Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thăng Long – Hà Nội: Miền đất tâm linh của người Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Tương truyền, vào năm 1010 khi vua Lý Công Uẩn rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên đã đặt tên kinh đô mới là Thăng Long, hay "rồng bay lên" theo nghĩa Hán Việt. Trải qua bao thế hệ cũng như những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, vùng đất Thăng Long ấy đã in sâu vào trong tâm trí của từng người dân Việt như một vùng đất tâm linh của dân tộc…
Năm 2010 – năm kỷ niệm 1 thiên niên kỷ của Thăng Long – Hà Nội, triệu triệu người dân Việt khắp cả nước nô nức tổ chức những hoạt động mừng đại lễ ngàn năm văn hiến, kính nhớ tổ tiên. Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ đã từng viết: Từ thuở mang gươm đi mở cõi / Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. Thương nhớ Thăng Long tức là thương nhớ quê cha đất tổ. Đó là nơi còn lưu lại mồ mả của ông cha, là nơi còn đọng lại những tình cảm sâu sắc giữa những con người đã trải qua bao đời đoàn kết gắn bó với nhau để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp nối những bài viết về những thắng cảnh Hoàng thành Thăng Long của tác giả Huỳnh Uy Dũng, kỳ này Báo Giáo dục TP.HCM xin tiếp tục giới thiệu với bạn đọc một bản trường ca hào hùng về lịch sử dân tộc qua cái nhìn của tác giả Huỳnh Uy Dũng – Trường ca Thăng Long, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
 
TRƯỜNG CA THĂNG LONG
 
      …Bốn tên giặc hung hăng lớn lối
          Nó làm tình làm tội nhân sinh
                   Khiến nhân dân nước Việt mình
Suốt ngàn năm bận chiến chinh không ngừng
 
          Cuộc chiến đấu vô cùng vinh hiển
          Cuộc trường kì kháng chiến vô song (120)
                   Tự ngàn năm đất Thăng Long
Vẫn vươn mây vượt cổ rồng tâm linh
 
          Với năm móng tượng hình năm đức
          Một là Nhân: tâm thức vị tha
                   Năm châu bốn biển một nhà
Thương người như thể thương ta đại đồng
 
          Hai là Nghĩa: thủy chung như nhất
          Đó là điều chi rất con người
                   Sắc son không đổi không dời
Quang minh như thể mặt trời mặt trăng(130)
 
          Ba là Lễ: đạo hằng giữ mối
          Có đầu đuôi, trên dưới, trước sau
                   Lễ nghi trang điểm địa cầu
Kỷ cương khéo dựng ngõ hầu văn minh
 
          Bốn là Trí: chí linh, chí diệu
          Giúp con người thấu hiểu uyên nguyên
                   Tới lui đúng lẽ kinh nguyền
Ở ăn khế hợp với thiên lương này
 
          Năm là Tín: lời hay lẽ thật
          Nói một lời là thật một lời (140)
                   Tín ngôn, tín ngữ tuyệt vời
Tín tâm, tín đức, đạo người Phương Đông
         
          Ôi! Năm móng tượng rồng Âu Lạc
          Thăng Long thành bát ngát Văn Lang
                   Nắng soi năm móng rực vàng
Tự trong bản chất vốn đang là mình
          Thiên nhân địa khéo linh, khéo ứng
          Vận sơn hà khéo chứng khéo tri
                   “Chiếu Dời Đô” viết một khi
Xe dời đô chuyển một khi lên đường(150)
         
          Thì “Rồng Việt” còn đương say giấc
          Trong sâu lòng mạch đất anh linh
                   Chợt nghe tiếng gọi đăng trình
Của vua Lý gọi dân mình dời đô
 
          Bèn thức giấc đương cơ thị hiện
          Bay vượt lên uyển chuyển tầng xanh
                   Tượng hồn Lạc Việt tinh anh
Tượng tâm Lạc Việt chí thành thiên thu
          Dấu ấn cuộc dời đô như thế
          Mở ra chiều: cao; kế; sâu; xa (160)
                   Cao, vì nối với bao la
Sâu, vì nối với hải hà thâm uyên
 
          Và xa! Tới vô biên vô tận
          Đi tới hoài những dấn thân kia!
                   Không dừng bước lại mà chi
Cứ ôn cố () thế để tri tân hoài
         
          Ôi! Những bước hoằng khai trí tuệ
          Mở đường lên diệu đế tâm linh
                   Từ Thăng Long Đại La Kinh
Mà nam thiên nhất trụ hình thành sen!(170)
 
          Đất nước trải nhiều phen đổi họ
          Lý qua Trần, Trần nọ qua Lê
                   Dù bao biến dịch dường kia
Thăng Long vẫn vững lời thề nước non
 
          Sông Nhị đó vững tròn viên nguyệt
          Núi Nùng kia vẫn biếc thanh vân
                   Bao đời linh địa kiệt nhân
Võ công văn nghiệp mười phân vẹn mười
 
          Lý Thái Tổ hoằng khai Công Uẩn
          Dựng hoàng thành, mưu trấn Bắc Phương(180)
                   Tam Rùng thành quách biên cương
Vòng Ngoài, Vòng Giữa dựng phường phố dân
 
          Vòng Ba- hoặc Vòng Trong- cấm địa
          Là nơi dành cho Lý hoàng gia
                   Thành khai bốn cửa vào ra
Đông tây nam bắc hợp hòa tứ phương
          Qua bao cuộc tang thương biến đổi
          Cung điện xưa còn mỗi dư âm
                   Trong trang lịch sử âm thầm
Điện Càn Nguyên dựng trang tâm núi Nùng(190)
 
          Bên điện Tập Hiền cùng Giảng Vũ
          Vọng một thời cẩm tú triều dương
                   Cũng vì vụ “Loạn Tam Vương” ()
Mà bao cung điện khai sơn điêu tàn
         
          Để, qua năm một ngàn hai chín(1029)
          Thăng Long Thành nhất điện trùng tu
                   Trên nền điện Kính Thiên xưa
Dựng Thiên An điện nơi vua thiết triều
 
          Bao cung điện sớm chiều dựng lại
          Tỏa tinh thần phong thái Văn Lang(200)
                   Hàng hàng lầu các phong quang
Lại thêm miếu bạc chùa vàng nguy nga
 
          Thăng Long mới Đại La thành cũ
          Nơi tàng long ngọa hổ ngàn năm
                   Trong veo một bóng trăng rằm
Cho bài thơ tuổi mười lăm ngọc ngà
 
          Ngoài cung điện nghìn tòa kiến trúc
          Thăng Long thành còn vút thăng hoa
                   Một nền văn hóa nguy nga
Với trang sử Lý triều qua Trần triều(210)
 
          Với những trang “Thần Chiêu” thắng sử
          Khi Thăng Long đem chữ Tâm Kinh
                   Là nguồn sức mạnh Tâm Linh
Dẹp tan Mông Cổ trường chinh địa cầu
 
          Quân Mông Cổ đánh đâu thắng đó
          Cả địa cầu dưới vó Hung Nô
                   Chỉ riêng mỗi một cơ đồ
Hãy còn đứng vững: kinh đô đại hùng
 
          Kinh đô của vua Trần uy vũ
          Trần Nhân Tông Điều Ngự Giác Hoàng(220)
                   Vị vua Hoạt Phật trần gian
Hiện thân Bi, Trí, Dũng Nam Phương này
          Nhớ thuở nọ, cách đây sáu kỷ
          Cõi Thăng Long hội nghị Diên Hồng
                   Tinh thần dân chủ phương đông
Tinh thần bình đẳng sắc không Phật Đà
 
          Tinh thần lấy muôn nhà làm một
          Lấy muôn dân làm cột làm rường
                   Lấy Phật tính làm quê hương
Kết nên một khối kim cương Đại Hùng (230)…
NĐ (thực hiện)
(còn tiếp)

Bình luận (0)