Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Thành công từ sự bền bỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Phan Công Thành và hai cậu học trò với thí nghiệm đoạt giải nhất

Bằng thí nghiệm quan sát tác động của từ trường lên dòng điện, ba thầy trò Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam (gồm thầy Phan Công Thành, giáo viên vật lý và Trần Tùng Dương, Trương Duy Nhất – học sinh lớp 11 chuyên tin) đã xuất sắc giành giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam năm 2015.

Khi đề tài “Xây dựng thí nghiệm quan sát tác động của từ trường lên dòng Electron từ vật liệu dễ tìm” được vinh danh, thầy Thành và hai cậu học trò trong Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ của trường được rất đông đồng nghiệp, bạn bè ca ngợi. Bởi để gặt hái quả ngọt ấy, ba thầy trò đã gặp vô vàn khó khăn, thử thách, nếm trải đủ mùi thất bại mới chạm đến ngưỡng cửa của thành công.

Thầy Thành bộc bạch: “Bao nhiêu năm đứng lớp giảng dạy môn vật lý, tôi đã thực hiện vô số thí nghiệm áp dụng lý thuyết trong sách giáo khoa, thế nhưng thí nghiệm mô phỏng tác động của lực Lorenxơ lên hạt mang điện vẫn luôn là một vấn đề khó giải quyết. Tôi là giáo viên nên phải tìm cách nào đó để giải quyết triệt để các vấn đề bằng thực tiễn, có như vậy bài giảng mới đủ thuyết phục học trò”. Thế là đầu năm học 2014-2015, thầy Thành cùng hai cậu học trò mê nghiên cứu khoa học đã bắt tay vào thực hiện thí nghiệm trên. Em Trần Tùng Dương nhớ lại: “Khi bắt tay vào thực hiện, em có phần yên tâm vì được thầy Thành hướng dẫn, trao đổi cặn kẽ. Thế nhưng quá trình thí nghiệm, tìm các linh kiện để lắp ráp hoàn thành, ba thầy trò gặp không ít khó khăn. Cận ngày gửi sản phẩm dự thi, cả thầy và trò đều phải chạy đôn chạy đáo tìm cách bổ sung ống chân không, chọn nguồn cao áp phù hợp”. Em Trương Duy Nhất nói thêm: “Vấn đề sau đó đã được giải quyết nhờ một buổi tham quan phòng thí nghiệm hóa học, thầy Thành thấy kim tiêm trên kệ chứa dụng cụ, từ đó thầy nảy ra sáng kiến là dùng xi lanh 20cc để làm ống chân không”.

Đề tài trên đã được nhà trường đồng ý đưa vào chương trình thực hành ngoài giờ lên lớp cho học sinh trong toàn trường. Các em học sinh khối 11, khối 12 đã được tận tay thực hiện thí nghiệm và thấy thú vị với kiến thức bấy lâu chỉ cảm thụ thông qua lí thuyết khó hình dung. Thầy Thành phấn khởi nói: “Các em rất hứng thú với thí nghiệm này. Thành công ngoài sự kì vọng của tôi khi cùng hai cậu học trò bắt tay vào thực hiện đề tài. Hy vọng thí nghiệm được ứng dụng phổ biến ở các trường phổ thông khác để có nhiều hơn các em học sinh được tận tay thực hiện thí nghiệm này, hiểu và yêu hơn môn học cũng như thúc đẩy sự sáng tạo trong nhà trường”.

Ông Phạm Ngọc Sinh (Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Quảng Nam, kiêm Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh) cho biết: “Mô hình thí nghiệm của thầy trò Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có tính sáng tạo hoàn toàn mới, mang ý nghĩa thực tiễn cao. Dự định sắp tới Liên hiệp Các hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh sẽ làm việc với các cơ quan ban ngành trong lĩnh vực khoa học, giáo dục để lên kế hoạch đưa thí nghiệm này nhân rộng nhằm phục vụ cho đối tượng học sinh và những người đam mê nghiên cứu khoa học trên phạm vi toàn tỉnh”.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)