Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thằng “công tử bột”

Tạp Chí Giáo Dục

Tết Mu Thân là gia năm hc 1967-1968, tôi hc lp đ ngũ. Ngh hè, tôi tr mt mình. Tía tôi nói tôi ln con quá, nhà ti lính đi rung (hành quân) mà thy trai tráng, không cn hi giy t, nó bt trói lin nên tôi luôn dưi tnh ch ngày tu trưng.


Th hc sinh ca tác gi

1. Cạnh nhà trọ, có mấy chú đi làm mướn. Tôi lân la hỏi thăm và muốn đi làm kiếm chút tiền. Chú Năm hỏi tôi: “Mày đào đất nổi hôn mà đòi đi theo tụi tao?”. Chú và hai người nữa đi chở đất. Tôi nghĩ chắc là làm nổi nên đi theo các chú. Ngày đầu, buổi trưa được cho ăn cơm rất ngon nhưng tối về thì mệt rã rời. Tôi cố gắng làm thêm 2 ngày nữa thì tối về bị nóng lạnh, tay chân bủn rủn. Chú Năm nói: “Thôi thằng “công tử bột”, mày làm không nổi đâu để từ từ tao tìm chuyện khác cho”. Chú cũng cho ít tiền 3 ngày làm đất.

Một tuần sau, chú Năm kêu tôi qua nhà nói: “Tao có người bạn muốn tìm người chạy xe ba bánh, mày biết chạy không để tao chỉ cho”. Tôi nhận lời liền. Buổi tối, chú dẫn tôi tới cái quán chuyên bỏ bia, nước ngọt. Chú Năm nói với bà chủ: “Thằng này là học trò, mùa hè nó không về nhà ở lại đi làm mướn, chị coi chỉ chuyện cho nó làm, nó hiền lành, nhà ở quê cũng khổ lắm”. Bà chủ trả lời: “Ừ, sáng mơi tới đây rồi tôi tính”. Sáng sớm, tôi tới quán. Suốt ngày bưng, khiêng rồi quét, dọn dẹp. Mấy hôm sau, bà chủ kêu tôi chở xá xị giao cho tiệm hủ tiếu gần bến xe. Tôi chất hàng lên xe rồi ngồi sau, đạp xe đi thấy cũng không nặng lắm. Tôi đang đạp ngon trớn thì một chiếc xe nhà binh chạy ngược chiều hơi nhanh, tôi quẹo vô lề để tránh thì đụng vô cây dầu bên đường. Chiếc xe ngã, tôi không sao nhưng nhiều chai xá xị bị bể, chảy nước tùm lum. Tôi mặt mày xanh lét, kéo xe về quán. Bà chủ thấy tôi, mặt hầm hầm kêu một anh đếm lại, thêm cho đủ rồi chở đi. Chiều, bà đưa tôi một mớ tiền công rồi nói: “Tao thấy mày đúng là “thằng công tử bột” chỉ biết quét nhà, sáng mơi hổng phải tới nữa, tiền công mấy ngày của mày đây”. Tôi chỉ còn biết dạ dạ. Như vậy là tôi bị đuổi rồi. Tôi về nhà kể cho chú Năm nghe. Chú cười hề hề: “Mày đúng là thằng “công tử bột” nhưng là bột cơm thiu, dở ẹt”.

2. Thất nghiệp. Tôi nghĩ ra một cách là đọc sách để đỡ buồn. Tôi xuống cửa hàng cho mướn sách ngang chợ Phú Vinh, đóng tiền thế chân. Quyển sách được ghi ngày mướn ở sau lưng trang bìa, khi trả coi theo đó mấy ngày là tính tiền nên tôi cố đọc cho hết sách sớm nhứt để tiết kiệm. Nhờ vậy mà suốt những năm trung học tôi đọc gần hết sách trong tiệm. Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết lãng mạn, tác phẩm giải Nobel, Tam quốc, Lương sơn bạc, Đông Chu liệt quốc, Hán Sở tranh hùng, đông tây kim cổ có trong tiệm sách đều được đưa vào bụng của anh học trò nghèo. Qua đó giúp tôi có thói quen đọc sách, mua sách rồi ghi thành một kỷ niệm. Nhớ lời thầy Nguyễn Tấn Hoài dạy tôi lớp nhất (lớp 5) tiểu học, tôi có một cuốn sổ ghi chép các đoạn văn tả cảnh, kể chuyện, độc thoại, các bài tường thuật thấy hay, các bài thơ sưu tầm trên báo hay tập thơ của các thi nhân tiền chiến để thỉnh thoảng đọc coi như làm vốn kiến thức văn học, sử ký. Nhờ vậy, tôi học văn thuộc loại giỏi trong lớp. Giờ học văn bao giờ cũng sôi nổi, hào hứng, nhất là khi thầy trả bài luận rồi nhận xét, bình bài làm của học sinh (HS). Giờ học, HS nêu ý kiến tranh luận với giáo sư. Các thầy cho HS nói theo nhận định và hiểu biết của mình mà không bị thầy đánh giá cho điểm. Giáo sư luôn có phần bình giảng làm cho học trò bị thuyết phục về kiến thức và kinh nghiệm sư phạm của thầy, cô. Cũng nhờ học khá môn văn, tôi được làm trưởng ban báo chí. Trường tổ chức thi báo tường, các bạn, các khối lớp có nhiều sáng kiến táo bạo bằng hình vẽ dùng màu sắc sinh động với bài viết hóm hỉnh, vui tươi của tuổi học trò. Đặc biệt là làm báo xuân, đây là dịp các cây bút tài năng có cơ hội “múa may” bằng truyện ngắn, tùy bút, thơ để bộc lộ cảm xúc, tình cảm một cách ngây thơ, hồn nhiên, cảm động với biết bao kỷ niệm, hoài bão, mơ ước lãng mạn dưới mái học đường… Có lẽ, đây cũng là duyên nghiệp mà lên đại học tôi chọn làm thầy giáo dạy văn.

3. Một tối, chú Năm kêu tôi qua hỏi có muốn đi làm mướn nữa không? Tôi trả lời: “Con làm cái gì cũng dở ẹt nên cũng ớn quá, sợ làm không nổi”. Chú nói: “Công chuyện này dễ lắm là làm phụ hồ…”. Sáng, tôi đi với chú xuống đường Tri Tân. Một đám thợ đang xây tường nhà. Chú dẫn tôi tới gặp ông cai, ông ngó tôi rồi nói: “Thôi được, mơi tới làm luôn, trưa tao cho ăn cơm, tiền công tính từng ngày, hết tuần trả một lượt”. Thế là tôi trở thành thợ hồ. Tôi làm một tuần thì được phát tiền lương. Tôi được cho nghỉ một ngày xả hơi rồi vô mần tiếp. Bác sếp coi thợ nói: “Mày thư sinh nên cho quét vôi trần nhà và kẻ chỉ”. Thế là tôi vác thang – loại thang 2 cái gập lại để đứng. Thùng vôi thì treo lơ lửng ở nấc thang. Quét xong trần phòng khách thì tới phần kẻ chỉ bằng nước sơn màu vàng. Tôi treo thùng sơn, dùng cọ kéo nhẹ nhàng, được một lúc tôi mỏi cổ và mệt, hai tay chới với, chân đạp trúng thùng sơn xuống nền nhà. Nước sơn văng tung tóe, tôi hoảng hồn đi tìm nùi giẻ lau cho sạch. Đang hì hục kì kì cọ cọ thì nghe tiếng kêu: “Trời ơi!”. Tôi muốn đứng tim. Khi quay lại thì thấy một cô bé chắc cỡ tuổi tôi, tay xách giỏ trợn mắt nhìn. “Ôi sao vậy?”, cô la lên, tôi nói nhỏ: “Vì lỡ chân nên thùng sơn rớt xuống đang lau nè”. Cô bé chạy đi tìm nùi giẻ lau phụ với tôi. Lau một hồi lâu cũng thấy sạch thì ông cai thợ xuất hiện. Ông la lên: “Chèn đất mẹ ơi! Chết tao rồi! Chắc tao cho mày bợp tai, tao dặn phải kỹ lưỡng mà nó như vầy nè”.

Tối hôm đó, không biết ông cai nói gì với chú Năm mà chú biểu tôi: “Mơi cho mày nghỉ luôn”. Ông đưa tiền công cho tôi, rồi ngó tôi thở dài, đúng là con nhà nghèo mà đi làm thì giống như thằng “công tử bột”.

4.Một lần nữa tôi thất nghiệp nhưng không sao. Mùa hè sắp hết. Tôi sắp đi học lên lớp đệ tứ rồi (lớp 9). Năm học này, tôi học bết bát lắm, các giáo sư cứ hỏi tôi sao học bết quá vậy. Vì các năm đệ thất, đệ lục tôi được lên bảng danh dự đứng thứ 4 toàn trường. Tôi lại ở trọ một mình, thiếu thốn đủ thứ nhưng tự do, không bị rầy la, nhắc nhở. May mà cuối năm tôi cũng đủ điểm lên lớp đệ tam…

Tôi thi đậu tú tài I lên lớp 12. Trường Trung học Vĩnh Bình có 4 lớp 12. HS đậu tú tài I trong tỉnh đều được nhận học chung. Lớp học có nhiều bạn mới. Thời tôi, học lớp 12 chuẩn bị thi tú tài II nên HS phải học dữ lắm nhưng cô cậu tú cũng điệu bộ. Một cô bạn bên trường bán công qua học chung tôi thấy quen quen. Bọn tôi một nhóm hay đi chơi chung, học chung. Cô rủ cả bọn về nhà cô ăn cơm. Đến nhà, tôi bật ngửa ra, đó là ngôi nhà ngày xưa có anh thợ hồ gặp con gái chủ nhà. Tôi thấy mắc cỡ, không dám nhắc, mà cô cũng quên thằng thợ hồ làm đổ nước sơn. Cô không nhớ, tôi thì không nhắc.

Tôi thi đậu tú tài II lên Sài Gòn học, từ đó chưa lần nào gặp lại cô.

Lê Ngc Đip

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)