Hy sinh cả tuổi xuân của mình nơi chiến trường, khi trở về họ không chỉ mang trong mình nỗi đau về thể xác mà còn chịu nhiều thiệt thòi về tinh thần. Đó là cuộc sống hiện tại của những nữ cựu TNXP không chồng, một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Một chiều giữa tháng 7, khi mà cả nước đang trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, chúng tôi tìm về xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa – nơi có 116 cựu thanh niên xung phong, trong đó có 71 người là nữ và có hơn 10 người cùng chịu cảnh không chồng.
Mẹ Liệu cô quạnh trong căn nhà nhỏ.
Họ là những người thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Mỗi người một hoàn cảnh sống khác nhau nhưng ở họ có chung một nỗi niềm cô quạnh, nỗi buồn tủi khi mỗi ngày tuổi già sức yếu, không một bờ vai để tựa vào, không bàn tay đỡ đần, chăm sóc.
Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là một ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ, tường vôi cũ kĩ, bạc màu. Dáng người nhỏ nhắn, gầy gò, mái tóc hoa râm lốm đốm, mẹ Hoàng Thị Liệu chậm rãi bước từ trong bếp ra với nụ cười hiền hậu. Năm nay mẹ đã bước sang tuổi 69, căn bệnh vôi cột sống khiến bước đi của mẹ đã trở nên chậm chạp.
Đưa mắt nhìn xung quanh nhà, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi màu đã cũ, chiếc quạt điện và một số vật dụng sinh hoạt bình thường. Như đọc được suy nghĩ của tôi, mẹ hồn hậu: “Nhà không có gì cháu à, chỉ vậy thôi đấy nhưng mình còn có điều kiện hơn nhiều đồng đội khác vì mình còn có đồng lương hưu mà sinh sống”.
Mẹ Liệu tham gia thanh niên xung phong khi còn ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Cha mẹ mất sớm, một mình lo toan cuộc sống, khi đất nước kêu gọi, mẹ xung phong lên đường nhập ngũ và cống hiến tuổi xuân nơi chiến trường ác liệt. Rồi mẹ được nhà nước phân công đi học ngành sư phạm ở Quảng Ninh. Miệt mài chiến đấu, miệt mài học tập mà quên đi rằng con gái có thì, mẹ cứ thế sống đơn thân, cống hiến sức mình cho công việc. Đến khi ngoảnh lại, tuổi xuân đã đi qua, lại một thân một mình lập nghiệp ở mảnh đất xa xôi, không bà con, họ hàng thân thích.
Bữa cơm thời chiến của các nữ TNXP (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp).
Nghỉ hưu, mẹ trở về quê hương, mua một căn nhà nhỏ nhờ số tiền chắt chiu bao nhiêu năm trời lao động. Trong dòng cảm xúc của câu chuyện, đôi mắt đục cùi nhãn của mẹ bỗng dưng nhòe dần, giọng lạc đi, run run: “Khổ lắm cháu ơi, tuổi càng già, sức càng yếu, bệnh tật đầy người, chỉ trông vào mấy đồng tiền lương hưu ít ỏi để thuốc men, sinh hoạt. Những lúc đau ốm nằm một mình, đêm đêm khóc thầm mong có một bàn tay ấm áp nấu cho miếng cơm, miếng cháo, mong có đứa con hiếu thảo ở bên chăm sóc, bóp cho mẹ cái tay, xoa cho cái đầu… cô đơn lắm cháu ạ! Cũng may còn nguồn động viên của bà con thôn xóm và nghĩa tình đồng đội mới bớt đi phần nào tủi cực”.
Chia tay mẹ Liệu, tôi đến thăm một trường hợp khác là mẹ Ngô Thị Khuyên, 60 tuổi. Mẹ cũng không chồng, sống cùng mẹ già năm nay đã ngoài 90 trong một căn nhà lụp xụp, cũ nát. Không đồng lương hưu, không tiền trợ cấp, chỉ còn biết dựa vào ruộng vườn để nuôi sống bản thân và người mẹ già yếu ở cái tuổi “gần đất xa trời”.
Tuổi xuân của mẹ đã qua đi nơi chiến trường ác liệt. Mang thương tật và căn bệnh từ bom đạn quân thù, lúc trái gió trở trời, người mẹ lại đau nhức. Thế nhưng, dù là ngày mưa hay nắng, mẹ vẫn phải làm việc để mưu sinh.
Mẹ Liệu hay mẹ Khuyên tiêu biểu về hoàn cảnh trong những trường hợp đặc biệt khó khăn của những nữ cựu thanh niên xung phong xã Hà Lĩnh và cũng như biết bao nữ thanh niên xung phong khác. Cùng ra chiến trường, cùng cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, nhưng khi trở về thì mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau. Mải miết chiến đấu với quân thù, quá lứa lỡ thì, những họ vẫn phải đứng vững để làm “nóc nhà” cho chính cuộc đời mình.
Với họ, cuộc sống thường ngày còn khắc nghiệt hơn với những năm bom đạn chiến trường. Có nhiều mẹ kịp tìm cho mình một bến đỗ bình yên, một bờ vai để tựa, một niềm an ủi, động viên cho cuộc đời. Bỏ qua những dị nghị, những cái nhìn hà khắc của xã hội, khao khát làm mẹ vẫn cháy bỏng dù cam chịu cuộc sống đơn thân, có mẹ kiếm cho riêng mình một đứa con, thân cò nuôi con khôn lớn trong nỗi vất vả về vật chất. Có vợ, có chồng nuôi con còn vất vả, không chồng mà nuôi con mới thật gian truân. Có lẽ những năm tháng ác liệt ở chiến trường đã rèn luyện cho các mẹ bản lĩnh vững vàng và mạnh mẽ để đứng vững trước sóng gió cuộc đời. Dù cuộc sống còn nhiều phiền muộn nhưng họ vẫn miệt mài để nuôi lớn niềm hạnh phúc của riêng mình.
Nữ TNXP cống hiến tuổi thanh xuân, quên mình vì Tổ Quốc.
Cô Nguyễn Thị Xuân, Hội trưởng Hội cựu TNXP xã Hà Lĩnh tâm sự: “Xã Hà Lĩnh có tới hơn 10 cựu TNXP không có chồng, các mẹ đều hi sinh, cống hiến tuổi xuân cho chiến trường, khi trở về thì tuổi đã xế chiều nên đành ở vậy. Rất nhiều mẹ hiện tại không được hưởng một đồng trợ cấp nào nên cuộc sống rất khó khăn. Tuổi già sức yếu, bệnh tật nhưng vẫn phải lăn lộn làm ruộng để mưu sinh”.
Chiều muộn, không gian nơi xã miền trung du thoáng buồn, ngoái đầu nhìn lại căn nhà của mẹ Liệu, mẹ Khuyên chúng tôi mường tượng ra bóng dáng của những người phụ nữ cô đơn giữa cuộc đời. Cuộc sống lặng lẽ của họ cứ từng ngày, từng giờ trôi đi, khiến cho người ta liên tưởng tới “bến không chồng” nhiều gian nan, vất vả, và gợi nhắc cho thế hệ hôm nay hãy biết ơn nhiều hơn những người con đã một thời bất khuất trước bom đạn quân thù, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nay lại một lần nữa kiên cường trước cuộc sống nhiều sóng gió…
Nguyễn Thùy – Duy Tuyên
(Dân trí)
Bình luận (0)