Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thang điểm kiểm tra y tế trường học: “Làm khó” các trường!

Tạp Chí Giáo Dục

Với thang điểm mới, cán bộ y tế trường học sẽ bị quá tải

“Nếu hôm nay có trường học ở đây, chắc chắn các trường sẽ phản đối xung quanh thang điểm kiểm tra y tế trường học năm học 2009-2010. Chúng ta cứ đặt ra nhiều vấn đề rồi đẩy xuống các trường mà không tìm hiểu thực tế ở trường như thế nào”, bà Lê Thị Lan – Phó phòng GD-ĐT Q.1 bức xúc. Và đây cũng là tâm tư của hầu hết các phòng GD-ĐT quận, huyện tại Hội nghị triển khai thang điểm đánh giá y tế trường học năm học 2009-2010 được tổ chức tại Sở Y tế chiều 2-12.
Trường học không phải là… bệnh viện
So với những năm học trước, thang điểm kiểm tra y tế trường học năm học 2009-2010 có nhiều nét mới. Đặc biệt có thêm 4 nội dung mới, đó là công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, chương trình phòng chống dịch bệnh, chương trình dinh dưỡng và chương trình phòng chống HIV/AIDS. 
Theo đó, các trường muốn “ăn điểm” ở nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe, bắt buộc phải tuyên truyền về tất cả các loại bệnh từ bệnh học đường đến bệnh truyền nhiễm tới học sinh. Ở đâu trong khuôn viên nhà trường có thể treo tranh ảnh, panô, áp phích tuyên truyền về dịch bệnh thì ở đó phải được trưng dụng để treo. Bởi, chỉ cần một vài áp phích, tranh ảnh tuyên truyền vì một lý do khách quan hay chủ quan mà bị bỏ vào kho thì lập tức nhà trường sẽ bị trừ điểm.
Ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP đã từng khẳng định rằng, thật khó để bảo đảm trong trường không có dịch bệnh. Thế nhưng ở nội dung phòng chống dịch bệnh của thang điểm lại nêu: nếu trong trường có dịch bệnh, mà nguyên nhân do trường học hoặc trường học không ghi nhận, không báo cáo, không có biện pháp xử lý dịch thì bị trừ 2 điểm. Rõ ràng những người soạn ra thang điểm này đang cố tình làm khó trường học.
Về vấn đề này, đại diện Phòng Y tế Q.1 cho rằng: “Một năm có biết bao nhiêu dịch bệnh xảy ra, trong khi đó môi trường học đường rất dễ lây nhiễm. Một học sinh bị bệnh từ nhà đem vào trường có thể lây cho nhiều bạn trong lớp, trong trường. Nếu cứ có từ 2 học sinh trở lên cùng mắc một loại bệnh (gọi là ổ dịch) mà trừ 2 điểm thì nhà trường sẽ không còn điểm để trừ. Do đó, chúng ta cần điều chỉnh lại phần này”.
Còn ở nội dung phòng chống HIV/AIDS, yêu cầu mỗi lớp học ở trường mầm non, tiểu học phải có một túi sơ cấp cứu nếu trong trường có trẻ nhiễm hoặc nghi nhiễm theo học. Yêu cầu này hoàn toàn không khả thi, vì trong một phòng học đã có quá nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy như ti vi, đầu máy, máy vi tính, đồ chơi… Mặt khác, giáo viên cũng không phải là bác sĩ nên không rành cầm bông băng, kim tiêm mà chỉ giỏi cầm phấn. “Xin đừng biến trường học thành… bệnh viện đa khoa”, một cán bộ ở Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình bức xúc.
Ngành y tế “chia việc”… cho trường học
Mặc dù thang điểm kiểm tra y tế trường học là do liên Sở Y tế và Sở GD-ĐT TP cùng soạn thảo. Tuy nhiên, theo một cán bộ Sở GD-ĐT thì việc soạn thảo này hoàn toàn do Sở Y tế và các bệnh viện thực hiện. Sau khi soạn xong mới đưa cho Sở GD-ĐT xem xét, lúc đó bên giáo dục đã yêu cầu điều chỉnh nhưng… rốt cuộc vẫn vậy.
Quả đúng như vậy. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe là do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế TP) soạn thảo; nội dung môi trường – nước, phòng chống dịch bệnh… do Trung tâm Y tế dự phòng TP soạn thảo; còn nội dung an toàn vệ sinh thực phẩm là của Phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế TP thực hiện; chương trình nha, mắt, dinh dưỡng là của Bệnh viện Răng hàm mặt, Bệnh viện Mắt và Trung tâm Dinh dưỡng TP. Cuối cùng là chương trình phòng chống HIV/AIDS là do Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP soạn… Và đương nhiên, mỗi khi “lên thang điểm”, từ Sở Y tế đến các bệnh viện đều cố gắng “chia bớt gánh nặng” cho trường học.
Bằng chứng là ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Trưởng phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế đã nói: “Nếu trường học để xảy ra ngộ độc thực phẩm, ngành y tế cũng bị ủy ban khiển trách. Vì vậy, phải trừ điểm nặng đối với những trường để xảy ra ngộ độc thực phẩm”.
Tuy nhiên, ông Hòa đã quên rằng mấy năm trở lại đây tất cả các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường học đều có nguyên nhân từ bên ngoài đưa vào. Chẳng hạn như nhà trường đặt suất công nghiệp cho học sinh ăn trưa, đặt sữa chua bên ngoài cho học sinh ăn xế, mua bánh bông lan cho học sinh ăn sáng… Và đương nhiên tất cả những cơ sở này đều có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Y tế TP cấp.
Thực tế hiện nay là ngành giáo dục rất sợ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học. “Mỗi bữa trưa, bê chén cơm lên ăn, chúng tôi rất lo sợ. Bởi cùng ăn trưa với chúng tôi là hơn nửa triệu học sinh bán trú đang ăn tại trường”, ông Lê Hồng Sơn – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết.
Từ thực tế trên, ông Sơn đề nghị Sở Y tế cần loại bỏ những chi tiết chuyên môn, chưa hợp lý trong thang điểm kiểm tra y tế trường học. Việc chấm điểm cần phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng trường. Trường học đang thiếu cán bộ y tế, thiếu kinh phí chăm sóc sức khỏe cho học sinh, vì vậy ngành y tế không nên gây quá tải cho các trường…
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)