Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thành công từ thử thách bản thân

Tạp Chí Giáo Dục

Được tuyển thẳng vào ĐH uy tín nhưng cô bạn học chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) Đặng Thụy Thảo Vy lại quyết định rẽ ngang – không đi học để khám phá bản thân. Thế nhưng, đây không phải là quyết định táo bạo duy nhất của Thảo Vy…

Đặng Thụy Thảo Vy trong lần đại diện top 3 Việt Nam tham gia cuộc thi về kinh tế đối ngoại châu Á – Thái Bình Dương tại Singapore (ảnh nhân vật cung cấp)

Dám thử thách bản thân đã mang về cho Thảo Vy một bề dày thành tích với những giải thưởng lớn, nhỏ ở nhiều lĩnh vực. Vừa qua, em là một trong 12 cá nhân được nhận danh hiệu Tài năng trẻ TP.HCM năm 2018.

Học chuyên văn “rinh” giải thưởng khoa học

Nhìn vào bảng thành tích “khủng” liên quan đến khoa học của Thảo Vy, ít ai ngờ em là dân chuyên văn chính hiệu – học sinh giỏi môn văn cấp thành phố. Chia sẻ về điều này, Thảo Vy cho hay đó là một câu chuyện dài. “Năm lớp 10 khi mới vào trường Lê Hồng Phong, em cực kỳ ấn tượng trước cuộc thi nghiên cứu khoa học của trường. Thế nhưng, lúc ấy em chỉ dám nhìn các anh chị thi thôi chứ không dám tham gia vì nghĩ rằng mình là dân học văn làm sao đấu được… võ”, Thảo Vy nhớ lại.

Tuy nhiên, năm lớp 11, với dự định đi du học, Thảo Vy lại quyết thay đổi bản thân bằng cách “thử nghiên cứu khoa học”. Cuộc thi đầu tiên mà em tham gia là Cuộc thi nghiên cứu Blitz, Trường hè khoa học Việt Nam lần thứ 5 năm 2017. Bất ngờ là ở lần thử sức đầu tiên lại mang về cho Thảo Vy giải tư với khóa học 5 ngày về phương pháp nghiên cứu khoa học tại Bình Định.

Sau giải thưởng này, với những kiến thức về nghiên cứu khoa học cũng như cái nhìn đúng đắn về khoa học được trang bị, Thảo Vy tự tin đăng ký tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018. Đề tài “Nghiên cứu phát triển tư duy phản biện cho học sinh THPT trong học tập” giúp em chinh phục lần lượt Ban giám khảo cấp trường, thành phố đến quốc gia và giành giải nhất cấp quốc gia năm đó. “Ở đề tài này, em đề cao tính cá nhân hóa trong học tập của các bạn học sinh gắn với từng nhóm tính cách và sự chủ động trong học tập mà không cần phải phụ thuộc vào giáo viên. Những nội dung trong đề tài xuất phát từ chính thực tế khi khảo sát cho thấy có trên 50% học sinh Việt Nam thiếu và yếu năng lực tư duy phản biện. Có lẽ trước tính cấp bách, thiết thực cũng như điểm mới mà đề tài đã được đánh giá cao”, Thảo Vy cười chia sẻ.

Thích thú với khoa học, năm 2018, Thảo Vy tiếp tục tham gia Cuộc thi Dấn thân vào khoa học – Trường hè khoa học Sài Gòn và lại giành giải nhất vẫn với một nghiên cứu gần gũi học sinh: Khảo sát mức độ hướng nghiệp của học sinh. Vượt qua nhiều đối thủ là sinh viên các trường ĐH lớn, với Thảo Vy, giải thưởng này là “trái ngọt” từ sự trưởng thành trong các cuộc thi trước đó.

“Nghiên cứu khoa học không phải chỉ có những điều rất lớn lao mà thực chất, đó chỉ là đi sâu vào năng lực của bản thân” – đây là điều mà Thảo Vy nghiệm ra sau mỗi lần dấn thân vào khoa học. Với Thảo Vy, khoa học không phải là một cuộc chiến, mà ngược lại, đó là lĩnh vực giúp em nhận ra khả năng của bản thân. “Bất kể bạn học thiên về gì, chuyên văn hay chuyên hóa…, thì khoa học là đời sống vẫn sẽ có chỗ dành cho bạn”, Thảo Vy đúc kết.

Làm thiện nguyện để học được “cách cho”

Là người rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện mang tính cộng đồng như làm tình nguyện viên trong các dự án dạy học, trao đổi văn hóa, phiên dịch… Thảo Vy cho biết việc “bén duyên” này lại đến từ lời rủ rê hết sức vu vơ của bạn bè. “Năm lớp 10, bạn bè rủ em đi dạy học tình nguyện tại Mái ấm Ánh Sáng (Q.3). Nghe có vẻ thú vị nên em cũng liều, nhận dạy kèm môn văn cho hai học sinh thi vào lớp 10”, Thảo Vy kể.

Thời gian đó, mỗi tối thứ sáu hàng tuần, em chạy xe từ nhà ở Q.4 qua Q.3 để… đóng vai cô giáo. “Em luôn cố gắng làm sao để không chỉ dạy cho các em về kiến thức mà còn mở ra cho các em những ước mơ, dám ước mơ và tự tin vào bản thân mình. Kết quả, hai em mà em dạy kèm năm ấy đều đậu vào các trường THPT lớn của thành phố”, Thảo Vy khoe. Đến bây giờ, Thảo Vy vẫn nhớ như in cái cảm giác “sung sướng như mình đậu vậy” khi nghe hai em báo kết quả.

Với Thảo Vy, làm thiện nguyện không phải là mình đang cho đi mà thực ra chính mình đang nhận về rất nhiều. Đó là sự quan tâm, các mối quan hệ, kỹ năng và sự trưởng thành. Ngoài ra còn là niềm vui được nhân lên gấp nhiều lần. Từ trải nghiệm ban đầu, liên tiếp sau đó là những trải nghiệm mới trong các hoạt động thiện nguyện. Thảo Vy cho biết em hăng say đến mức chính bạn bè – những người đã rủ rê em tham gia hoạt động thiện nguyện – phải khuyên rằng: “Bớt tham gia đi kẻo thi rớt tốt nghiệp”. Nhưng với em, được tham gia vào các hoạt động cộng đồng, có cơ hội tiếp xúc với bạn bè quốc tế lại giúp bản thân mạnh dạn hơn rất nhiều. “Trong lần tham gia trao đổi văn hóa tại Tokyo (Nhật Bản), em luôn sợ mình sẽ phát âm sai tiếng Anh nên lúc nào cũng cố gắng nói theo chuẩn quốc tế. Vậy nhưng, điều đó khiến các bạn cùng tham gia không thoải mái. Thậm chí có bạn còn hỏi có phải bạn đang thi IELTS với mình không”, Thảo Vy cười nhớ lại. Cô bạn cho rằng nếu nghĩ làm thiện nguyện là để làm đẹp hồ sơ thì rất uổng. Bởi làm thiện nguyện chính là làm đẹp suy nghĩ và tâm hồn của chính mình.

Trải nghiệm để biết mình thật sự muốn gì

Được tuyển thẳng vào các trường ĐH lớn có lẽ là khát khao của nhiều bạn bè, nhưng Thảo Vy đã quyết định “không nhận cơ hội đó”, dừng hẳn một năm để biết mình thật sự muốn gì. “Khi nghe quyết định của con gái sẽ không học ĐH, ba mẹ em đã ngạc nhiên đến mức không hiểu chuyện gì đang diễn ra, còn người thân, bạn bè và hàng xóm lại cho rằng em… đang có vấn đề. Phải mất một thời gian dài, tỉ tê nói chuyện ba mẹ mới hiểu”, Thảo Vy nói.

Thảo Vy nói thêm: “Bản thân em có quá nhiều ước muốn và sở thích. Thời điểm đó, em chưa biết rằng mình thích gì để quyết định theo học. Dừng một năm, khám phá bản thân từ những cơ hội để hiểu về chính bản thân mình”.

Gần một năm qua, từ chính việc nắm bắt các cơ hội, Thảo Vy đã đi rất nhiều nơi từ Bình Định, Đồng Nai, Lâm Đồng, đảo Phú Quý (Bình Thuận) cho đến Thái Lan, Singapore và sắp tới đây là Hà Nội với học bổng về luật. Đặc biệt, tháng 8-2018, Thảo Vy là một trong 3 đại diện của Việt Nam tham gia cuộc thi về kinh tế đối ngoại châu Á – Thái Bình Dương tại Singapore. Từng lọt vào top 8 “Én vàng học đường” của HTV… Mỗi cơ hội đều mang đến cho Thảo Vy những kiến thức, sự trưởng thành để sẵn sàng hội nhập.

“Đến tận bây giờ, nhiều bạn bè vẫn nhắn tin hỏi em về công thức để tham gia các hoạt động thiện nguyện và đạt được những cơ hội tham gia cuộc thi này, cuộc thi kia. Em không có công thức nào cả, chỉ là sự chủ động biết kiếm tìm những cơ hội và mạnh dạn nắm bắt những cơ hội đó”, Thảo Vy chia sẻ.

Sau khoảng thời gian trải nghiệm, Thảo Vy cho hay sẽ quyết định nộp hồ sơ du học tại một nước ở châu Âu trong nhóm ngành khoa học xã hội – truyền thông với mong muốn được khám phá và hiểu hơn về con người.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)