Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thanh Hằng: Thật dại khờ nếu diễn rập khuôn

Tạp Chí Giáo Dục

Bắt đầu từ ngày 23-8, bộ phim dài 39 tập Người mẫu (kịch bản Việt hóa: nhóm biên tập Công ty Kiết Tường – Thanh Hải, đạo diễn: Nguyễn Minh Chung) sẽ lên sóng VTV3 vào 21g10 từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần.

Thanh Hằng (phải) và Bình Minh trong phim Người mẫu – Ảnh: Gia Tiến

Câu chuyện thành công và góc tối của những người trẻ sống trong ngành công nghiệp thời trang sẽ được thể hiện với nhiều gương mặt: Thanh Hằng, Bình Minh, Trương Thế Vinh, Xuân Lan, Dương Mỹ Linh… Tự tin, lạnh lùng ngày ra mắt phim, nhưng Thanh Hằng chưa thể quên được áp lực suốt thời gian quay Người mẫu.

* Tránh ảnh hưởng cách diễn của Jang Dong Gun, Bình Minh (vai Duy Thanh) nhất quyết không xem phim Người mẫu. Chị có áp dụng cách này cho vai diễn của mình?

– Không, tôi khác với Bình Minh vì đã lỡ xem phim từ cách đây mười năm rồi. Khi đó tôi xem với tâm lý của một khán giả bình thường, vô tư, buồn vui theo tâm trạng của nhân vật, cũng thắc mắc và ngưỡng mộ vì sao họ có thể đóng hay đến vậy. Tới khi vai diễn đến tay, tôi buộc phải làm cho nhân vật khác với phiên bản gốc. Thật dại khờ nếu tôi chỉ hoàn toàn bắt chước Kim Nam Joo, điều đó có hại chứ không hề có lợi chút nào!

* Với thế mạnh là sự chuyên nghiệp trên sàn diễn, đâu mới là điều khiến chị phải đau đầu, bị ám ảnh và cố khắc phục để khán giả tin vào nhân vật Bình Khôi?

– Thật khó trong thời gian ngắn để đào tạo một diễn viên đóng vai người mẫu chuyên nghiệp. Lợi thế của đoàn phim chính là không mất thời gian vào chuyện đào tạo. Khi diễn viên thể hiện chính mình, không gì thật bằng. Nhưng áp lực vẫn nhiều hơn. Nội dung phim, ai cũng biết, chúng tôi không thay đổi được. Chỉ có cách diễn xuất phải biến hóa. Các thành viên trong đoàn cổ vũ tôi rất nhiều trong những phân đoạn hóa thân là sinh viên – hình ảnh đó trong sáng, gần gũi và… ít ai thấy nếu nghĩ đến người mẫu Thanh Hằng. Riêng mình, tôi đã nỗ lực, căng thẳng trong những phân đoạn phải thể hiện diễn biến tâm lý nặng nề. Có lúc tập trung tới mức khi buông vai ra, tôi thừ người vì quá mệt! Áp lực còn do tôi tự tạo, trước khi quay tôi luôn bị lo lắng.

* Một trào lưu thời trang mang dáng dấp Việt cũng được nhiều khán giả trên các diễn đàn chờ đợi. Êkip làm phim có chủ đích đầu tư hình ảnh cho nhân vật của chị?

– Thật ra ban đầu tôi muốn trang phục phải hơn thế. Nhưng ở Việt Nam mọi thứ mới đang bắt đầu, phần lớn diễn viên có sẵn gu thẩm mỹ thế nào sẽ được áp dụng như vậy lên phim, chứ chưa có một êkip chuyên phụ trách về hình ảnh, cá tính riêng của nhân vật. Với Bình Khôi, tạo hình của cô ấy được chia làm ba giai đoạn: mới vào nghề đơn giản với quần jean và áo thun hay sơmi; khi nổi tiếng (người mẫu) nhân vật sử dụng quần áo điệu đà hơn, với nhiều chiếc váy mềm mại, màu sắc nổi bật; đến khi nhân vật đi du học về (nhà thiết kế), tôi chọn trang phục gam màu tối và sử dụng son môi thật đỏ để trông già dặn hơn.

Phiên bản Việt “lành” hơn

Vào thời điểm năm 1997, với dàn diễn viên xuất thân từ người mẫu, hoa hậu (Jang Dong Gun, Kim Nam Joo, Han Jae Suk…) Model (Đài SBS, Hàn Quốc) đã tái hiện thành công trên màn ảnh một cuộc sống hào nhoáng nối kết với sàn diễn thời trang. Những tình tiết cạnh tranh khốc liệt và số phận từng nhân vật đã tạo nên một câu chuyện đầy cuốn hút với chính khán giả Việt.

Nói về bản phim của mình, đạo diễn Nguyễn Minh Chung cho biết phiên bản Việt sẽ “lành” hơn, cách cư xử, phong cách ăn mặc cũng đơn giản, nhẹ nhàng hơn. “Dù vậy phim làm về người mẫu nên diễn viên phải là người mẫu thật sự, đó là yêu cầu đầu tiên của tôi” – đạo diễn Minh Chung nói. Đầu tư rất nhiều cho những hình ảnh đẹp, góc máy ấn tượng, vị đạo diễn cũng đang đứng trước áp lực bị khán giả “soi” rất kỹ với bộ phim làm lại này: hoặc sẽ mô tả được thế giới người mẫu một cách thuyết phục, hoặc dừng lại là một bộ phim chắp nối những cảnh sàn diễn bóng loáng?

NGA LINH  (Theo TTO)

Bình luận (0)