Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thành, bại từ nhân vật trong phim

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân vật trong phim là sợi dây gắn kết 3 yếu tố quan trọng làm nên thành công mỗi tác phẩm: kịch bản, công tác đạo diễn và diễn xuất. Nhân vật làm cho khán giả không ghét đã khó; làm cho họ tin, khó hơn gấp bội.

Muôn màu

Trong chuỗi hoạt động giao lưu quảng bá phim Vong nhi (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường), điều hạnh phúc nhất với ê kíp làm phim là khán giả không gọi tên thật của các diễn viên như Lê Phương, Quốc Huy, Hạnh Thúy, Lê Trang…, thay vào đó, họ gọi tên nhân vật gồm Thảo, Tùng, Nụ… Việc khán giả nhớ mặt, đặt tên các vai diễn không còn xa lạ. Trên màn ảnh rộng thời gian gần đây, người ta biết đến một “bà ngoại xì tin” của NSND Ngọc Giàu (Nhà bà Nữ); “ác nữ có khuôn mặt ngây thơ” của Kaity Nguyễn (Cô gái từ quá khứ); Thanh Sói – Đồng Ánh Quỳnh, hay Dì Lin – Ngô Thanh Vân (Thanh Sói); “chàng Trịnh” – Avin Lu, hay Dao Ánh – Hoàng Hà (Em và Trịnh); thầy bùa Huỳnh – Quang Tuấn (Thất sơn tâm linh)… Đó đều là những vai diễn để lại nhiều ấn tượng với công chúng thông qua diễn xuất nhập tâm của diễn viên. Trên màn ảnh nhỏ, khán giả cũng nhớ đến Mô Gù – Thái Hòa (Mẹ rơm); bà Diễm – Ngọc Lan (Mặt nạ gương); bà Nga – NSƯT Thanh Quý (Thương ngày nắng về); cậu Hai Lương – Bạch Công Khanh (Duyên kiếp)…

Thành, bại từ nhân vật trong phim ảnh 1

Khán giả giao lưu với dàn diễn viên trong phim Vong nhi. Ảnh: ĐPCC

Theo biên kịch Ngọc Khanh, thay vì cố chạy theo câu chuyện và nhân vật mới, nhà làm phim hãy cố gắng tìm chi tiết để tạo thương hiệu cho nhân vật và bộ phim. Đó là lý do, không ít diễn viên được trao những vai diễn có màu sắc na ná nhau, nhưng họ vẫn tìm ra những nét diễn khá riêng. Như Bạch Công Khanh, người tưởng đã “chết vai” khù khờ khi diễn kiểu nhân vật này liên tiếp trong 3 dự án, nhưng đến Duyên kiếp anh vẫn tạo nên màu sắc mới, khiến nhân vật “đời” nhất có thể, diễn như không diễn.

Tất nhiên, giữa hàng chục phim điện ảnh, hay hàng trăm phim truyền hình ra mắt mỗi năm, không phải ai cũng thành công theo cách như thế. Nhiều bộ phim Việt trong năm qua bị khán giả ném đá thậm tệ và những vai diễn cứ thế rơi vào quên lãng.

Giải bài toán khó

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền và diễn viên Hồng Ánh chung quan điểm khi cho rằng, điều khó nhất là làm sao để khán giả tin vào nhân vật và câu chuyện xảy ra trong phim. Niềm tin ở đây phải được xây dựng dựa trên hai yếu tố cốt yếu: nhân vật được xây dựng gần gũi để khán giả đồng cảm và diễn xuất tự nhiên của diễn viên.

Theo biên kịch Ngọc Khanh, bản thân mình phải hiểu khán giả là ai để xây dựng được nhân vật gần gũi. Bước tiếp theo của công tác đạo diễn đòi hỏi phải chọn đúng diễn viên hóa thân vào vai diễn đó và có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Các dự án điện ảnh thường có lợi thế hơn bởi được đầu tư cả về kinh phí, thời gian, có khi là những đợt casting quy mô lớn, nhiều vòng cả trực tiếp và trực tuyến để chọn ứng viên phù hợp. Người được chọn còn trải qua thời gian dài luyện tập, có khi kéo dài hàng năm. Nhìn vào cách đạo diễn Bùi Thạc Chuyên làm việc với các diễn viên trong Tro tàn rực rỡ, Ngô Thanh Vân với Thanh Sói, hay Nguyễn Quang Dũng với dự án đang thực hiện là Đất rừng phương Nam, sẽ thấy sự tâm huyết của họ.

Nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ ở đây chính là sự phối hợp, khả năng tương tác của các diễn viên. Theo Hồng Ánh, điều căn bản đầu tiên là các diễn viên phải thuộc thoại, bởi nó sẽ tương hỗ cho quá trình kết nối với bạn diễn tốt hơn, nắm được tiết tấu, sự tập trung và có thời gian cho sáng tạo. “Diễn xuất là chuỗi hành động của phản ứng và lắng nghe”, đạo diễn Hồng Ánh chia sẻ.

Hiện nay, ngoài những lợi thế như đã kể trên, bản thân mỗi diễn viên đều phải tự ý thức trau dồi, rèn luyện và thực sự nhập tâm để biến nhân vật thành chính mình. Trên thế giới, khái niệm method acting (ám chỉ kỹ thuật diễn xuất đặc biệt), khiến diễn viên hóa thân hoàn toàn vào vai diễn, vốn không còn xa lạ. Tuy nhiên, ở Việt Nam điều này còn khá mới mẻ. Diễn viên Avin Lu từng chia sẻ trước khi vào vai trong Em và Trịnh, anh có thời gian 2 tháng sống gần như “tự kỷ” chỉ có mình và âm nhạc. Quá trình khổ luyện cho Thanh sói, 4 tháng ròng Đồng Ánh Quỳnh phải tập giọng miền Tây. Bên cạnh đó, trong suốt hơn 1 năm, liên tục 8-10 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, cô phải rèn luyện thể lực, diễn xuất và tập các cảnh hành động. “Cứ mỗi ngày cố thêm một tí, rồi mình sẽ có một đoạn đường dài!”, nữ diễn viên từng tự nhủ với chính mình. Hay chuyện đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bắt các diễn viên chính cả tháng ròng học nghề của nhân vật trong phim, cũng được nói đến nhiều lần.

“Làm đạo diễn, một trong những công việc quan trọng nhất của mình là tạo được những màn diễn xuất chân thật như không diễn từ các diễn viên trên màn ảnh. Bộ phim của mình có thể hay, nhưng sẽ bị hỏng trước áp lực ở phần diễn xuất yếu kém”, đạo diễn Charlie Nguyễn.

Theo Văn Tuấn/SGGPO

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)