Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thành cổ: Hồi sinh và bất tử

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng 7 này, ngập trong không gian hoài niệm tri ân những người con đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc, trong khuôn viên của Thành cổ, những tác phẩm nghệ thuật mang chủ đề “Hồi sinh và bất tử” nhằm tôn vinh những chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972 đang được các nhà điêu khắc dần hoàn thành.

Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Liên thể hiện một Thành cổ đang vươn lên sau hòa bình với tác phẩm Sức sống

Đây là lần đầu tiên Bộ VH-TT&DL và tỉnh Quảng Trị tổ chức trại sáng tác điêu khắc đá tại khuôn viên di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ…

Hình tượng mẹ ở Thành cổ

Thành cổ những ngày tháng 7, tấp nập du khách thập phương hành hương tìm về thắp nén nhang, dâng vòng hoa tri ân những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Những đoàn người dừng chân thật lâu bên những di vật các anh hùng liệt sĩ để lại: đôi dép cao su đứt quai, chiếc khăn dù cũ sờn, lá thư viết bằng bút mực Hồng Hà cũ màu theo năm tháng… Tháng 7 này, người đến Thành cổ còn dừng chân bên những bức tượng điêu khắc phác họa đầy đủ tinh thần bi tráng của những năm tháng đất nước viết tên mình bằng máu và hoa. Trong dòng người trở về bất tận ấy, họ lặng lẽ nghiêng mình bên bức tượng điêu khắc chưa hoàn thành mang tên: Mẹ của nhà điêu khắc nổi tiếng Phạm Văn Hạng.

Có lẽ không phải đến bây giờ, hình tượng người mẹ mới đi vào những tác phẩm điêu khắc. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã từng tạo ra tuyệt phẩm Mẹ Nhu – tái hiện hình tượng người mẹ dũng sĩ Thanh Khê cùng 7 dũng sĩ phường Thanh Lộc Đán (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) dũng cảm chiến đấu, hy sinh trong trận đánh giáp lá cà địch năm 1969. Nhưng ông bảo rằng, ý tưởng điêu khắc hình tượng mẹ ở Thành cổ lần này khác với tượng mẹ dũng sĩ Thanh Khê. Ông nhớ lại, ngày đó nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Quảng Nam – Đà Nẵng lúc đó đã gợi ý cho ông câu chuyện cảm động về người mẹ Nhu. Rồi ý tưởng hoàn thiện hơn về tác phẩm xuất hiện trong ông khi ông đi thăm gia đình cụ Huỳnh Thúc Kháng trở về, trên đường gặp cơn mưa giông đột ngột, bắt gặp hình ảnh bà mẹ đội nón lá, mang tấm nilon che chở cho hai con nhỏ. Hình ảnh bình dị và gần gũi ấy thôi thúc ông sáng tác.

Tác phẩm Mẹ của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ở Thành cổ

Phạm Văn Hạng cho biết, ông đã rất nhiều lần đến Thành cổ Quảng Trị. Đặt tay sờ từng viên gạch vỡ, nghe và suy ngẫm về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm của quân và dân ta bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972. Câu chuyện về những người lính vượt sông Thạch Hãn; những lão ngư, những cô du kích tuổi đời 18 đôi mươi bất chấp bom đạn, chèo thuyền đưa bộ đội qua sông đánh giặc; những người mẹ dùng thân mình che làn đạn địch cho bộ đội xông lên… Những điều ấy đã để lại trong ông những cảm xúc khó tả nên lời. Hình tượng mẹ ở Thành cổ Quảng Trị của ông xuất hiện từ niềm cảm xúc dâng trào ấy. Hình ảnh người mẹ tóc bới sau đầu, không chỉ là người mẹ tảo tần làm lụng, nuôi con, che chở các con, cũng không chỉ là người mẹ khóc thầm sau những lần tiễn các con ra trận, mà người mẹ ở Thành cổ cùng với các con xông pha trận mạc, sẵn sàng hy sinh để đất nước được độc lập, hồi sinh. Qua đôi tay của Phạm Văn Hạng, chiến tranh không có trong dáng dấp tảo tần của người mẹ ấy nhưng nhìn vào người mẹ ấy, người ta lại nhớ đến chiến tranh với sự hy sinh lặng thầm mà kiên dũng.

Bất tử và hồi sinh

Với chủ đề “Thành cổ: Bất tử và hồi sinh”, trại sáng tác đã thu hút 22 nhà điêu khắc khắp cả nước với 22 tác phẩm mang nội dung ý nghĩa phong phú, diễn tả ý nghĩa của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta, sự hồi sinh mạnh mẽ của quê hương sau ngày hòa bình.

Với chủ đề “Thành cổ: Bất tử và hồi sinh”, trại sáng tác đã thu hút 22 nhà điêu khắc khắp cả nước với 22 tác phẩm mang nội dung ý nghĩa phong phú, diễn tả ý nghĩa của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta, sự hồi sinh mạnh mẽ của quê hương sau ngày hòa bình.

Nhà điêu khắc Trần Luân Tín, một cựu chiến binh Thành cổ đã tỉ mẩn khắc nên tác phẩm mang tên Bất tử. Bức tượng mang hình ảnh người Việt Nam sau chiến tranh với tâm thế bình thản, nhưng đầy nghị lực đứng lên trên hoang tàn đổ nát của chiến tranh, của đạn bom còn vương vãi khắp mặt đất. Ông bảo rằng, bức tượng ấy thể hiện một bản lĩnh vững vàng của người Việt Nam với sự nỗ lực, cần mẫn không ngừng trong lao động và sáng tạo để tái thiết quê hương.

Mỗi tháng 7 về, Thành cổ lại bạt ngàn lau trắng. Những cánh hoa vừa bứt mình nhú khỏi vòng ôm của thân thể mẹ lau gầy guộc đã cúi gập xuống như một sự tri ân người ngã xuống. Nhìn sự vươn lên của loài lau dại, liên tưởng đến tác phẩm Sức sống của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Liên. Trong không gian trầm mặc, Nguyễn Kim Liên đã tạc nên một hạt giống với chiếc mầm trở mình bật lên thể hiện sự hồi sinh mạnh mẽ nhất giữa bạt ngàn hố bom, mảnh đạn, gạch vỡ…

Đi trong không gian trầm mặc và linh thiêng của một cổ Thành, ngày ấy từng dang rộng vòng tay ôm vào lòng những chàng trai, cô gái mãi mãi tuổi 20 tươi trẻ, nay đang bật lên bằng nội lực, phủ xanh lại những hố bom. Tháng 7 này, như tiếp thêm niềm tin rằng, chiến tranh dù có tàn khốc đến đâu vẫn không thể hủy diệt được ý chí kiên cường của những người dân lương thiện, yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)