Đến với Nghệ An, mọi người không chỉ mang theo câu hát: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ” mà còn được đến với mảnh đất sơn thủy hữu tình, giàu truyền thống cách mạng từ những năm 1930 của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tự hào hơn là được trở về quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mái nhà tranh nghĩa tình và những ao sen 4 mùa tỏa hương thơm ngát.
Đây là mảnh đất thiêng liêng cất giấu nhiều kỷ niệm tuổi ấu thơ đối với cuộc đời cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc ra đi tìm đường cứu nước của một người thanh niên khát khao bầu trời tự do và độc lập.
Làng Sen quê cha và Hoàng Trù quê mẹ
Nằm gối đầu vùng hạ lưu dòng nước sông Lam từng đi vào mạch nguồn thơ ca nhạc họa, huyện Nam Đàn cách TP.Vinh 15km ở phía Tây Nam. Ra khỏi TP khoảng 5km theo quốc lộ 46 là chúng ta đã được tắm mình trong không gian thanh bình của một vùng quê xanh ngắt màu mạ non của ruộng lúa và bạt ngàn bãi mía nương khoai. Ngồi trên xe, câu hát “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh” cứ ngân nga trong tâm trí mọi người trên đường về quê Bác nay là Khu di tích lịch sử Kim Liên. Nhìn từ xa, màu xanh của núi Thiên Nhẫn và núi Đại Huệ vắt ngang bầu trời vẫn đẹp như trong câu thơ của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp: “Chiu chít liền những núi/ Trông như ngựa chạy vòng”. Khu di tích lịch sử Kim Liên nằm trong một quần thể khép kín với 3 điểm tham quan chính là làng Sen (quê nội), làng Hoàng Trù (quê ngoại) và khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Bác). Đặt chân đến đây, niềm xúc động của người dân cả nước thật sự dâng trào vì mảnh đất làng Sen thân thương, giản dị đã gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quý trọng hơn là còn lưu giữ được nhiều kỷ niệm thuở nhỏ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung bằng những câu chuyện kể và từng kỷ vật đơn sơ của gia đình. Con đường dẫn vào quê nội tỏa mùi hương thơm ngát vì dọc lối đi lâu lâu có vài hồ sen đứng sẵn hai bên như để đón chào du khách. Trong mấy ngày hè nóng bức oi ả của tháng 5 là dịp đông khách về đây thăm viếng và kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, hương sen như làm dịu đi cơn nóng của ngọn gió Lào để mang theo làn không khí trong lành và tươi mát của làng quê.
Chính vì thế từ lâu quê nội Bác Hồ còn có tên chữ rất đẹp là Kim Liên (bông sen vàng) như câu thơ Tố Hữu: “Tôi lại về quê Bác làng Sen/ Ôi hoa sen đẹp của bùn đen/” (Theo chân Bác). Đến khu di tích từ xa đã thấy bóng mát của hàng cau, hàng tre trùm lên mái lá lợp tranh đưa mọi người về với không gian vùng thôn quê cách đây hơn nửa thế kỷ: “Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau” (Nhớ – Hồng Nguyên). Đi trong làn gió mát, có cảm giác mùi hương hoa sen như đậm đặc hơn bởi những nụ hoa đang chớm nở trong ao nước trong xanh bên khóm trúc già. Đến đây ranh giới giữa khu di tích lịch sử với mảnh vườn, ngôi nhà của một gia đình vùng thôn quê Bắc Trung bộ như bị xóa nhòa. Hàng râm bụt đỏ hoa quê, những vồng rau lang, đám ruộng trồng đậu lạc xanh mướt, cây bưởi cây chanh đang ra trái như đưa mọi người về với chính quê hương của mình vậy. Đơn sơ, giản dị nhưng thân thuộc và ấm cúng biết nhường nào. Ngôi nhà gỗ 5 gian hơn một thế kỷ được trùng tu thường xuyên vẫn gợi về những kỷ niệm thân thương lúc Bác Hồ của chúng ta còn tuổi ấu thơ. Trong gian thờ chính của gia đình ở dãy nhà ngang chỉ có chiếc bàn làm bằng tre, một tủ gỗ vài thứ vật dụng thường ngày đã hơn tuổi đời của một con người như hoài niệm một quá khứ của lịch sử đã đi qua. Hai chiếc giường tre đặt ở gian cuối là nơi nghỉ của mọi người trong gia đình đã phủ một lớp bụi thời gian im lặng nhưng thiêng liêng vô cùng. Dù các vật dụng quá đơn sơ, bình dị được sắp đặt gọn gàng, sạch sẽ toát lên cốt cách thanh cao và đạm bạc của một gia đình nhà Nho yêu nước.
“Làng quen như thể quê chung vậy”
Thời gian trở về quê nhà dù đã đỗ đạt nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc vẫn sống cuộc đời hàn Nho thanh đạm. Phần nhiều đồ dùng sinh hoạt đều do dân làng đem tới tặng đến nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn như còn đó nghĩa xóm tình làng sâu nặng. Ngôi nhà như bao mái nhà tranh khác nhưng đã gắn bó một thời vô cùng ý nghĩa của cuộc đời Bác từ năm 11 đến 16 tuổi. Chính nơi đây chứng kiến bao biến cố xảy ra trong gia đình từ khi cậu bé Cung biết lên rú Chung thả diều, được cha cho đi học và nuôi dưỡng những cảm xúc đầu đời về cuộc sống cũng như nhận thức ban đầu về thời cuộc để sau này làm nên bước tiền đề cho hành trình tìm đường cứu nước của một vị lãnh tụ thiên tài. Dù là chiếc mâm gỗ hay chiếc vò đựng nước nhưng tất thảy đều thiêng liêng và vô giá vì trở thành vật dụng quen thuộc gắn bó với cuộc đời của chàng trai sớm xa nhà để bôn ba khắp thế giới đi tìm lẽ sống cho dân tộc. Đứng trước chiếc bàn gỗ bên cạnh thư án, ta như vẫn còn nghe văng vẳng tiếng của thân phụ Nguyễn Sinh Sắc dạy cậu bé Nguyễn Sinh Cung biết điều hay lẽ phải, hun đúc lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh vì vận mệnh của giang sơn trong cơn nguy biến. Đã một thế kỷ trôi qua nhưng vẫn còn đó dấu chân của cậu bé Cung mê hát mỗi đêm theo phường đi nghe giọng đò đưa: “Tuổi ấu thơ Bác đã đi suốt chiều dài câu đò đưa/ Rồi từ ấy Bác tìm đường cứu nước non” (An Thuyên).
Cách quê nội 2 cây số là làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác Hồ. Cũng mái nhà tranh, bờ tre ruộng lúa nhưng sâu nặng trong trái tim Bác Hồ suốt cả cuộc đời vì đây là nơi Bác cất tiếng khóc chào đời. Vì thế sau nửa thế kỷ mới có dịp trở lại quê nhà vào năm 1961, Bác Hồ đã xúc động thốt lên: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Vẫn còn đó khung cửi dệt vải trong đêm trăng của người vợ đảm đang tảo tần, tiếng ru hời bên chiếc võng đong đưa của thân mẫu Hoàng Thị Loan đã nuôi dạy 3 người con khôn lớn trưởng thành. Từ chân rú Động Tranh theo 269 bậc phía bên phải là đến với phần mộ bà Hoàng Thị Loan, còn đi xuống bên trái thì theo 242 bậc, trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc tam cấp. Những con số này không hề vô tình mà thật sự có ý nghĩa khi được xây lên trong khu mộ. Ai cũng biết con số 69 là năm mất của Bác Hồ, con số 42 là năm cậu Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây. Con số 33 là tuổi đời của bà Hoàng Thị Loan. Mộ được xây dựng vào năm 1985 đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Bác Hồ. Sắc màu 2 cụm cây hoa giấy là sắc màu của 2 giống cây được đưa từ Huế (nơi mất của thân mẫu Hoàng Thị Loan) và từ Đồng Tháp (nơi yên nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) về đây cùng hội tụ. Bà là người mẹ Việt Nam tiêu biểu có công nuôi dạy nên những người con yêu nước như ông Cả Khiêm, chị Thanh và đặc biệt là cậu bé Cung sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về làng Sen thăm lại mái tranh quê Bác càng nhớ tới hình ảnh vị cha già kính yêu của dân tộc, mãi không quên công lao trọn đời cống hiến cho độc lập tự do của Tổ quốc của người con sinh ra trên mảnh đất địa linh nhân kiệt. Ngôi làng Kim Liên mang tên loài hoa “Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” muôn đời ngát hương sen, ngát thơm tên tuổi của Người. “Làng quen như thể quê chung vậy” (Tố Hữu), cảnh vật nơi đây đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp về không gian lịch sử văn hóa đặc sắc với niềm xúc động và tự hào của mỗi người dân Việt mỗi lần đến thăm như cảm thấy có hồn quê thân thương và sâu nặng nghĩa tình của mình trong đó.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)