Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thắng mà buồn mới lạ!

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

(minh họa: Khều)Một trong những đặc tính của cuộc sống được tiếng văn minh trong thiên niên kỷ mới dường như là tính chất nghịch lý. Lạ một điều là cuộc sống càng đầy đủ điều kiện vật chất càng có nhiều chuyện tréo cẳng ngỗng.

Bằng chứng là nếu trầm cảm hầu như xa lạ với cư dân ở châu Âu, ngay cả trong suốt Thế chiến thứ 2, thì căn bệnh này hiện nay lại đang là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng ở nhiều nước phương Tây, nơi đã từ lâu no cơm ấm áo!

Trầm cảm thậm chí là một trong những căn bệnh có tiến độ phát tán cao nhất ở Mỹ trong thập niên vừa qua, nơi xưa nay nổi tiếng với nếp sống khó buồn vì lúc nào cũng tranh đua quyết liệt! Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không thể vô cớ bỗng xếp trầm cảm vào vị trí hàng đầu của nhóm bệnh chứng đáng lo của thế kỷ 21!

Tại sao? Tai hại đến mức nào? Những điều đó vẫn còn trong vòng tranh cãi. Nhưng có một điều chắc hơn đinh đóng cột, đó là trầm uất, dù có lý do hay vô cớ, gắn liền mật thiết với tình trạng mệt mỏi của gia chủ.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, trầm cảm là hậu quả của tình trạng “hết pin” thường gặp trong hội chứng mệt mỏi kinh niên (chronic fatigue syndrome), hội chứng quản đốc (manager syndrome), hội chứng cháy sạch (burnout syndrome)…? Nói cách khác, trầm cảm dễ là bạn đồng hành của giới doanh nhân.

Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu đáng tin cậy, trầm cảm không bao giờ là chuyện xảy ra tức thì. Trái lại, bệnh phải âm thầm nhen nhúm trước đó rất lâu.

Tùy theo sức chịu đựng của mỗi đối tượng cá biệt mà bệnh bộc phát sớm hay muộn, sau khi tình trạng mệt mỏi của gia chủ bước vào giai đoạn rõ rệt.

Gần đây, nhờ các mô hình thực nghiệm với phương tiện đo đạc chính xác, chuyên gia khoa thần kinh đã phát hiện dấu hiệu thiểu năng tuần hoàn não, cũng như thương tổn ở nhiều vùng trên não bộ của người suy nhược thần kinh vì công việc, vì mâu thuẫn trong gia đình… Một số nhà nghiên cứu dựa vào đó đã giả định trầm uất sở dĩ thành hình là do dẫn truyền giữa các trung khu thần kinh bị nhiễu loạn. Nói nôm na hơn, là do “mát dây”!

Điều này hoàn toàn hợp lý vì hệ miễn dịch và hệ thần kinh bao giờ cũng hoạt động trong thế cộng hưởng. Tín hiệu thần kinh dưới dạng nào cũng thế, dù là hình ảnh, âm thanh hay cảm xúc, một khi không được dẫn truyền đến nơi đến chốn, hay tuy về được đến đích, nhưng lại không được diễn dịch chính xác, chẳng hạn vì cơ thể cạn kiệt năng lượng do quá mỏi mệt, thì không những nhiều chức năng của cơ thể đành chịu cảnh đo ván rất sớm, mà khả năng tư duy cũng rơi vào cảnh rối như tơ vò. Hậu quả là trầm cảm, biểu tượng điển hình của ngọn đèn dầu leo lét trước gió, không mời cũng đến!

Không chỉ có thế! Sau khi đúc kết một công trình nghiên cứu dài hạn ở Đức, người ta càng nghi vấn nhiều hơn về phản ứng sai lệch của hệ miễn dịch, qua đó cơ thể bỗng tự tổng hợp nhiều loại kháng thể méo mó về mặt cấu trúc nên không giữ được khả năng kháng bệnh như mong muốn. Các thành phần này ngoài chuyện vô tích sự lại còn nhanh nhẩu đoảng theo kiểu “gà nhà bôi mặt đá nhau” bằng cách trở mặt tấn công ngay hệ thần kinh trung ương và gây rối loạn dẫn truyền thần kinh khiến nạn nhân sau đó phải khổ thêm vì bệnh trầm cảm!

Giả thuyết này càng lúc càng đứng vững từ khi người ta phát hiện trong huyết thanh của người bệnh có sự hiện diện của một số kháng thể có tác dụng gây trầm uất. Đi xa hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã xác minh được tác dụng của các thành phần này. Chính vì chúng mà serotonin, nội tiết tố cần thiết cho giấc ngũ yên bình, bị vô hiệu hóa!

Thiếu serotonin, hay nói đúng hơn, có serotonin cũng như không vì mất hoạt tính, thì gia chủ không chỉ mất ngủ mà lực lượng phòng vệ của cơ thể cũng mất khả năng nhạy bén. Chẳng những thế, serotonin đồng thời ảnh hưởng trên nhiều chức năng khác như huyết áp, hô hấp, tiêu hóa, sinh dục…

Không lạ gì khi người bệnh trầm cảm nếu không cao huyết áp thì cũng hụt hơi, biếng ăn, liệt dương hay lãnh cảm. Tất cả chỉ vì cơ thể cạn sạch nguồn năng lượng dự trữ nên phản ứng sai lầm theo kiểu “thắt lưng buộc bụng” đến độ tự phong bế các nội tiết tố cần thiết cho chất lượng của cuộc sống.

Chưa biết mệt mỏi dẫn đến trầm cảm hay ngược lại? Đó là chuyện “lo bò trắng răng” của các nhà nghiên cứu. Với người bệnh thì đơn giản hơn nhiều. Đó là nếu chưa bệnh thì làm sao để đừng bị bệnh, và nếu đã bệnh thì làm thế nào mau khỏi?, vì trầm cảm và mệt mỏi đều là yếu tố khiến hết khỏe, hết đẹp.

Khỏi nói dông dài cũng hiểu ngay là đẹp gì nổi nếu cứ mất ngủ, buồn bã, ưu tư, biếng ăn… Trầm cảm vì thế cần được phát hiện càng sớm càng tốt và điều trị càng rốt ráo càng hay để chuyện nhỏ đừng xé ra to một cách oan uổng.

Không quá khó, nếu thầy thuốc chữa bệnh trầm cảm đừng quá tập trung vào dấu hiệu thực thể rồi quên từng tâm trạng cá biệt của người bệnh. Hay hơn nữa là khi thầy thuốc tầm soát nguyên nhân dẫn đến tình trạng “hết pin” của người bệnh như biện pháp phòng ngừa bệnh trầm cảm.

Mặt khác, thầy thuốc mát tay là nhà điều trị biết cách mượn ngay trạng thái tâm thần của người bệnh làm tiêu chí đánh giá hiệu quả của liệu pháp. Chữa bệnh nào cũng thế, theo kiểu nào cũng vậy, nếu người bệnh càng lúc càng buồn hơn, thì đó là dấu hiệu cho thấy nên liệu cách mà đổi thầy thay thuốc.

Cái khó trong toàn bộ vấn đề chính là ở chỗ đa số nạn nhân của bệnh trầm cảm là người thành đạt! Ai chưa tin xin thử làm thống kê trong giới doanh nhân. Nhiều người kể bệnh mà không ai tin! Đó là chưa kể đến số người biết rõ đã bệnh nhưng không đủ thành thật với chính mình!

Người bệnh vì thế càng lúc càng cô đơn! Tại sao lại thế? Tại sao lại buồn sau khi gặt hái thành quả như mong muốn? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ cho các nhà nghiên cứu.

Theo tôi, lý do đơn giản hơn nhiều. Vì nghịch lý là một phần cá tính của con người.

BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG – Trung tâm Oxy cao áp TPHCM (TBKTSG)

 

 

Bình luận (0)