Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Tháng 7 sẽ công bố sách trắng ICT Việt Nam 2010

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đưa sách trắng về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam hàng năm lên website chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp các tổ chức nghiên cứu nước ngoài tra cứu, cập nhật dữ liệu về ICT Việt Nam được chính xác và đầy đủ hơn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đã chia sẻ xung quanh vấn đề này.

* Thưa Thứ trưởng, có ý kiến cho rằng Việt Nam nên có báo cáo riêng về tôn trọng bản quyền phần mềm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

– Tình hình vi phạm bản quyền phần mềm: Thế giới thất thu 51 tỉ USD vì phần mềm lậu

– Ông Nguyễn Minh Hồng: Về nguyên tắc, Bộ chỉ thu thập số liệu thống kê phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Bộ, trong đó ưu tiên cho việc thu thập số liệu thống kê để phục vụ cho công tác xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành ICT phát triển.

Trên thực tế, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng phần mềm hợp lệ và trước mắt tập trung trong khối các cơ quan nhà nước.

Trong khuôn khổ các Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ các địa phương trong việc đẩy mạnh sử dụng phần mềm tự do nguồn mở, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc thay thế những phần mềm thương mại không có bản quyền bằng các phần mềm tự do nguồn mở đã đáp ứng được yêu cầu sử dụng của cơ quan nhà nước.

Bộ cũng đang tiến hành thu thập số liệu về tình hình sử dụng phần mềm có bản quyền trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ xem xét khả năng mở rộng quy mô thu thập số liệu việc sử dụng phần mềm có bản quyền của Việt Nam nếu thấy cần thiết.

* Thực tế cho thấy các tổ chức quốc tế khi điều tra về lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam đều sử dụng tư liệu cũ hoặc không có số liệu chính xác. Vậy Bộ có kế hoạch gì trong việc xây dựng bộ số liệu về công nghệ thông tin?

– Ông Nguyễn Minh Hồng: Không hẳn là tất cả các nghiên cứu và điều tra của các tổ chức nước ngoài đều sử dụng dữ liệu cũ, nhưng đúng là có nhiều báo cáo, nghiên cứu đã dựa trên những số liệu không cập nhật, không chính thức từ các cơ quan chức năng.

Bộ đang tiếp tục tiến hành cập nhật bộ chỉ số, thu thập số liệu để xây dựng Sách trắng về ICT Việt Nam năm 2010, dự kiến sẽ công bố vào trung tuần tháng 6-2010, chậm nhất là tháng 7-2010 để có được một bức tranh tổng thể về hiện trạng phát triển của ngành ICT Việt Nam như số lượng thuê bao 3G và doanh thu dịch vụ nội dung trên mạng di động; chỉ tiêu công nghệ thông tin, xuất nhập khẩu công nghệ thông tin…

Nội dung Sách trắng cũng sẽ được đăng tải công khai để phục vụ nhu cầu thông tin của các cá nhân, tổ chức quan tâm.

* BSA và IDC đã đưa ra số liệu về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam vẫn không mấy sáng sủa. Ý kiến của ông về vấn đề này?

– Ông Nguyễn Minh Hồng: Đây không phải là lần đầu tiên BSA công bố báo cáo đánh giá tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam. Tôi cho rằng đã có rất nhiều loại báo cáo nghiên cứu đánh giá về lĩnh vực ICT của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trên thế giới.

Nhìn chung, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín và những tập đoàn ICT hàng đầu trên thế giới, trong những năm qua, các chỉ số đánh giá về ngành ICT Việt Nam đều chuyển biến theo hướng tích cực.

Tôi muốn nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam luôn cam kết thực thi quyền sở hữu trí tuệ và sẽ tiếp tục có những hành động cụ thể để nâng cao hơn nữa tỷ lệ sử dụng phần mềm hợp lệ trong thời gian tới. Việc làm này là hoàn toàn độc lập và không bị ảnh hưởng gì từ số liệu do bất cứ cơ quan, tổ chức nào công bố.

* Ông đánh giá thế nào về kết quả nêu trong báo cáo của BSA và IDC cho rằng tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam vẫn ở mức 85% sau ba năm liên tiếp?

– Ông Nguyễn Minh Hồng: Trên thế giới, hàng năm, có rất nhiều các báo cáo nghiên cứu, đánh giá về lĩnh vực ICT. Các báo cáo này có thể do các doanh nghiệp, hiệp hội hoặc các tổ chức quốc tế thực hiện và công bố.

Các báo cáo này cũng có thể được thực hiện một cách độc lập, khách quan, nhằm cung cấp một cái nhìn tổng thể về hiện trạng phát triển ICT hoặc được thực hiện để phục vụ một mục đích nghiên cứu cụ thể nào đó.

Có lẽ, do tính chất đặc thù của mình nên BSA chỉ quan tâm tới tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm và có báo cáo chuyên biệt về tỷ lệ vi phạm bản quyền như đã được công bố.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy rằng trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã thực hiện mạnh mẽ các cam kết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ như hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ; tuyên truyền nâng cao nhận thức; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; tăng mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm bản quyền; mua bản quyền phần mềm; tăng cường sử dụng phần mềm tự do nguồn mở để thay thế những phần mềm đang sử dụng chưa có bản quyền hợp lệ…

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn toàn chia sẻ với ý kiến đánh giá của các chuyên gia và cộng đồng ICT Việt Nam khi cho rằng tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam phải có xu hướng giảm hơn so với những năm trước.

– Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo VietnamPlus

Bình luận (0)