Dọc dài vùng biển Mộ Đức, Quảng Ngãi hiện giờ nghề nuôi tôm “đứng bánh”, vì tôm chết liên tục, càng nuôi càng lỗ. Tuy nhiên, lẫn trong số đó, tại vùng cát thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh, bốn hồ tôm của ông Nguyễn Lá nước vẫn đầy, máy sục khí quay tít, tôm tung tăng bơi lội.
Nuôi con “tầm bậy”
Nguyễn Lá, 55 tuổi, dáng người cao lớn, mặt cháy đen đang kéo những chiếc lồng từ dưới hồ lên. Chỉ vào trong lồng, ông hể hả: “Mấy con tầm bậy đó mà. Nhờ mấy con này và nhờ trời thương nên vụ rồi tôi cũng kiếm được bảy tấn rưỡi tôm, lãi được 600 triệu đồng”.
Con “tầm bậy” chính là con cua xanh mà khi thả nuôi sợ thất bại nên ai hỏi ông Lá cứ nói lảng như thế. Bởi cũng như nhiều hộ nuôi tôm, ông cũng đau đầu vì tôm chết quá nhiều.
Ông Nguyễn Lá đang vớt những con cua xanh mà ông hay gọi là con “tầm bậy” từ hồ nuôi tôm.
Ông Lá nhớ lại: “Trước đây, tôm chết thường là do môi trường nước bị ô nhiễm nặng. Biết vậy nên tui vệ sinh hồ rất kỹ, phải vét bùn, đánh vôi, phơi hồ rồi thả nước, nhưng cuối cùng tôm nuôi vẫn cứ chết. Nghĩ đến nguồn nước không an toàn, tui lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Vì kết quả cho thấy nguồn nước không đạt chất lượng nên tui quyết định khoan giếng sâu hơn để lấy nước ngọt đem trung hoà với nước biển. Tuy vậy, sau thời gian hồ lại bẩn và tôm lại chết”.
Sau nhiều đêm mất ngủ, ông Lá suy nghĩ, hay mình đi mua con lịch ở vùng nước lợ thả xuống hồ nuôi tôm. Bởi con lịch chuyên ăn mồi dưới đáy, biết đâu chúng sẽ ngốn được thức ăn thừa và chất thải của tôm. Tuy nhiên, khi ông đi tìm mua thì người ta nói nguồn lịch đang khan hiếm. Trở về, tiếp tục suy nghĩ và tìm tòi thông tin cuối cùng ông chọn con cua xanh.
Để khỏi “rinh” mầm bệnh vào hồ, ông Lá bắt xe vào tận miền Nam, mua cua xanh giống ở một trại sản xuất, có giấy kiểm dịch đàng hoàng. Trên diện tích mặt hồ 6.000m2 với bốn vuông tôm, ông thả 10.000 con cua xanh. Nửa tháng sau, ông thả 70 vạn con. “Vài tuần sau khi thả tôm, mình xuống kiểm tra đáy hồ sạch hơn. Mang gương lặn xuống hồ theo dõi thì thấy lũ cua ăn tạp. Thức ăn thừa, chất thải của tôm, chúng ăn tuốt”, ông Lá kể.
Hy vọng
Theo ông Lá, ban đầu, tôm thấy cua chạy trốn nhưng khi tôm lớn, râu dài thì chúng hết sợ cua. Vụ đầu nuôi kết hợp tôm – cua, tôm không bị chết, ông Lá lãi ròng 600 triệu đồng tiền tôm. Còn cua xanh, khi tháo hồ vớt lên, loại 0,5kg/con trở lên ông thu được trên 1 tấn, bán giá 300.000 đồng/kg. Số còn lại bỏ xuống nuôi tiếp. Bây giờ, tôm nuôi đợt hai trong hồ cũng đã hơn hai tháng rưỡi nên anh hy vọng sẽ “thắng đậm” và càng tin vào biện pháp nuôi tôm cua kết hợp theo cách của mình.
Đưa tôi vào chòi canh tôm, anh Lá bộc bạch: “17 năm trước, mình là người nuôi tôm trên cát đầu tiên của Quảng Ngãi. Mình nông dân trình độ chỉ lớp 3, nhưng mình nghĩ muốn nuôi tôm thành công hay làm nghề gì thì phải chịu khó học và phải dám… liều”.
Thất bại cũng nhiều nên nghe sở ngành tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tôm là ông thu xếp chuyện nhà đi dự. Rồi theo đề nghị của con, muốn hiểu biết về nghề tôm thì phải vô “nét” tìm thông tin, thế là ông mua máy vi tính và “cục 3G”. Tuy nhiên, khi nghe ông Lá lại rục rịch nuôi tôm cua kết hợp thì nhiều người nghi ngại, rằng “coi chừng con tôm làm mồi cho cua”, “không khéo tôm chết theo đường tôm mà cua chết theo đường cua”. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân trong thôn và một số bạn bè nơi khác bắt đầu tìm đến ông hỏi cách nuôi này.
Ông Nguyễn Đường, người ở cùng xã với ông Lá kể: “Thấy ổng thành công thì tui đến nhờ ổng chỉ dẫn. Bây giờ, với hai hồ tôm rộng 1.200m2, ông Đường đã thả 70 vạn con tôm và 3.000 con cua xanh, nuôi được hai tháng mà không thấy dịch nên cũng phấn khởi và hy vọng”.
bài và ảnh: Cầm Thư
Đang theo dõi
Phó chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, ông Vũ Nhân, cho biết: chuyện anh Lá tìm tòi nuôi tôm kết hợp với nuôi cua để cân bằng môi trường hồ tôm là điều rất đáng suy nghĩ. Địa phương đang theo dõi cách làm này. Nếu những vụ tiếp nuôi thành công thì sẽ mở hướng để khôi phục lại hàng trăm hecta mặt hồ nuôi tôm trên cát lâu nay bỏ hoang vì người nuôi tôm quá mệt mỏi do dịch bệnh, thua lỗ.
Ngày 29.7, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng, giải thích, nuôi cua trong hồ nuôi tôm góp phần cải thiện môi trường hồ tôm, bởi cua ăn thức ăn thừa của con tôm và có thể đã góp phần vào việc sục khí đáy, cải thiện môi trường hồ nuôi tôm. Tại một số nơi người nuôi tôm còn kết hợp với nuôi vẹm hoặc ốc hương để cải thiện môi trường hồ tôm. Vấn đề là chọn thời điểm thả cua và tôm cho phù hợp để tránh tình trạng cua ăn tôm, đồng thời con tôm hay cua chọn nuôi phải qua kiểm dịch để tránh tình trạng lây bệnh cho nhau và gây ô nhiễm môi trường.
|
Theo SGTT.VN
Bình luận (0)