(Viết về Hệ thống Giáo dục Bắc Mỹ)
Chúng tôi trở lại thăm Trường Trung Tiểu học Bắc Mỹ vào một ngày cuối tháng tư lịch sử. Trời xanh, nắng vàng trên nền đỏ ấm áp, sang trọng, màu sắc chủ đạo trong kiến trúc nhà trường. Vào sân trường đã thấy các em học sinh đang xếp hàng ngay ngắn, ai nấy trang phục gọn gàng, khuôn mặt tươi rói, áo mũ chỉnh tề. Thì ra các em đang háo hức chuẩn bị lên xe để đi dã ngoại tháng 4 – giao lưu với Trường Chuẩn quốc gia Nguyễn Du – Gò Vấp – một ngôi trường dẫn đầu TP.HCM và cả nước về phong trào giáo dục toàn diện và đào tạo học sinh giỏi.
Đây chỉ là một trong vô số những chuyến học tập thực tế của học sinh Trường Trung Tiểu học Bắc Mỹ. Cứ mỗi tháng các em lại có một chuyến đi tham quan dã ngoại và ngoại khóa rất có ý nghĩa với mục đích: mở rộng vòng tay bạn bè, giao lưu học hỏi, tìm hiểu thế giới xung quanh, vui chơi, thư giãn sau những giờ học tập miệt mài. Đến khu du lịch Phương Nam Resort, tham gia các trò chơi tập thể, để hòa mình với thế giới thiên nhiên khoáng đạt và rộng mở, để thấy yêu hơn lớp mình trong tinh thần đồng đội bất khả chiến bại. Về Đại Nam Văn Hiến, viếng “Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam” tham quan Vườn bách thú quy mô, chiêm ngưỡng Vạn Lý Trường Thành, đắm mình trong những sóng gió và cơn thủy triều lên xuống của bãi biển nhân tạo và cả những chuyến du ngoạn học hỏi nước ngoài, Hoa Kỳ, Canada, Singapore… mới thấy tự hào trước khí phách ông cha từ ngày xưa để lại, để lắng lòng mình nghe dậy lên tình yêu thiết tha với quê hương xứ Việt ngàn đời; càng thôi thúc ý chí quyết tâm “học để thành tài” hầu mong làm được điều gì cho tổ quốc mến yêu. Và còn rất nhiều những chuyến đi đầy ý nghĩa như thế. Qua đó để giúp các em thấy thấm thía hơn câu Slogan thật lớn ở sân trường “Học để hiểu biết, học để làm việc, học để chung sống, học để làm người”.
Song song với những hoạt động ngoại khóa, nhà trường xác định rõ cho học sinh về mục đích cao cả của việc học và trách nhiệm của bản thân các em đối với gia đình, với xã hội, với chính bản thân mình… Ở Trường Bắc Mỹ, các em được đào tạo toàn diện để trở thành những công dân có ý thức, có trách nhiệm, biết phát huy khả năng lãnh đạo; xây dựng lòng tự trọng; có niềm vui và động cơ học tập tích cực, đam mê việc học, hiểu biết sâu sắc về cộng đồng quốc tế trong sự đa dạng văn hóa để hòa nhập mà không hòa tan… Nhà trường đã và đang làm tốt việc giáo dục và rèn luyện đối với từng cá nhân, để khi vào đời, các em hoàn toàn trở thành những cá nhân xuất sắc trong môi trường và lĩnh vực hoạt động của bản thân.
Ở đây, các em học sinh được học 2 chương trình: chương trình trung – tiểu học của Việt Nam bằng cấp do Bộ GD-ĐT Việt Nam cấp với đội ngũ giáo viên trẻ, giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp; chương trình trung – tiểu học Hoa Kỳ chính thức. Phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống các trường trung học tại bang California và được CASCU (Liên hiệp các trường trung, tiểu học, cao đẳng và đại học Hoa Kỳ) xem xét và công nhận. Với chương trình học này, khi đi du học, các em dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới mà không gặp những trở ngại về ngôn ngữ và trình độ. Trao đổi với chúng tôi, cô Đặng Ngọc Quỳnh Giao – Giám đốc hành chính của Trường Trung – Tiểu học Bắc Mỹ phân hiệu Trung Sơn, Bình Chánh, hồ hởi cho biết:
“Mặc dù mới thành lập được 4 năm… tính đến thời điểm này, toàn trường chúng tôi đã có hơn 30 học sinh du học ở các nước Anh, Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Canada và một số quốc gia khác. Các em gửi mail, thư và hình về để chia sẻ niềm vui và lòng biết ơn sâu sắc đối với nhà trường vì đã giúp cho các em nhanh chóng hòa nhập vào việc học ở bên đó. Thành công của các em là hạnh phúc của bản thân, gia đình và cũng là niềm hạnh phúc của chúng tôi!”.
Quả vậy, với một đội ngũ giáo viên và nhân viên hùng hậu, trẻ về tuổi đời nhưng xuất sắc về chuyên môn và tâm huyết, sáng tạo, thương yêu học sinh như chính con em của mình, các bậc phụ huynh hoàn toàn yên tâm khi gửi con em mình vào đây.
Hiện nay có thể nói, Trường Trung – Tiểu học Bắc Mỹ là một trong những đơn vị dẫn đầu về cơ sở vật chất trong hệ thống giáo dục quốc tế tại TP.HCM với tất cả những trang thiết bị tối tân: đèn chiếu, máy tính, ti vi, đầu đĩa, các phòng chức năng hiện đại… đều dành phục vụ tốt nhất cho việc dạy và học. Hồ bơi ở đây trong khuôn viên trường là để các em thư giãn sau những giờ học căng thẳng, thả mình bơi lặn trong làn nước trong xanh. Sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ là nơi chứng kiến những trận thi tài thật hào hứng…
Khi chúng tôi đến, cô Đặng Ngọc Quỳnh Giao đang họp bàn và thông báo với toàn thể giáo viên, nhân viên về việc cho ra mắt Câu lạc bộ bóng đá SNA. Cô cũng vui mừng thông báo với chúng tôi về đội ngũ ban lãnh đạo và huấn luyện viên của Câu lạc bộ bóng đá đó là những cái tên rất quen thuộc trong làng thể thao Việt Nam: ông Đặng Trần Chỉnh (cựu tuyển thủ đội tuyển quốc gia VN; cựu HLV phó đội Cảng Sài Gòn; cựu HLV trưởng đội Thép Miền Nam – Cảng Sài Gòn; hiện là Giám đốc kỹ thuật Becamex Bình Dương); HLV thủ môn; ông Nguyễn Hồng Phẩm (cựu thủ môn đội tuyển quốc gia VN; cựu HLV thủ môn tuyển U21 TP.HCM; cựu HLV thủ môn Trung tâm Thành Long; hiện là HLV thủ môn Trung tâm đào tạo trẻ Scavi Rocheteau; Chủ tịch Hội đồng HLV bóng đá TP.HCM…); trợ lý HLV trưởng: HLV Hà Vương Ngầu Nại (cựu tuyển thủ đội tuyển quốc gia VN hiện là cố vấn HLV đội Maseco – hạng nhất quốc gia). Nói về những công việc sắp tới trong nhà trường, cặp mắt của cô giám đốc trẻ lấp lánh những niềm vui tràn đầy hy vọng.
Chia tay với cô Đặng Ngọc Quỳnh Giao, chúng tôi gặp nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân, nguyên Hiệu trưởng Trường Chuẩn quốc gia Nguyễn Du – Gò Vấp, người vừa được mời về làm cố vấn chương trình Việt Nam, đảm trách chất lượng lớp 12 và công việc giáo dục đạo đức học đường cho học sinh Trường Bắc Mỹ, gặp lại thầy, vẫn với nụ cười hiền hậu và ánh mắt hiền từ mà nghiêm khắc ấy, thầy tâm sự với chúng tôi thật nhiều về những khó khăn trong bước đường xây dựng một đơn vị giáo dục toàn diện đậm đà màu sắc dân tộc Việt Nam và mang tính quốc tế hiện đại, có tính hiệu quả cao là một quá trình day dứt tâm huyết và trí tuệ của ban giám đốc và đội ngũ cán bộ giáo viên Bắc Mỹ… Chắc chắn Trường Bắc Mỹ sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển.
Bảo Ngọc
Bình luận (0)