Nắm cơm ấm tình quân dân giữa trận địa ác liệt. Ảnh: T.L |
Ngày 28-6-1972, Mỹ – Ngụy quyền Sài Gòn chính thức mở cuộc hành quân mang tên “Lam Sơn 72” tái chiếm Thành cổ Quảng Trị. Từ giờ phút lịch sử ấy, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm kiêu hùng của những chiến sĩ áo vải, mũ tai bèo quả cảm với cuộc chiến không cân sức về khí tài và lực lượng trong lòng Thành cổ bắt đầu…
Cuộc đọ sức lịch sử
Đầu năm 1972, quân ta mở cuộc tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn Quảng Trị. Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, địch cho rằng chiếm được Thành cổ là cơ bản chiếm lại được Quảng Trị, tạo sức nặng để “mặc cả” với ta tại bàn Hội nghị Paris. Vì vậy, chúng huy động tối đa lực lượng và phương tiện, mở cuộc hành binh mang tên “Lam Sơn 72” tái chiếm Thành cổ. Thông qua cuộc hành quân này, bộ chỉ huy quân Mỹ – Ngụy quyền Sài Gòn hi vọng đẩy lùi được tiến công của ta, chiếm lại tỉnh Quảng Trị vốn là một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng của thể chế Việt Nam cộng hòa. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp để tạo sức ép chính trị trên bàn đàm phán Hiệp định Paris, vực dậy cái gọi là “tinh thần quốc gia dân tộc” phục vụ lợi ích của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Trước tình hình đó, quán triệt quyết tâm của Quân ủy Trung ương, đánh bại cuộc hành quân của địch tấn công ra Quảng Trị hòng chiếm thị xã một cách nhanh chóng.
Từ đây, cái thị xã Quảng Trị nhỏ bé đẹp như tranh thủy mặc soi mình bên hữu ngạn sông Thạch Hãn được lịch sử chọn làm điểm tựa. Cuộc đọ sức khốc liệt kéo dài 81 ngày đêm rung chuyển toàn cầu, giữa một bên là sức mạnh của hỏa lực bom đạn với một bên là ý chí gang thép và mọi vũ khí có trong tay. Chỉ trong vòng 81 ngày đêm, tòa Thành cổ nhỏ bé, rộng chưa đầy 2km2 phải hứng chịu 328 ngàn tấn bom đạn (tương đương với 7 quả bom nguyên tử do Mỹ từng ném xuống Hiroshima và Nagasaki – Nhật Bản trong thế chiến thứ II). Bốn dãy tường thành dày đến 12m bị băm nát, một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn bởi sức công phá của bom đạn, bởi sự chấn động của mặt đất. Với quân số của ta lúc bấy giờ, trung bình mỗi chiến sĩ hứng chịu 100 quả bom và 200 quả đạn pháo, hàng trăm lượt máy bay B52 quần đảo, dội bom.
Thế nhưng sức mạnh bom đạn của giặc Mỹ chỉ có thể tàn phá đất bằng chứ không thể nào đánh chiếm một tòa thành nhỏ bé với ý chí quật cường của những người con đất Việt bằng xương, bằng thịt. Tờ báo Phố Uôn của Hoa Kỳ lúc bấy giờ đã phải thốt lên rằng: “Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sĩ Việt Cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52. Không có một nhà phân tích nào ở Hoa Kỳ có thể giải thích đầy đủ”.
Chiến thắng không thuộc về cái ác
|
Giữa trận địa ác liệt ấy, sự sống như hạt gạo trên sàng, giây phút người thân nhận ra nhau thật thiêng liêng và cảm động. 38 năm rồi, trong kí ức của người lính già Nguyễn Thanh Bình, câu chuyện như vừa diễn ra hôm qua: “Ngày 9-8-1972, lúc bấy giờ tôi là trinh sát Tiểu đoàn 8, có nhiệm vụ đưa đồng chí Dương vừa từ Quảng Bình nhập ngũ vào lên căn cứ của ta ở Trường Bồ Đề bổ sung lực lượng cho đại đội 2. Không ngờ, người tiếp quản Dương chính là Đông – chú ruột anh. Chú cháu gặp nhau được vài phút, chưa kịp hỏi thăm tin tức về người thân ở quê nhà thì địch ào tới. Lúc đó, Đông chỉ kịp đẩy Dương xuống hầm và xông lên phía trước. Trận giáp lá cà diễn ra trong vòng 30 phút thì quân địch bị đẩy lùi. Tôi cùng Dương quay sang điểm mặt đồng đội thì Đông và một đồng chí nữa đã hi sinh”. Giọng ông Bình nghèn nghẹn: “Chỉ sau đó mươi phút, địch quay lại lần thứ 2, với một cây súng chỉ còn 3 viên đạn, Dương băng qua làn khói bụi mịt mùng, xông lên phía trước… Năm đó Dương vừa tròn 18 tuổi, còn Đông 20”.
Câu chuyện của người lính già một thời trận mạc thi thoảng rơi vào thinh lặng. Tay ông lần giở từng tấm hình ố màu, chợt dừng lại trên gương mặt một chiến sĩ còn rất trẻ: “Đây là thằng Thành, bạn học với tôi”, giọng ông trầm buồn. Kí ức như cuốn phim tư liệu ngược thời gian về mùa hè đỏ lửa năm ấy. Lần đó, khi vừa qua một trận cày xới bằng B52 của địch, ông vội vã về căn cứ báo cáo tình hình, khi ngang qua một hố bom, chợt nghe tiếng gọi tên mình, ông lại gần thì thấy một đồng đội bị thương rất nặng, khuôn mặt cháy sém, mảnh đạn chặt đứt lìa cả chân tay, xuyên ngang bụng. Thực lòng, ngay lúc ấy ông không thể nhận ra bạn, chỉ thấy trên vành mũ tai bèo dòng chữ còn tươi nguyên vết máu: “Thà hi sinh, quyết không rời trận địa”. “Mai này cậu còn sống, về Cửa Việt… thăm mẹ… thay mình…”, giọng người chiến sĩ đứt đoạn trong tiếng nấc nghẹn.
Lời của đồng đội như ngọn roi xoáy vào lòng, như tiếp thêm sức mạnh, động lực cho bao chiến sĩ đằng sau dũng cảm xông lên đánh địch, giữ thành. Và cũng từ niềm khát vọng ấy, cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại, vượt khỏi những quy ước thông thường. Súng cối 60mm trở thành súng “liên thanh”, người bị bom đạn kẻ thù cướp mất đôi mắt vẫn quyết ôm lựu đạn chờ tiếng xe địch chạy ngang qua, đồng đội phía trước ngã xuống, phía sau xông lên…
38 năm trôi qua, trong kí ức của người lính già Nguyễn Thanh Bình và những cựu chiến binh năm xưa về thăm lại Thành cổ, 81 ngày đêm khốc liệt ở Thành cổ là “81 ngày đêm nhật ký cuộc đời”. Họ đã sống và chiến đấu bất khuất, chứng minh cho nhân loại biết rằng: Chiến thắng không thuộc về sức mạnh bạo tàn. Chiến thắng thuộc về những chiến sĩ áo vải, mũ tai bèovà hàng vạn người dân Quảng Trị – những người dân bất khuất lấy thân mình hứng làn đạn của địch cho bộ đội tiến lên – những người dân luôn song hành cùng người lính cho đến trận thắng cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc…
Phan Vĩnh Yên
LTS: Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Hướng tới kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, PV Báo Giáo Dục TP.HCM đã về Thành cổ tìm hiểu cuộc chiến đấu lịch sử ấy qua những nhân chứng còn sống với rất nhiều tình tiết bi hùng, cảm động chưa từng được kể trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm và suốt 35 năm sau ngày đất nước giải phóng.
|
Bình luận (0)