Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thanh âm truyền thống, tiếng vọng cội nguồn

Tạp Chí Giáo Dục

Bằng những cách thực hành và lan tỏa khác nhau, tiếng trống chầu hát bội, một điệu đờn tài tử vẫn vang lên giữa nhịp sống đương thời tại TPHCM như niềm kiêu hãnh chứng minh sức sống và giá trị của nghệ thuật truyền thống, dân gian dân tộc. Trong quá trình hội nhập và những làn sóng tiếp biến văn hóa, bản sắc Việt vẫn có riêng những màu sắc, thanh âm mang hơi thở cội nguồn ngàn xưa.

Vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực trình diễn trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TPHCM, thu hút đông đảo khán giả quan tâm

Vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực trình diễn trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TPHCM, thu hút đông đảo khán giả quan tâm

1. “Đây là mặt nạ sắm tuồng phải không?”, giọng cô bạn đến từ Pháp mới học tiếng Việt nghe lơ lớ. Nguyễn Ngọc Diễm (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bắt đầu giải thích về hát bội cho cô bạn người nước ngoài. Hơn 2 năm xa nhà vì dịch Covid-19, sau những ngày nghỉ lễ 2-9, Ngọc Diễm cùng người bạn đến từ Pháp tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại TPHCM. 

“Trong chương trình thạc sĩ của bạn tôi có nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống ở châu Á và bạn chọn tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nên tôi đưa bạn ra đây. Hai năm kẹt dịch ở Pháp, đi một vòng thành phố, nhiều thứ mới mẻ, được nghe tiếng trống chầu hát bội tự nhiên thấy hay, thấy thương ghê. Cảm giác đúng là quê nhà của mình rồi, chứ nhạc trẻ thì ở nước ngoài, chúng tôi xem rất nhiều, nghệ sĩ hát bội, vẽ mặt, sắm tuồng như vầy chỉ có Việt Nam mình thôi”, Ngọc Diễm chia sẻ.

Trong khuôn viên đền Hùng (Bảo tàng Lịch sử TPHCM), tiếng trống chầu vang lên mỗi sáng chủ nhật, buổi biểu diễn hát bội với những tuồng xưa tích cũ dần chinh phục lớp khán giả gen Z.

Ở lại đến cuối buổi diễn để xem trích đoạn Phàn Định Công đề cơ (tuồng San Hậu), Huỳnh Kim Đức (22 tuổi, ngụ quận 6) chia sẻ: “Tôi thích tuồng San Hậu, nhưng trước đây chỉ được xem những đoạn trích nhỏ trên mạng thôi, coi lịch biểu diễn của đoàn hát biết hôm nay có trích đoạn của tuồng này nên tôi tranh thủ ra đây. Hát bội hình thành cách chúng ta phải tính hàng trăm năm, nên cũng có những điển tích tôi chưa hiểu, nhưng hễ nghe tiếng trống chầu, một câu hát là nghệ sĩ ra bộ, tự nhiên mình cảm nhận nó hay và đặc sắc lắm”. 

“Buổi biểu diễn trong thành phố, ở đền Hùng hay dịp lễ lớn, đoàn hát biểu diễn khắp mấy quận huyện ngoại thành, khán giả ở lại coi tới cuối buổi, có mưa họ cũng nán lại với đoàn. Nhiều bạn trẻ tới xem lắm, có chỗ nào chưa hiểu về cách vẽ mặt, ra bộ… chờ nghệ sĩ diễn xong là các bạn hỏi thêm liền”, anh Nguyễn Thanh Bình (Phó Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM) chia sẻ.

2. Giữa những thanh âm nhộn nhịp của phố phường, nghệ thuật đường phố muôn hình muôn vẻ sôi động, bất chợt một tiếng đờn tài tử khiến người ta bị cuốn hút, nhịp sống phương Nam làm sao không kể đến đờn ca tài tử hay sân khấu cải lương. 

Tiếng đờn, điệu lý vang lên không theo hẹn ước hay một chương trình định kỳ nào, có thể thực hành trong không gian trường học, Ngày hội Văn hóa đọc của thành phố, phố đi bộ, chợ hoa xuân “trên bến dưới thuyền”… Sinh hoạt đờn ca không câu nệ không gian hay đòi hỏi tính ước lệ sân khấu, tiếng đờn câu hát cất lên như bản sắc vốn có của phương Nam, như hơi thở của nhịp sống thường ngày mà không phải đợi chờ tiếng vỗ tay hay lời tán dương.

Sau phần lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Khai hạ – Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, ban đờn, người ca bắt đầu chuẩn bị bài bản. Khách viếng Lăng Ông, người vội lướt qua, người nán lại nghe, nghệ nhân vẫn say sưa từng điệu đờn tài tử, lời ca ngân nga cùng điệu Nam xuân, Nam ai, Ngũ đối hạ…

Nghệ nhân Phương Hậu (CLB Đờn ca tài tử thuộc Trung tâm Văn hóa TPHCM) chia sẻ: “Gia đình tôi truyền thống theo đờn ca tài tử, ba tôi dạy lại cho tôi. Đờn ca mà, ở đâu cũng hát được thôi, đâu có câu nệ gì chuyện sân khấu lớn hay nhỏ. Khán giả bây giờ vẫn còn nhiều người thích đờn ca lắm, có người còn thuộc lòng bài bản tổ luôn. Tôi cũng tham gia nhiều chương trình đờn ca tài tử ở thành phố mình, nhiều bạn trẻ bây giờ cũng tìm hiểu đờn ca, hỏi về bài bản tổ, có bạn chụp hình từng thành viên ban đờn, người ca rồi gửi tặng lại, thấy vui lắm”.

Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ở đô thị nhộn nhịp và đón nhận những làn sóng văn hóa mới hàng ngày, hàng giờ như TPHCM, đờn ca tài tử dẩu mộc mạc vẫn có riêng một vị trí, một sức sống của di sản trăm năm. 

Ông Phạm Thái Bình (Trưởng Phòng Văn hóa dân gian – Trung tâm Văn hóa TPHCM) chia sẻ: “TP Thủ Đức và các quận huyện, thuộc TPHCM đều có câu lạc bộ sinh hoạt đờn ca, tùy mỗi nơi mà họ thực hành đờn ca với nhau thường xuyên hay theo dịp lễ tết. Không phải nơi nào câu lạc bộ đờn ca cũng quy mô như nhau, nhưng sức sống vẫn còn duy trì, nhiều địa phương có truyền thống lâu đời, nên câu lạc bộ của họ sinh hoạt thường xuyên và có nhiều nghệ nhân được xét tặng danh hiệu. Khán giả trẻ bây giờ vẫn có những bạn mê đờn ca lắm, những chương trình ở trường học hay biểu diễn ở phố đi bộ, tôi gặp các bạn trẻ theo dõi chăm chú, dù không biết ca nhưng các bạn tìm hiểu rất kỹ để nghe và cảm nhận cái hay của tài tử”.

“Lớp trẻ bây giờ không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống”. Lo lắng này ít nhiều cũng có cơ sở. Nhưng buổi sáng chủ nhật, ở sân đền Hùng (Bảo tàng Lịch sử TPHCM), trong lớp khán giả xúm xít coi nghệ sĩ vẽ mặt, nhiều người tỉ mỉ xem cho rõ từng mặt nạ tuồng, tiếng vỗ tay rần rần sau mỗi tiết mục, phần lớn là lớp trẻ mà người ta hay gọi là gen Y, gen Z…

Theo Kim Loan/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)