mắt nở to. Múi có màu vàng sậm còn xơ thì vàng nhạt, ăn mềm. Còn sầu riêng nếu ép chín thì phải dùng dao để tách cơm, ăn rất nhạt. Mít vỏ bên ngoài xanh, cứng, gai nhọn hoắt nhưng bên trong lại chín vàng, vàng từ múi đến xơ.
Cũng theo  TS. Võ Mai thì người tiêu dùng chỉ cần tinh ý là sẽ nhận biết được trái cây nào có sử dụng hóa chất để ép chín. Dù chưa có nghiên cứu nào chỉ ra những loại hóa chất này có độc như thế nào thì người tiêu dùng cũng nên bảo vệ mình. Vì vậy, chỉ nên chọn mua trái cây ở những siêu thị lớn, có uy tín để biết rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn.
Bài, ảnh: Yến Hoa
 
Nên lựa chọn những loại trái cây theo mùa vụ
TS. Võ Mai – Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam khuyến cáo, để an toàn cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên lựa chọn những loại trái cây theo mùa vụ. Không nên chọn mua ở những hàng rong trái cây giá rẻ bán dọc đường, vì có thể đó là trái cây Trung Quốc đội lốt hoặc đã được ép chín bằng hóa chất. Với những loại trái cây nghịch mùa, để đạt năng suất cao, người trồng phải dùng một lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật lớn nên khả năng tồn dư thuốc hay lượng phân bón vượt quá giới hạn là rất cao.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)