Theo kế hoạch, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống sẽ thông xe tháng 11-2017. Sau đó, các bến phà Cao Lãnh và Vàm Cống sẽ ngưng hoạt động qua sông Tiền và sông Hậu.
Các công nhân và kỹ sư thi công Cầu Vàm Công, ảnh chụp sang 25-7-2017- Ảnh: Anh Quân |
Ngày 25-7, ông Nguyễn Đình Viễn – phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long – Bộ GTVT (chủ đầu tư dự án), cho biết hiện công trình đang thi công lắp đặt 450m nhịp dầm thép nặng khoảng 6.500 tấn.
Dự kiến, nhịp dầm cầu bằng thép dài nhất VN này sẽ hợp long tháng 9-2017.
Công trình xây dựng cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ có tổng chiều dài gần 2km, rộng 24,5m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h.
Dự án xây cầu Vàm Cống được đầu tư bằng nguồn vốn vay của chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ VN với tổng mức đầu tư của dự án là hơn 271 triệu USD.
Cũng theo Tổng Công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, có hơn 2.000 kỹ sư và công nhân thi công xây dựng cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền (nối huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Sau 3 năm đã đạt hơn 80% khối lượng.
Theo thiết kế, cầu Cao Lãnh là cầu dây văng dài hơn 2.000m, nhịp chính dài 350m, tháp dây văng cao 120m, bề rộng mặt cầu 24,5m. Cầu có bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng. Dự kiến cầu sẽ hợp long tháng 9-2017.
Theo kế hoạch cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống sẽ thông xe tháng 11-2017. Sau đó, các bến phà Cao Lãnh và Vàm Cống sẽ ngưng hoạt động qua sông Tiền và sông Hậu.
Bình luận (0)