Cha con lão ngư chèo đò đưa bộ đội vượt sông Thạch Hãn vào chiến trường. Ảnh: T.L |
Ai cũng nhớ cuộc chiến đấu 81 ngày đêm Thành cổ mùa hè đỏ lửa năm 1972 chấn động địa cầu. Nhưng mấy ai biết rằng, song hành cùng cuộc chiến ấy, có hàng vạn người dân chân lấm tay bùn, dẫu đạn bom bủa vây, sống chết trong gang tấc vẫn hiên ngang chèo thuyền đưa bộ đội vượt sông, lấy trái tim nóng hổi tình yêu đất nước của mình hứng làn đạn địch, mở đường máu cho bộ đội tiến lên phía trước!
Hoa tiêu nơi “cửa tử”
Trong ngôi nhà nhỏ nằm sát mép bến đò xưa ở làng Giang Hến, xã Triệu Long (nay thuộc tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong), o Nguyễn Thị Thu – cô du kích dũng cảm chèo thuyền đưa bộ đội ta vượt sông Thạch Hãn vào chiến trường Thành cổ năm đó bồi hồi nhớ lại: “Làng Giang Hến trong những năm 1968 bị Mỹ và lính ngụy lùa toàn bộ cư dân đi nơi khác để xây dựng sân bay Ái Tử. Cả làng từ già tới trẻ đều phải qua làng Tiền (cách làng cũ 5km) lánh nạn. Từ ngày 28-6-1972, ngày mở màn cuộc chiến đấu 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, đoạn từ xã Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thành trở thành huyết mạch quan trọng của quân giải phóng. Giữa lúc bom đạn kẻ thù đánh phá ác liệt, bà con dân làng phải đi sơ tán, việc tiếp tế cho chiến trường Thành cổ hết sức khó khăn…”.
Năm đó, o Thu tròn 17 tuổi, là con thứ 3 trong một gia đình nghèo sống bằng nghề cào hến đáy sông. Cũng năm đó, trước khi diễn ra cuộc chiến ác liệt Thành cổ mấy hôm, cụ Nguyễn Con – người cùng làng đã mang cau trầu sang nhà o Thu dạm hỏi o cho đứa con trai đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Mang tiếng có chồng nhưng chiến tranh chia cắt, o chưa một lần được nhìn thấy mặt người bạn đời của mình. Căm giận vì bị cướp mất tự do, o tình nguyện xung phong cùng ba chồng giúp bộ đội đánh đuổi kẻ thù. Bất chấp mưa bom bão đạn, hễ có bộ đội vào chiến trường Thành cổ là hai cha con lại cấp tập chèo thuyền đi. Bến đò làng Tiền trở thành điểm đón, đưa quân giải phóng vào chiến trường.
O Thu vẫn còn nhớ như in: “Lần đó khi thuyền ra đến giữa dòng nước xoáy, bom B52 Mỹ thi nhau tấp xuống, các chú bộ đội nằm đè lên bảo vệ cha con tui. Nhưng cha tui vùng dậy, nói oang oang: nằm yên đấy, da bố đen và bóng như thế này bom đạn nó có nhắm trúng cũng văng trượt ra thôi”. “Một bận khác, thuyền trúng đạn chòng chành, tui cùng cha nhảy ùm xuống sông, trên vai dìu người chiến sĩ bị thương nặng, dòng nước xoáy sâu, tui kiệt sức… Tỉnh lại, thấy tay mình đang cầm lá thư viết bằng bút mực Hồng Hà đã bị nước làm nhòe hết nét chữ – kỉ vật của người chiến sĩ kịp gửi lại trước lúc hóa thân vào dòng Thạch Hãn…”, kể đến đây o chợt lặng đi. Lẳng lặng đốt nén nhang thắp lên bàn thờ đồng đội, nơi có chiếc ba lô cũ sờn và đôi dép cao su làm vật tượng trưng ở nhà o, bên cạnh bàn thờ tổ tiên. O Thu ngậm ngùi: “Hàng ngàn chiến sĩ hi sinh trên dòng sông này mới mười tám, đôi mươi, có người chưa một lần nắm tay con gái…”.
Với o Thu, kỷ niệm vui nhất là hôm o tình cờ gặp phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính trên một chuyến vượt sông. Ngày đó ông hỏi: o không sợ à? – “Sợ chi, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!”, o khảng khái trả lời. 38 năm sau, cũng trên bến sông này, o gặp lại ông trong niềm vui khó tả. Cũng từ hôm đó, o mới biết tấm hình của cha con o được treo trang trọng ở phòng khánh tiết Thành cổ.
Bom đạn đã “chừa” o lại để làm nhân chứng cho cuộc chiến khốc liệt. Cuộc hội ngộ lịch sử ấy làm lòng o ấm lại. Nhưng đâu đó trong giấc mơ, nụ cười hẹn gặp lại trong ngày chiến thắng, bức thư nhòe nước… của những chiến sĩ trên dòng Thạch Hãn 38 năm trước cứ hiện về mồn một trong kí ức người phụ nữ tuổi ngoại lục tuần. Đó cũng là nỗi niềm đau đáu mà sau ngày hòa bình và mãi cho đến hôm nay dù đã có hơn 80% dân làng Giang Hến đổi kế mưu sinh, o Thu vẫn lặng lẽ với nghề cào hến nơi bến đò xưa, miệt mài ngụp lặn trong dòng nước bạc, nuôi hi vọng tìm thấy các anh.
Huyền thoại “lấy trái tim ngăn làn đạn địch”
Trong kí ức của người trong cuộc, nốt trầm khúc tráng ca Thành cổ được viết nên bởi máu đỏ của hàng vạn người dân yêu nước nơi mảnh đất này.
Huyền thoại về một cậu bé 14 tuổi mang cái tên nhà quê mộc mạc: cu Hiện, nằng nặc theo bộ đội bám đất giữ thành làm xúc động lòng người về Thành cổ. Số đạn vác trên vai nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, vẫn dũng mãnh băng mình qua bom đạn, có mặt trong mọi trận đánh. Từ đó cậu được đồng đội gọi bằng cái tên thân yêu: Nguyễn Xuất Hiện.
Hồi ức những ngày chiến tranh khốc liệt bảo vệ Thành cổ ùa về rưng rưng đôi mắt người cựu chiến binh già thuộc Trung đoàn 27, Lê Bá Dương: “Sáng ngày 17-7-1972, địch tập trung 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và 2 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép tiến về phía làng Ngô Xá Tây – phía đông Thành cổ. Trước chúng là hàng trăm phụ nữ và trẻ em bị địch bắt làm lá chắn đỡ đạn cho chúng. Đây quả là bài toán khó đối với các chiến sĩ quân giải phóng. “Bằng mọi cách bảo vệ dân”, đó là mệnh lệnh của trận đánh! Địch mỗi lúc càng áp sát nhưng ta không thể nổ súng. Bất ngờ, trong đoàn dân, một phụ nữ tầm 40 tuổi, xoay người ấn đứa con chưa đầy 10 tháng tuổi vào tay một phụ lão đứng sau mình rồi chạy vượt lên trước hô to: “Giải phóng ơi bắn đi, đừng cho chúng cướp làng…”. Một loạt AR15 cắt ngang tiếng thét của chị, chị lảo đảo gục xuống trong tư thế hai tay dang rộng chặn đường địch”.
Đằng sau chị, hàng trăm người dân ào lên xô dạt bọn địch, mặc những mũi lê tứa máu, những khẩu súng trên tay quân thù thi nhau nhả từng loạt đạn vào đoàn người. Trận đánh giằng co tới tối mịt, toán bộ binh địch cuối cùng phải tháo chạy, các chiến sĩ ta cũng vừa tìm đến với bà con. Trong khét lẹt mùi bom pháo, mọi người đứng lặng yên, vĩnh biệt người phụ nữ và hàng chục người dân dũng cảm”, giọng người lính già Lê Bá Dương chùng xuống, nghèn nghẹn.
Đó chỉ là một trong hàng vạn hình ảnh ấn tượng về tinh thần quả cảm của nhân dân Quảng Trị trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và trong suốt mấy chục năm chiến tranh cho đến ngày thắng lợi. Có lẽ hình ảnh những người mẹ, người chị bất chấp cái chết, đem thân mình hứng lấy làn đạn địch cho quân ta tiến lên giành lấy trận địa là một trong những hình ảnh có tính biểu tượng bất khuất hơn cả. Và cũng từ tinh thần quả cảm ấy, trên khắp chiến trường Thành cổ, một bầu nhiệt huyết trào sôi truyền qua tim mỗi người chiến sĩ quân giải phóng với tinh thần quyết tử: “Còn người còn trận địa”!
Phan Vĩnh Yên
Hôm nay giữa thời bình, về thăm lại chiến trường Thành cổ máu và hoa, những cựu chiến binh năm xưa vẫn đau đáu ước vọng sẽ có một tượng đài về người chị, người mẹ anh hùng – Tượng đài lòng dân sừng sững muôn đời! |
Bình luận (0)