Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thành công nhờ… đơn giản hóa chuyện học

Tạp Chí Giáo Dục

Phạm Hữu Tâm đang tự học ở nhà
Hiện nay các trường ĐH trên cả nước tiếp tục công bố điểm thi tuyển sinh năm 2014. Số báo này, Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu đến bạn đọc chân dung hai thủ khoa ĐH có nhiều nét rất thú vị.
Thủ khoa “kép” mê… chơi game
Trong những ngày qua, thầy trò Trường THPT chuyên Thăng Long (Lâm Đồng) hết sức vui mừng và tự hào khi một học sinh (HS) của trường đạt thủ khoa cùng lúc hai trường ĐH, góp thêm vào bề dày thành tích của ngôi trường có danh tiếng trên phố núi mờ sương…
Gặp chúng tôi, chàng thủ khoa “kép” Trường ĐH Đà Lạt và ĐH Công nghệ TP.HCM – Phạm Hữu Tâm, học lớp 12 chuyên toán – không giấu được niềm vui sướng với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt. Tâm cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, em đăng ký thi hai trường: ĐH Đà Lạt (ngành kỹ thuật hạt nhân) và ĐH Công nghệ TP.HCM (ngành công nghệ sinh học). Khi chúng tôi hỏi: “Lý do nào em chọn ngành kỹ thuật hạt nhân để thi?”, chàng thủ khoa thật thà trả lời: “Đây là một ngành học mới vừa được Thủ tướng Chính phủ cho phép Trường ĐH Đà Lạt tuyển sinh năm 2013. Em theo đuổi ngành hạt nhân là muốn đi theo nghề nghiệp của bố và cũng là lĩnh vực mới mà em rất yêu thích”.
Vốn học giỏi các môn thuộc khối A (toán, lý, hóa) nên Tâm rất tự tin khi quyết định nộp hồ sơ dự thi vào trường này. Song, đậu thủ khoa với số điểm khá cao – 26,25 điểm (toán 8,75; lý 8,5; hóa 9 điểm) là điều khiến em bất ngờ. Và càng sung sướng hơn khi ngay sau đó, Tâm nhận được kết quả thi vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM với số điểm cao nhất – 23,5.
Ông Phạm Ngọc Tuấn (Trưởng phòng Điện tử, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) – bố của Tâm – đã ứa nước mắt vì quá đỗi tự hào khi chính ông là người đầu tiên tra cứu điểm thi của con trai trên mạng vào chiều 22-7 và thông báo cho gia đình biết.
Mặc dù Tâm khiêm tốn cho rằng việc đậu thủ khoa hai trường ĐH là quá bất ngờ; song, theo chúng tôi, kết quả này không có gì bất ngờ khi một học sinh có niềm đam mê và học giỏi các môn tự nhiên liên tục nhiều năm liền (năm học 2013-2014, Tâm đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh và đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Lâm Đồng) thì việc thi đạt điểm cao vào ĐH là kết quả hoàn toàn xứng đáng. 
Nói về “bí quyết” trong học tập, Tâm cho biết cách học hiệu quả nhất chính là chịu khó nghe thầy cô giảng bài trên lớp để nắm bắt nội dung. Khi bắt gặp vấn đề mới, em tìm cách tiếp cận để hiểu nó theo cách riêng của mình. Với em, đây là “chiêu” nhớ lâu và khó nhầm lẫn nhất. Đối với bài tập, qua nhiều lần giải, em lọc ra cách giải gọn và dễ nhớ nhất. Điều này giúp cho những lần làm bài sau này không bị mất quá nhiều thời gian. Dù học giỏi, nhưng chàng thủ khoa này dí dỏm cho biết, chơi game cũng là một… thế mạnh của em. Tuy nhiên, em chỉ thường chơi sau những giờ học căng thẳng để lấy lại tinh thần hứng khởi.
Chưa có hoạch định dài hơi cho tương lai, nhưng chàng thủ khoa hiện đã ấp ủ dự định tìm học bổng để du học. Trước mắt, em cố gắng trau dồi khả năng ngoại ngữ. Tâm cho rằng, một khi đã đặt mục tiêu vào học tập hay công việc gì đó, đều cần cố gắng hết sức…
Thủ khoa mê truyện tranh

Lê Hữu Quang Vinh (bên trái) chia sẻ với anh trai về những cuốn truyện tranh mà mình yêu thích
Tự nhận lười học, mê đọc truyện tranh và có thể đọc mọi lúc mọi nơi, nhưng chàng lớp trưởng Lê Hữu Quang Vinh (cựu học sinh Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) lại học rất giỏi, đậu thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM với tổng điểm 27,75 (làm tròn thành 28 điểm).
Trong căn phòng nhỏ của Vinh ở nhà, các kệ sách chất đầy truyện tranh. Vinh thích đọc truyện tranh từ nhỏ nên khi nào có truyện gì mới là em lại nằng nặc đòi bố mẹ mua cho. Đến khi lên thành phố học nội trú ở Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến, vì không có thời gian ra ngoài thường xuyên nên cuối tuần Vinh mới ra ngoài mua cùng lúc 8-9 cuốn truyện về đọc “ngấu nghiến” cho đã… thèm, đó là chưa kể em còn mượn truyện của bạn bè. Vinh cho biết: “Có người bảo đọc truyện tranh nhiều không tốt vì vừa làm mất thời gian vừa khó trau dồi ngôn ngữ chuẩn xác của tiếng Việt. Vậy nhưng, em thấy ý nghĩa của truyện tranh lại rất hay, có nhiều điều để em phải học hỏi. Chẳng hạn, ý nghĩa của truyện Naruto là sống phải phấn đấu hết mình; truyện One piece là không từ bỏ ước mơ, biết trân trọng thức ăn; truyện Cona là sự thật chỉ có một, dù đau đớn nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận… Từ những ý nghĩa nhân văn này mà em càng đọc càng đam mê. Em có thể đọc mọi lúc mọi nơi, kể cả trốn giám thị vào nhà vệ sinh để đọc”.
Việc được theo đuổi ngành kỹ thuật hạt nhân đối với Tâm còn mang một ý nghĩa lớn lao khác, chính là con đường thật đẹp để em nhanh chóng trở thành đồng nghiệp với bố.
Không chỉ mê đọc truyện tranh, Vinh còn tự nhận mình khá… lười. Vinh giải thích: “Em ít khi thức khuya để “đánh vật” với bài vở. Khi nào cảm thấy chán là em lại giải trí bằng cách nghe nhạc và đọc truyện cho nên bạn bè thường bảo em lười học. Thế nhưng, em nghĩ mình khó làm được việc khi đầu óc không tỉnh táo, thà ngủ một giấc đến sáng dậy học khoảng 1 giờ còn tiếp thu được hơn là khi ngồi hàng giờ nhưng vẫn không tiếp thu được gì…”.
Chia sẻ bí quyết học toán và lý giỏi, Vinh cười cho biết: “Bí quyết của em là nhớ công thức, làm nhiều bài tập. Em có một cuốn sổ nhỏ ghi các công thức, đi đâu cũng cầm theo để thỉnh thoảng lấy ra đọc. Mỗi tối trước khi đi ngủ thì đọc qua một lượt rất dễ nhớ. Còn đối với môn tiếng Anh thì chắc chắn bạn nào muốn giỏi không chỉ ghi nhớ ngữ pháp mà còn phải mở rộng vốn từ vựng”.
Không chỉ học giỏi 3 môn khối A1, những môn còn lại Vinh cũng giành điểm cao không kém. Trong lớp em luôn giữ vị trí nhất nhì trong suốt 3 năm học THPT (năm lớp 12 điểm trung bình năm của Vinh đạt 8,9 – PV).
Sinh ra trong một gia đình có mẹ làm bác sĩ, còn bố là nhà báo, anh trai hiện là sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM. Vậy nhưng, Vinh lại không nối nghiệp của mẹ như anh trai hay theo ngành của bố mà chọn ngành kinh tế đối ngoại. Vinh cho hay: “Ngành này yêu cầu mình phải năng động, có vốn ngoại ngữ lưu loát và giao tiếp tốt nên em muốn thử sức…”.
Nhóm P.V
 
Có người bảo đọc truyện tranh nhiều không tốt vì vừa làm mất thời gian vừa khó trau dồi ngôn ngữ chuẩn xác của tiếng Việt. Vậy nhưng, em thấy ý nghĩa của truyện tranh lại rất hay, có nhiều điều để em phải học hỏi.

Bình luận (0)