Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Thần tượng” của thế hệ chúng tôi

Tạp Chí Giáo Dục

Định nghĩa về “Thần tượng”, sách “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” (GS. Nguyễn Lân, NXB Từ điển bách khoa, 2002) viết: “Thần tượng: 1. Pho tượng thần; 2. Cái mà người ta tôn thờ”. Vậy, “cái mà người ta tôn thờ” luôn có vẻ đẹp lung linh, không tì vết và ai trong cuộc đời cũng có thần tượng của riêng mình. Làm theo thần tượng, sống theo thần tượng là chuyện bình thường bởi vì “người tôn thờ” luôn hướng đến, mong muốn chạm đến những nét đẹp, phẩm chất của thần tượng. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong năm tháng chiến tranh lan rộng cả hai miền Nam – Bắc. Trong bom đạn, trong thiếu thốn, khó khăn; chúng tôi đến trường bằng đôi chân “cuốc bộ” cả đi lẫn về chừng 14 cây số là chuyện hàng ngày! Do thiếu lương thực nên ăn cơm độn ngô, khoai quanh năm. Vậy mà ai cũng quyết chí, hăng say, miệt mài học tập, rèn luyện vì học là con đường làm chủ kiến thức sau này. Vì “thần tượng” của chúng tôi lúc bấy giờ là Nguyễn Ngọc Ký – tuy bị liệt cả hai tay nhưng Ngọc Ký vẫn đòi đi học bằng được. Anh đã khổ luyện, dùng bàn chân phải của mình để viết, nhiều khi bị vọp bẻ đau đớn nhưng vẫn không bỏ cuộc. Bàn chân kỳ diệu đã viết nên những trang đời của anh; lòng kiên trì, bền bỉ, vượt qua nghịch cảnh để chiến thắng bản thân mình!

“Noi gương Nguyễn Ngọc Ký” là tâm niệm của thế hệ chúng tôi để vượt qua những khó khăn, gian khổ trong cuộc sống hàng ngày. Ngày ấy, chúng tôi không chỉ có việc học mà còn tự giác, tích cực tham gia lao động, giúp đỡ gia đình. Ngoài việc học, chúng tôi còn phải vào rừng lấy củi về đun, lấy nứa về làm hàng rào, làm rèm che mưa che nắng… Ngày mùa thuở ấy học sinh được nghỉ một tuần, gọi là nghỉ mùa để giúp đỡ gia đình. Đó là những ngày đi thu hoạch ngô, khoai lang, đậu giữa trưa hè nắng gắt. Chính những ngày tháng đó đã phần nào rèn luyện sức khỏe, rèn luyện tinh thần cho chúng tôi. Có đi làm đồng giữa trưa nắng gắt mới hiểu giá trị của công sức lao động, của giọt mồ hôi rơi xuống; càng hiểu thêm về câu ca dao lấp lánh giọt mồ hôi: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”…

Chúng ta hãy chọn đúng “thần tượng” để cuộc đời có ý nghĩa, sống đẹp với bản thân, với gia đình, với cộng đồng và xã hội.

Lê Lam Hng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)