Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thắng và thua

Tạp Chí Giáo Dục

Trong kinh doanh hay trong cuộc sống người ta nhắc đến nguyên tắc win-win như một triết lý cho một công việc kinh doanh. Nguyên tắc này được hiểu nôm na là “cả hai đều thắng”. Điều này có nghĩa nếu anh có lợi thì tôi cũng có lợi. Lĩnh vực giáo dục cũng không nằm ngoài nguyên tắc ấy.
Thế nhưng, giáo dục ở VN, đặc biệt là giáo dục đại học ngoài công lập, đang có điểm khác biệt. Trong hệ thống giáo dục ngoài công lập, trong mối quan hệ nhà trường – học sinh còn có một bên trung gian là giảng viên. Đúng ra trường và giảng viên là một. Tuy nhiên, do các trường đại học ngoài công lập hiện nay hầu như không có đội ngũ giảng viên cơ hữu mà hầu hết là giảng viên thỉnh giảng, vì vậy tại các trường đại học ngoài công lập hình thành mối quan hệ giữa ba đối tượng: trường đại học (những nhà đầu tư) – thầy giáo (giảng viên thỉnh giảng) – sinh viên. Đó là quan hệ của một trường thuê giảng viên và trả tiền cho giảng viên dạy lại cho sinh viên.
Mục tiêu chính của các trường dân lập giống như một doanh nghiệp và hầu như họ đều đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Để xây dựng một lực lượng giảng viên cơ hữu thì chi phí rất cao và khá khó khăn, trong khi việc thuê các giảng viên thỉnh giảng dễ dàng hơn và ít tốn chi phí. Bên cạnh đó để tiết kiệm chi phí, các trường lại có chiến lược xây dựng lớp đông sinh viên. Ở nhiều trường, chuyện lớp học có vài trăm sinh viên là bình thường. Phòng ốc tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu, lớp học đông làm cho chất lượng và không khí học tập giảm hẳn.
Đối với giảng viên, hiện nay họ chạy sô quá nhiều dẫn đến chất lượng giảng dạy thấp. Giảng viên cũng có lý của mình là nếu không chạy sô thì làm sao sống được với đồng lương nhà nước hiện nay. Giảng viên lên lớp trễ giờ, thường xuyên cho lớp nghỉ dẫn đến hậu quả là cả lớp đều “qua” môn học.
Trong cuộc chơi này, sinh viên tưởng mình thắng nhưng thực tế là không. Tâm lý của không ít sinh viên là học sao cho “qua” các môn để có tấm bằng tốt nghiệp. Trong thực tế trường, giảng viên như thế, sinh viên dễ dàng được “tạo điều kiện”. Riêng một số sinh viên thật sự muốn học cũng không có môi trường. Nó như một cái vòng luẩn quẩn không biết khi nào dừng. Hằng năm có biết bao sinh viên tốt nghiệp nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội và đó là một vấn đề lớn của ngành giáo dục Việt.
Theo NGUYỄN ĐÔNG TRIỀU
(TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)