Nhịp cầu sư phạmGương sáng

“Thắng bổ túc” vào đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Hai lần dở dang chuyện học hành, bước sang tuổi 23 Lê Xuân Thắng mới chạm chân tới giảng đường đại học. Nhờ kiên trì “vượt dốc”, cậu học trò nghèo nơi xóm núi cuối cùng đã đến được khung trời mơ ước.

Vừa học bổ túc vừa quần quật trên đồng, giờ Thắng vào Đại học An ninh nhân dân – Ảnh: T.Bình
Ba khuất núi khi Thắng học hết lớp 9, không đành lòng nhìn mẹ thân cò lam lũ lo cho năm đứa con ăn học, tự mình khép lại trang vở học trò, mở ra trang sách cuộc đời với những tháng ngày mướt mồ hôi cuốc đất, nhổ khoai, chăn bò, phát cỏ… Ba mất rồi, chiếc cuốc to nhất được xếp vào góc nhà, mẹ đem về cho Thắng chiếc cuốc nho nhỏ cho vừa sức vóc. Bạn bè đến nhà kể chuyện học trường huyện thật vui, đâu ai biết Thắng trong lòng rưng rức.

Rồi cái tin xã nghèo Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) mở lớp bổ túc THPT khiến Thắng và mẹ rộn rã đón chờ. Chuyện học xuôi chèo mát mái, đến hơn một năm sau đó Thắng nhận được giấy báo tòng quân. Và những giọt mồ hôi trên thao trường đã tôi luyện chàng trai quê thêm cứng cỏi. Ngày giã biệt đời lính, chàng binh nhì chia tay đồng đội với lời chào lạc quan “mình sẽ vào đại học”.

Lần thứ hai trong đời Thắng khởi động lại “nghiệp học” dở dang. Mấy năm ròng xa sách vở, trong Thắng ngọn lửa khát khao được học càng bùng lên dữ dội. Lớp bổ túc ở xã không còn, mỗi ngày Thắng cặm cụi đạp xe 13km ra tận thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) học.
Ngoài giờ học, Thắng lại lên rẫy, ra đồng phụ mẹ kiếm tiền lo cho chị và các em đi học xa. Nhà chỉ có dăm sào đất nên mẹ Thắng bảo tài sản lớn nhất của gia đình chính là sự học của mấy chị em. Năm 2007, mái ấm nơi xóm núi này được tuyên dương “Gia đình hiếu học”, điều đó làm Thắng thêm động lực.
Ba Thắng ngày xưa từng là một chiến sĩ công an nên giờ đây Thắng chọn học trường công an. “Quần quật ngoài đồng còn bữa đói bữa no thì lấy đâu ra tiền lên thành phố luyện thi”, Thắng giải thích về chuyện tự ôn luyện tại nhà. Nhưng điều đó không hề làm chàng trai xóm núi thiếu tự tin khi bước vào trường thi. Thắng đi thi, kết quả thi đại học 24,5 điểm khiến bạn bè học “trường bổ túc” đều phấn chấn.
Thắng tâm sự: “Mình nghèo thiệt nhưng không chấp nhận để cuộc sống xô đẩy đến đâu thì đến. Mình nghĩ muốn làm chủ cuộc đời thì phải có mục tiêu rõ ràng và kiên trì, nỗ lực vượt khó để đến đích”. Theo Thắng, mỗi người nếu biết nỗ lực tự thắp sáng cuộc đời mình thì sẽ được đền đáp xứng đáng.
THÁI BÌNH / TTO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)