Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022. Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách Nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022. Ảnh: VGP
Phát biểu tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến khó lường, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng, dầu tăng cao, tác động từ tình hình xung đột Ukraine, chính sách của các quốc gia sau dịch Covid-19. Sức ép lạm phát tăng mạnh; Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro; Nợ xấu có xu hướng tăng. Việc giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện mạnh mẽ. Đăng ký mới FDI có xu hướng giảm.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi quy định tiêm vaccine cho phù hợp.
Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tế, nhất là phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giải quyết các điểm nghẽn về quy hoạch, đầu tư công, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia…
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, xử lý nghiêm các sai phạm nhưng bảo vệ những người làm ăn chân chính.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai nhanh, có hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ để giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, vừa góp phần phục hồi và phát triển trong nước, vừa góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; chuẩn bị tốt các hoạt động tri ân Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7). Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.
Đặc biệt đối với giáo dục, Thủ tướng yêu cầu tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Tổ chức hội nghị sơ kết tự chủ ĐH và việc thực hiện các quy định pháp luật về tự chủ ĐH để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung quy định liên quan. Cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và HS, SV.
Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của HS, phụ huynh.
Về môn học lịch sử, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý, có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân và các chuyên gia cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn lịch sử. Có thể quy định theo hướng môn lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn. Truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa – lịch sử là đầu tư cho sự phát triển.
“Với các chính sách tác động tới toàn dân, tới lợi ích chính đáng của người dân thì phải rất thận trọng, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhóm PV
Bình luận (0)